‘Siêu’ chuyên án đấu tranh tội phạm công nghệ cao có sự tham gia của Cảnh sát hình sự 52 địa phương
- 11:03 25-07-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chuyên án được Công an tỉnh Bạc Liêu xác lập trên cơ sở tài liệu trinh sát thu thập được từ một số nhóm đối tượng có dấu hiệu hoạt động lừa đảo sử dụng mạng Internet, viễn thông và qua hệ thống ngân hàng để chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, nhóm 1 với thủ đoạn vào mạng Internet, vào website của ngân hàng rồi tìm kiếm các tài khoản của khách hàng đang được giải ngân mà không sử dụng dịch vụ Internet banking (giao dịch chuyển và nhận tiền qua mạng Internet) để tìm cách truy cập vào tài khoản, làm thủ tục đăng ký Internet banking.
|
Tiếp đó các đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho chủ tài khoản yêu cầu gửi OTP (viết tắt từ “One Time Password”, có nghĩa là mật khẩu chỉ sử dụng một lần) thực hiện việc giải ngân vốn vay. Tưởng thật, các chủ tài khoản cung cấp mật khẩu OTP cho bọn chúng. Sau đó, đối tượng đăng nhập vào tài khoản, thực hiện hành vi chiếm đoạt bằng cách chuyển tiền từ tài khoản của khách hàng sang tài khoản ATM mà bọn chúng chuẩn bị trước.
Nhóm 2 với thủ đoạn giả danh cán bộ, nhân viên công ty xổ số gọi điện cho bị hại cho số đánh “lô, đề”; khi trúng sẽ chia đôi; đồng thời lừa những bị hại này với hình thức góp vốn làm cổ đông của công ty xổ số…
Được sự chỉ đạo của Tổng cục Cảnh sát và Cục CSHS, Công an tỉnh Bạc Liêu phối hợp với lực lượng CSHS của 51 Công an tỉnh, thành phố trên cả nước đã khẩn trương vào cuộc, xác minh, đấu tranh với đường dây phạm tội này.
Đến nay, ban chuyên án đã khởi tố, bắt tạm giam 12 đối tượng; thu giữ nhiều tang vật liên quan đến hoạt động phạm tội. Ban chuyên án cũng đã bước đầu xác định được trên 560 nạn nhân, với tài sản thiệt hại hơn 43 tỷ đồng.
Đáng chú ý, từ kết quả bước đầu của “siêu” chuyên án này, cơ quan chức năng đã khái quát được 5 thủ đoạn chính của tội phạm sử dụng công nghệ cao hiện nay.
Dạng thứ nhất, đối tượng lừa đảo tạo tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo...) rồi rao bán quần áo may sẵn, đồ điện tử hoặc tài sản có giá trị khác với giá thấp nhiều hơn so với thị trường để kích thích tâm lý ham rẻ của người dân.
Khi có người liên hệ mua hàng, chúng yêu cầu chuyển tiền trước, và sau khi nhận được tiền thì không chuyển hàng hóa, cắt liên lạc. Thủ đoạn thứ hai, đối tượng dùng biện pháp kỹ thuật chiếm quyền kiểm soát tài khoản trên mạng xã hội của người sử dụng, sau đó nhắn tin liên hệ với những người trong danh sách bạn bè, nêu lý do khó khăn, đề nghị cho mượn tiền, nạp card điện thoại với giá trị lớn để chiếm đoạt.
Thủ đoạn thứ ba, đối tượng thông qua mạng xã hội để làm quen kết bạn. Sau một thời gian làm quen (chưa gặp mặt trực tiếp vì lý do đang sinh sống ở nước ngoài), các đối tượng này đề nghị được gửi một số quà tặng có giá trị từ nước ngoài về. Và trong quá trình gửi quà, đối tượng thông báo quà tặng đến cửa khẩu Việt Nam thì phải nộp một số khoản thuế, lệ phí hoặc bị Hải quan tạm giữ, nên cần một số tiền để quà tặng được vận chuyển đến người nhận. Các đối tượng tiếp đó cung cấp số tài khoản để bị hại nộp tiền vào, lập tức sa bẫy.
Thủ đoạn thứ tư, các đối tượng sử dụng số điện thoại lạ gọi vào số điện thoại của người dân, xưng danh là cán bộ thuộc lực lượng Công an (thường là Cảnh sát ma túy, Cảnh sát hình sự hoặc Cảnh sát kinh tế) thông báo đang thụ lý vụ việc có liên quan đến họ và buộc họ phải chuyển tiền trong tài khoản của mình vào tài khoản ngân hàng của CQĐT (do các đối tượng cung cấp số tài khoản), để tạm giữ điều tra hoặc thanh toán các chi phí khác, nếu không có liên quan thì sẽ trả lại và căn dặn họ không được báo cho người thân, gia đình biết. Các đối tượng này đe dọa nếu không chuyển tiền sẽ bị bắt giữ ngay để xử lý. Những người dân lo lắng, hoảng sợ nên đã chuyển tiền vào số tài khoản do đối tượng cung cấp, sau đó thì phát hiện bị lừa đảo.
Một thủ đoạn khác, các đối tượng giả mạo cán bộ ngân hàng gọi điện hoặc nhắn tin cho người bị hại thông báo khách hàng có giao dịch chuyển tiền vào tài khoản nhưng giao dịch bị treo và yêu cầu người bị hại cung cấp thông tin tên đăng nhập, mật khẩu dịch vụ Internet banking và mã OTP để nhận tiền. Sau đó, chúng sử dụng chính những thông tin người bị hại đã cung cấp để thực hiện hành vi rút tiền có trong tài khoản của họ thông qua giao dịch Internet banking.
CQĐT khuyến cáo các cơ quan, tổ chức và quần chúng nhân dân cần nhận diện chính xác những thủ đoạn nêu trên và những thủ đoạn khác để tránh bị chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, khi trao đổi thông tin hoặc giao dịch mua bán trên mạng Internet thì cần sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để xác minh thông tin với phía đang giao dịch như: Tài khoản xã hội đã lập lâu chưa hay mới lập? Có nhiều người giao dịch giống mình không? Những phản hồi của người đã giao dịch trước đây có tích cực không? Nếu là người thân thì hỏi về những thông tin riêng biệt để xác định đúng là người thân...
Không tiết lộ thông tin của bất kỳ dịch vụ ngân hàng điện tử, mã OTP, mã kích hoạt dịch vụ cho bất cứ ai qua bất kỳ kênh nào như điện thoại, email, mạng xã hội, ứng dụng, website, đường link lạ… Và nên sử dụng dịch vụ mua bán trực tuyến bằng hình thức giao hàng mới thanh toán tiền để tránh bị chiếm đoạt tài sản.