Chứng khoán Việt Nam tuần 16 - 20.7.2018: Tiếp đà hồi phục
- 15:39 24-07-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
Thị trường vượt ngưỡng cản quan trọng ở mức 930 điểm ngày 18/7 đã giúp giải tỏa tâm lý và thu hút tốt dòng tiền đứng ngoài thị trường nhập cuộc trở lại. Phiên cuối tuần có sự sụt giảm nhẹ chủ yếu do áp lực chốt lời diến ra ở một số mã sau khi giá đã tăng mạnh gần đây và hoạt động tái cơ cấu của VN30ETF. Tuy vậy, dòng tiền vào tiếp tục tốt giúp giá hồi phục đáng kể ở phiên ATC. Chốt tuần, VNIndex ở mức 933,39 điểm (giảm nhẹ so với mức cao nhất trong tuần là 947); HNXIndex ở mức 107,62 (cao nhất tuần).
Biến động chỉ số VN-INDEX tuần 16.7-20.7.2018_ Nguồn: VNDIRECT |
Nhóm cổ phiếu ngân hàng như ACB (+6,7%), BID (+5,8%), CTG (+7,4%), MBB (+9,1%), VPB (+7.3%)… tăng giá khá tốt với mức thanh khoản vượt trội so với tuần trước. Các mã ngành bất động sản như DXG (+10,1%), NLG (+4,9%), NVL(+8,1%) tăng nhưng mức thanh khoản chưa thuyết phục; cổ phiếu ngành chứng khoán cũng tăng. Sự phân hóa thị trường diễn ra khá rõ ràng và ngành ngân hàng đang là trụ cột dẫn dắt đà tăng thị trường.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng với tổng giá trị hai sàn đạt 669 tỷ đồng, nếu loại bỏ ảnh hưởng từ VIC thì khối này mua ròng nhẹ 41 tỷ đồng trong tuần. Điểm đáng chú ý là USD Index đang ở mức cao 95,2 điểm có thể gây áp lực lên tỷ giá trong tương lai gần. Đây cũng là nguyên nhân chính tạo ra áp lực rút vốn ngắn hạn của khối ngoại trong thời gian qua. Do vậy, thời gian tới, nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát kỹ động thái của khối ngoại bởi nếu diễn ra tình trạng bán ròng mạnh trên diện rộng cổ phiếu lớn sẽ là dấu hiệu cảnh báo đảo chiều xu hướng hồi phục.
Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định rằng: “Đây vẫn là đợt hồi phục ngắn hạn trong xu hướng giảm trung hạn chưa bị xóa bỏ. Trong tuần tới, thị trường có thể giảm vào phiên thứ hai thì xu hướng sau đó vẫn tích cực. Và VNIndex có lẽ tiếp tục hướng đến đường MA 200 ngày dựa trên những kỳ vọng như mùa công bố kết quả kinh doanh khả quan; thị trường chứng khoán khu vực khởi sắc và khả năng sẽ chưa có diễn biến quan trọng nào mới trong vấn đề tranh chấp thương mại”.