Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vụ nâng điểm ở Hà Giang: Sự việc nghiêm trọng này đã diễn ra được bao năm?

Ngay chính chúng tôi, những giảng viên đang trực tiếp đào tạo đại học cũng rất hoang mang vì không thể biết sự việc nghiêm trọng này đã diễn ra được bao năm? Bao nhiêu chỗ ngồi trong giảng đường đại học đã bị chiếm bởi sự gian dối trong khâu đầu vào?

LTS: Vụ việc gian dối nâng điểm ở Hà Giang đã khiến dư luận “nổi giận” khi nhiều học sinh từ trượt tốt nghiệp lại nghiễm nhiên nằm trong Top điểm cao, thậm chí có cả trường hợp Thủ khoa. Trong số này, có những em đăng ký nguyện vọng vào khối các trường ĐH Y – Dược. Nếu sự việc không được phát hiện, hệ quả sẽ lớn như thế nào, khi nghề Y ảnh hưởng đến sinh mạng con người?

ĐBQH, PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu (giảng viên trường ĐH Y Hà Nội, PGĐ BV Trường ĐH Y Hà Nội) đã có bài viết riêng cho Infonet về vấn đề này. Nhan đề bài viết do Infonet đặt.

Trước giờ tôi vẫn giữ quan điểm là cần thắt chặt chất lượng đầu ra của các trường Đại học Y - Dược. Thực tế là nhiều bác sĩ tốt nghiệp ra trường nhưng chuyên môn yếu, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh.

Với vụ việc nghiêm trọng xảy ra ở Hà Giang (có thể là ở cả Sơn La và nhiều tỉnh khác mà chúng ta chưa biết), tôi càng tin rằng việc có một cuộc thi để cấp bằng hành nghề cho các bác sĩ là cần thiết, vì khả năng rất cao có những thí sinh "xuất sắc" không bằng kiến thức của mình vượt qua khe cửa "hẹp" để trở thành các bác sĩ tương lai.

 ĐBQH, PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu

Thực tế, từ khi thực hiện kỳ thi 2 chung (thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ2 kết hợp vào làm một), tuy mới chỉ thực hiện được 4 năm nhưng đã có những lo lắng nhất định từ giảng viên các trường Đại học Y - Dược. Đó là những e ngại về chất lượng đầu vào giảm sút, dù điểm tuyển sinh vẫn cao ngất ngưởng nhưng lại không đánh giá thực chất và chọn lọc được thí sinh.

Đào tạo bác sĩ là một ngành tạo ra những con người đặc biệt, vì công việc của họ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng con người, nên không thể với chất liệu "gian dối" ngay từ đầu vào để làm ra một lương y tốt.

Một kỳ thi quốc gia để cấp bằng bác sĩ chung cho tất cả các trường đại học (National board of examination) là một việc thực sự cần thiết và cấp bách. Nó sẽ bảo đảm không cho những sản phẩm kém chất lượng lọt ra ngoài xã hội gây nguy hại cho hệ thống chăm sóc sức khoẻ toàn dân.

Việc đào tạo đại học sẽ hiệu quả và thực chất hơn với ví dụ nếu năm này 80% sinh viên của Đại học A vượt qua được kỳ thi cấp bằng bác sĩ quốc gia còn sinh viên Đại học Z chỉ có tỷ lệ 20% thì liệu sang năm sẽ có bao nhiêu e nộp đơn vào đại học Z để theo học Y khoa ?

Qua sự việc Hà Giang, Sơn La chúng ta có thể khẳng định đã có lỗi không chỉ ở một vài cá nhân vận hành mà còn có lỗi của quy trình. Không thể nói quy trình đã chặt chẽ khoa học, vì nếu vậy sao chỉ 1 cá nhân có thể sửa đến hàng trăm bài thi quốc gia?

Điều đáng lo ngại nhất hiện nay với ngành giáo dục nói chung và hệ thống thi cử ở nước ta nói riêng chính là sự mất niềm tin!

Ngay chính chúng tôi là những giảng viên đang trực tiếp đào tạo đại học cũng rất hoang mang vì không thể biết sự việc nghiêm trọng này đã diễn ra được bao năm? Bao nhiêu chỗ ngồi trong giảng đường đại học đã bị chiếm bởi sự gian dối trong khâu đầu vào?

Việc cần nhất hiện nay là nhìn thẳng vào sự thật. Rà soát lại toàn bộ quy trình và những người vận hành nó. Tìm và đưa ra những lỗi thật cụ thể, thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Có vậy nền giáo dục nước nhà mới thực sự đổi mới, cởi bỏ cái áo khoác lấp lánh kim tuyến nhưng bên trong thì vá chằng vá đụp.