"Sự cố" trong kỳ thi THPT quốc gia: Tiếng chuông báo tử kỳ thi “2 trong 1”?
- 10:06 24-07-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hàng loạt tiêu cực mang tính “hệ thống” bị phanh phui tại các địa phương phải chăng là tiếng chuông báo tử cho kỳ thi “2 trong 1” mà Bộ GD- ĐT khởi xướng? Ảnh minh họa. |
Hãy thử hình dung, nếu như sự việc ở Hà Giang, Sơn La không bị phát hiện đưa ra ánh sáng thì điều gì sẽ xảy ra? Sự gian dối, lọc lừa còn tiếp diễn đến khi nào khi niềm tin bị đánh cắp, sự bất công quá đáng với những thí sinh có thực lực. Thật nguy hiểm nếu như những con người không có tài không có đức “lọt qua” các cửa để giữ các vị trí quan trọng của xã hội?
Đã có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc tổ chức kỳ thi "2 trong 1" trong những năm tiếp theo. Nhưng điều cả xã hội mong muốn là trả lại sự trung thực cho ngành giáo dục và tính thiết thực, hiệu quả mà kỳ thi mang đến.
Thực tế cho thấy, nếu Bộ GD-ĐT vẫn cứ loay hoay với phương án đổi mới thi cử theo kiểu ăn đong, thiếu một lộ trình dài hơi, thì câu chuyện tuyển sinh ĐH-CĐ sẽ không bao giờ hết rối, hết tiêu cực.
Sai phạm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia tại Hà Giang, Sơn La giống như giọt nước tràn ly, làm đảo lộn tất cả những giá trị tốt đẹp mà Bộ GD-ĐT đã dày công vun đắp trong 4 năm qua.
Vụ việc nghiêm trọng tới mức, có người đã ví von, hàng loạt tiêu cực mang tính “hệ thống” bị phanh phui tại các địa phương phải chăng là tiếng chuông báo tử cho kỳ thi “2 trong 1” mà Bộ GD- ĐT khởi xướng…
Kỳ thi “2 trong 1” đã hết sứ mệnh?
Không thể phủ nhận rằng, trong mấy năm qua, nền giáo dục nước ta đã có những chuyển biến mang tính đột phá tích cực. Đặc biệt là việc gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi Đại học thành một kỳ thi chung duy nhất – kỳ thi THPT Quốc gia.
Đây là một sự kiện quan trọng của ngành Giáo dục Việt Nam, được tổ chức bắt đầu vào năm 2015. Là kỳ thi “2 trong 1”, thực hiện hai nhiệm vụ, tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng, nhằm giảm bớt tình trạng luyện thi, học tủ, học lệch và giảm bớt chi phí.
Theo PGS.TS Mai Văn Hưng, Chủ nhiệm bộ môn Sư phạm Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Giáo dục ĐHQG Hà Nội, bước cải cách này quan trọng và cần thiết cho nền giáo dục tiên tiến tiếp cận với quốc tế đặc biệt là nền giáo dục Tây Âu và Mỹ, tuy nhiên, việc gộp 2 trong 1 với hình thức tổ chức thi tại các địa phương sẽ tạo ra tâm lí “sân nhà” nên dễ cho sự “chỉ huy” của những người có quyền tại mỗi tỉnh dẫn đến tình trạng tiêu cực khi có thể.
Với lợi thế đó thì con cháu họ phải vào đại học bằng được, nhất là những trường tốp cao. Có thể nhận thấy rằng, kỳ thi mang tính đột phá về ý tưởng là tốt nhưng chưa thực sự phù hợp với tư tưởng “học để làm quan” và tâm lí “phép vua thua lệ làng” của người Việt.
... Đã đến lúc trả lại sự tự chủ cho các trường
Sau 4 năm triển khai hình thức thi với những sự khen chê, đặc biệt là sau lùm xùm của sự cố tiêu cực tại Hà Giang, Sơn La... đã dấy lên sự nghi ngờ trong dư luận về hiệu quả thật sự của một cuộc cải cách mạnh mẽ, hội nhập của Bộ Giáo dục.
Vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang đã phơi bày những "lỗ hổng chết" người trong thi cử hiện nay. Nhiều bất cập xảy ra khi tích hợp vừa thi tốt nghiệp vừa thi tuyển đại học. Rất nhiều phụ huynh đồng tình với đề xuất nên bỏ hẳn kì thi tốt nghiệp, cho rằng giờ là đúng thời điểm nên thực hiện. Cùng với đó, làn sóng “tẩy chay”, quay lưng với cách thức thi "rối như canh hẹ" này ngày càng nhiều, đồng thời có ý kiến thẳng thắn yêu cầu bỏ kỳ thi THPT, trả lại quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học.
Theo các chuyên gia giáo dục, việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia nên quy về một mối, dưới sự điều hành của Bộ GD-ĐT và sự giám sát chặt chẽ của lực lượng an ninh sẽ giảm thiểu tối đa những tiêu cực.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này PGS. TS Mai Văn Hưng nhận định, hình thức thi 2 trong 1 đã bộc lộ một số mặt hạn chế như chúng ta đã biết nhất là các lỗ hổng có thể làm thay đổi kết quả thi, nếu không có những biện pháp kĩ thuật lấp được “lỗ hổng” thì nên bỏ. Việc tổ chức thi tốt nghiệp trả về cho các tỉnh, điều này là hợp lí vì kì thi này không có tính chất cạnh tranh.
Bởi vậy, về lâu dài thì việc tuyển sinh do các trường tổ chức là cần thiết và mang tính bắt buộc, ấy là khi đầu vào đại học không còn là áp lực đối với học sinh, còn đầu ra là một sự chọn lọc sinh viên qua quá trình học tập.
Cũng theo PGS,TS Mai Văn Hưng, Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lí nhà nước về lâu dài thì không nên điều hành việc thi tuyển mà việc này nên để cho một cơ quan đánh giá độc lập, hoặc các trường đại học. Song trước khi chưa có cơ quan này Bộ GD- ĐT nên điều hành, nhưng điều quan trọng là cơ chế điều hành, quy chế tuyển sinh phải hạn chế được tối đa những tiêu cực của con người.
Có thể nhận thấy kỳ thi đại học 3 chung diễn ra trước năm 2015 được coi là khách quan do cơ chế thi và chấm thi hoàn toàn do các trường đại học (những người không quen biết thí sinh và địa phương) tiến hành dưới sự điều hành chung của Bộ GD-ĐT.
Khi đó có hàng triệu bài thi (nên không thể nhận ra để tiêu cực), nên dù ai có muốn thay đổi kết quả là hoàn toàn bất khả thi. Hình thức thi này có thể tốn kém ít nhiều nhưng cái quan trọng là đảm bảo sự trung thực và không phải làm lại như hiện nay, mà việc làm lại, sửa sai lại tốn kém hơn nhiều.
Từ câu chuyện này, nhiều ý kiến đề xuất, giải pháp trước mắt cho kỳ thi THPT Quốc gia với mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, là chuyển khâu chấm thi cho ĐH, hoặc Bộ GD&ĐT trực tiếp làm.
Về lâu dài, Bộ nên trả việc công nhận tốt nghiệp THPT cho địa phương và trả kỳ tuyển sinh cho các trường ĐH. Nhiều chuyên gia cũng đồng tình, nên xem xét bỏ kỳ thi THPT Quốc gia "2 trong 1", bởi không nên ôm đồm kỳ thi "2 trong 1" ít hiệu quả, khi chỉ để tìm ra 2 - 3% học sinh rớt tốt nghiệp.
Về tuyển sinh ĐH, nên giao hẳn để các trường tự chủ là giải pháp tốt nhất ngăn ngừa tiêu cực, họ sẽ chịu chất lượng đầu vào và cả đầu ra. Nếu xóa bỏ được kỳ thi "2 trong 1" như hiện nay, Bộ GD&ĐT sẽ có thời gian và dồn lực để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục.
Đã đến lúc Bộ nên xem xét thay đổi phương án tổ chức kỳ thi THPT sao cho vừa giảm gánh nặng cho học sinh, gia đình và xã hội nhưng vẫn đảm bảo công bằng trong thi cử và đảm bảo các trường ĐH lựa chọn được người tài thực sự, lấy lại niềm tin của xã hội ở kỳ thi quan trọng này.