Sợ danh tỷ phú USD, đại gia Hồ Xuân Năng âm thầm tung chiêu lạ
- 11:12 23-07-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
CTCP Vicostone (VCS) của ông Hồ Xuân Năng vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2018 với doanh thu đạt mức kỷ lục gần 1,2 ngàn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 400 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ.
Vicostone của đại gia Hồ Xuân Năng ghi nhận kết quả khá ấn tượng bất chấp chịu ảnh hưởng từ khoản lỗ tỷ giá hơn 10 tỷ đông.
Tính trong 6 tháng, Vicostone ghi nhận lợi nhuận trước thuế 605 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.
Cho dù có kết quả kinh doanh ấn tượng nhưng cổ phiếu VCS của Vicostone giảm mạnh trong hơn 4 tháng qua, bốc hơi khoảng 40%, từ đỉnh cao 140.000 đồng/cp (giá đã điều chỉnh) xuống còn 88.000 đồng/cp như hiện tại.
Nó khiến túi tiền của Chủ tịch HĐQT Vicostone Hồ Xuân Năng sụt giảm. Ông Năng trực tiếp và gián tiếp sở hữu khoảng 120 triệu cổ phiếu VCS. Do vậy, ở vào thời điểm đỉnh cao, đại gia này có khối tài sản quy ra từ cổ phiếu VCS trị giá gần 17 ngàn tỷ đồng (khoảng 740 triệu USD).
Nhưng, ở vào thời điểm hiện tại (tính tới hết 21/7), khối tài sản của ông Hồ Xuân Năng còn khoảng 10,6 ngàn tỷ đồng (460 triệu USD). Tính ra, túi tiền của ông Năng đã giảm khoảng 280 triệu USD.
|
Trước đó, trong năm 2017, cổ phiếu VCS của Vicostone tăng dữ dội gấp thêm 2,5 lần khiến ông Hồ Xuân Năng nổi bật hơn bao giờ hết. Ông chủ của một doanh nghiệp “con cháu” của Tổng công ty CTCP Xuất Nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (VCG) bất ngờ vượt qua rất nhiều doanh nhân và trở thành người giầu thứ 5 trên TTCK, với túi tiền 600 triệu USD.
Cổ phiếu VCS ghi nhận đỉnh cao 140.000 đồng/cp (giá đã điều chỉnh) vào đầu tháng 4/2018, khi chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán (TTCK) ở đỉnh lịch sử 1.200 điểm.
Hồ Xuân Năng khi đó lọt top 5 người giàu nhất trên TTCK là một trong những ứng cử viên có thể trở thành tỷ phú USD tiếp theo tại Việt Nam, sau những tỷ phú USD đã được ghi nhận như: Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo, Trần Đình Long, Trần Bá Dương, Nguyễn Đăng Quang.
Mặc dù tại ĐHCĐ 2018 ông Hồ Xuân Năng cho biết, ông không bao giờ mong muốn có mặt trong danh sách tỷ phú đô la, nhưng ông trùm đá ốp lát này vẫn âm thầm có những hành động trợ giá cổ phiếu.
Sau khi Vicostone bay gần 50% giá trị từ vùng đỉnh, doanh nghiệp này đã đăng ký mua vào 1,6 triệu cổ phiếu quỹ để trợ giá. Ông Hồ Xuân Năng cũng đăng ký mua 1,65 triệu cổ phiếu VCS trong khoảng thời gian từ 13-31/7/2018.
Ông Hồ Xuân Năng được xem là một trong những doanh nhân có tốc độ giàu nhanh hàng đầu trên TTCK Việt Nam sau khi CTCP Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa) của doanh nhân này thâu tóm thành công Vicostone và ổn định lại hoạt động của doanh nghiệp này sau nhiều năm lục đục trong HĐQT.
Cuối năm 2014, ông Hồ Xuân Năng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vicostone công bố sở hữu 90% vốn điều lệ công ty mẹ Phenikaa, qua đó trở thành người có quyền lực lớn nhất tại cả Phenikaa và Vicostone. Đây là thương vụ M&A kinh điển nhất Việt Nam năm 2014, khi lãnh đạo công ty con thâu tóm ngược công ty mẹ.
Năm 2018, Vicostone đặt mục tiêu đạt 5.290 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng trưởng 20% so với năm 2017. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.355 tỷ đồng, tăng 20,4%.
Tại ĐHCĐ 2018, Vicostone cho biết sẽ phải đối mặt với những đối thủ sử dụng công nghệ của Trung Quốc có chi phí đầu vào rẻ hơn. Các đơn vị từ Trung Quốc có được tiến bộ công nghệ nhất định. Sự tham gia của các đối thủ này có thể sẽ gây nhiễu loạn trên thị trường, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Nhưng ông Hồ Xuân Năng cũng cho rằng, kinh nghiệm là điều quan trọng hơn.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực bán vẫn khá lớn. Trong phiên 20/7, hai cổ phiếu lớn Sabeco (SAB) của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi và VietJet (VJC) của nữ tỷ phú USD Việt Nam Nguyễn Thị Phương Thảo bất ngờ bị bán tháo ở phút chót.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán hồi phục khá ấn tượng.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng tập trung mã Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Khối ngoại bán ròng hơn 350 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Kết thúc phiên giao dịch 20/7, VN-index giảm 10,58 điểm xuống 933,39 điểm; HNX-Index tăng 2,03 điểm lên 107,62 điểm. Upcom-Index giảm 0,03 điểm xuống 50,59 điểm. Thanh khoản đạt 260 triệu cổ phần. Giá trị đạt hơn 5,7 ngàn tỷ đồng.