Kỳ lạ bộ lạc chồng để vợ “cắm sừng” thoải mái, nhất là với trai đẹp
- 07:51 23-07-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bộ lạc có nhiều điều cấm kỵ
Trong cuốn "Những người dân du mục của Niger", nhà nhân chủng học người Bỉ Marion Van Offelen cùng nhiếp ảnh gia người Mỹ Carol Beckwith đã tiết lộ nhiều điều thú vị về bộ lạc Wodaabe.
Bộ lạc Wodaabe sống tại nước Cộng hòa Niger, một quốc gia nằm ở Tây Phi là một trong những bộ lạc cuối cùng ở đây sống theo kiểu du mục. Họ thuộc về cộng đồng người Fula, song cũng có vài điểm khác biệt.
Bộ lạc Wodaabe có rất nhiều điều cấm kỵ, song cũng có nhiều quan điểm rất "thoáng". |
Chính việc khăng khăng giữ vững các truyền thống của họ khiến cho bộ lạc này được gọi là Wodaabe trong tiếng Fula (ngôn ngữ của người Fula), nghĩa là "những người coi trọng các điều cấm kỵ".
Người dân Wodaabe miêu tả mình là "những con chim trong bụi cây", rằng "chúng tôi không bao giờ ở chỗ nào cố định. Chúng tôi không để lại dấu vết trên những nơi mình đã đi qua. Nếu người lạ tới quá gần, chúng tôi sẽ bay sang cây khác".
Phụ nữ mới sinh con bị coi như "người mắc lỗi"
Mỗi người phụ nữ đã kết hôn của bộ lạc Wodaabe đều có riêng một ngôi nhà của họ, gọi là suudu, và những ngôi nhà này nằm trong một dãy nhà, với người phụ nữ cao tuổi nhất sẽ được xếp ở hướng cực Nam để bày tỏ sự kính trọng.
Phụ nữ khi có thai sẽ rời nhà chồng để về nhà mẹ đẻ sống. Họ sẽ ở lại đây cho đến khi con cai sữa. Họ sẽ được gọi là boofeydo, nghĩa là người mắc lỗi. Trong giai đoạn này, họ sẽ không được có quan hệ thân mật với chồng.
Phụ nữ Wodaabe chỉ bị hạn chế trong thời gian sinh con, sau đó họ có thể làm bất kỳ điều gì mình thích. |
Phải sau khoảng ba năm, họ mới được trở về nhà chồng. Mẹ đẻ của họ sẽ quyết định thời gian chính xác con gái và cháu ngoại mình đã sẵn sàng để quay lại nhà thông gia.
Khi đó, họ sẽ tổ chức một buổi lễ để ăn mừng việc người phụ nữ chính thức trở thành người có gia đình, con cái và có suudu riêng của mình. Chồng của người phụ nữ này sẽ tết một chiếc dây thừng và trao những con bò sữa của anh ta cho vợ mình chăm sóc.
Đàn ông cho vợ "cắm sừng" để có... con đẹp
Sắc đẹp rất quan trọng đối với người dân bộ lạc Wodaabe. Họ còn được biết đến với tên gọi "bộ lạc của sắc đẹp".
Trong cuốn "Những người dân du mục của Niger", nhà nhân chủng học Marion Van Offelen đã viết "với người Wodaabe, sắc đẹp là cực kỳ quan trọng, đặc biệt là với các chàng trai trẻ".
Nói một cách khác, trong bộ lạc Wodaabe, đàn ông mới được coi là phái đẹp. Trái với văn hóa phương Tây, họ phải có trách nhiệm thu hút phụ nữ. Chính vì thế, họ mất nhiều thời gian hơn phụ nữ để chăm chút và làm đẹp cho bản thân.
Đàn ông Wodaabe cố hết sức để làm đẹp, thậm chí cho vợ đi ngoại tình để có con đẹp. |
Việc đàn ông không chăm sóc ngoại hình của mình cho đẹp đẽ và chu đáo bị coi là một thiếu sót nghiêm trọng, vì sắc đẹp liên quan trực tiếp đến vị thế.
Cũng chính bởi việc xã hội quá coi trọng cái đẹp nên đàn ông Wodaabe sẵn sàng để cho vợ mình ngoại tình với những người đàn ông đẹp trai hơn để họ có những đứa con có ngoại hình đẹp, một điều không bao giờ được chấp nhận trong những nền văn hóa khác.
Trong khi đó, những người khuyết tật hoặc có ngoại hình xấu thường bị coi thường. Trong trường hợp đó, họ phải bù đắp lại bằng sự khéo léo, biết cư xử và làm hài lòng người khác (togu). Togu cũng được coi là một tài sản quý với người Wodaabe.
Nếu chán chồng, vợ có thể ra đi và chồng phải nuôi con
Trong gia đình người Wodaabe, người chồng không bao giờ gọi vợ bằng tên, thậm chí cha mẹ cũng không gọi con cái bằng tên. Lý giải cho điều này, nhà nhân chủng học Marion Van Offelen cho rằng việc cấm dùng tên này có liên quan đến tình yêu.
Trong quan niệm của người Wodaabe, nếu bạn yêu thương ai đó hay cái gì đó thì bạn sẽ trân trọng họ và không thể hiện nó ra ngoài mà phải giấu đi. Cũng chính vì thế, họ cũng không thể hiện tình cảm hoặc sự quan tâm mà họ dành cho người khác.
Người Wodaabe hạn chế tối đa sự giao tiếp thân mật ở nơi công cộng. (Ảnh: Internet) |
Gọi ai đó bằng tên họ bị coi là sự sỉ nhục với người được gọi. Sự thân mật, ví dụ như việc chạm vào nhau ở nơi công cộng hay giao tiếp bằng ánh mắt cũng bị coi là không phù hợp.
Ở tộc người Wodaabe, tục cướp vợ rất phổ biến, một người phụ nữ có thể rời bỏ người chồng nếu tìm được người đàn ông khác phù hợp hơn.
Khi đó người chồng cũ sẽ cố tìm kiếm vợ anh ta để tán tỉnh lại. Nhưng nếu không thành công thì anh ta sẽ chấp nhận thua cuộc, nhường vợ cho "người mới".
Bất kỳ đứa con nào trong cuộc hôn nhân trước (trừ trẻ sơ sinh) sẽ sống với người chồng trước nếu người vợ chọn cách ra đi.
Đàn ông chờ thi sắc đẹp để lấy vợ, phụ nữ chờ để đổi chồng
Geerewol nôm na là một cuộc thi sắc đẹp, nhưng là dành cho đàn ông của bộ lạc Wodaabe. Mỗi năm một lần, họ tổ chức cuộc thi Geerewol, trong đó nam giới sẽ trang điểm và ăn vận những bộ cánh đẹp nhất.
Một cuộc thi sắc đẹp Geerewol của người Wodaabe. |
Có một điều đáng chú ý trong Geerewol là các thí sinh sẽ phải uống một liều thuốc được làm từ cây cỏ, vỏ cây nghiền nát trộn với sữa để tăng thêm sự dẻo dai, phán khích để bộc lộ hết vẻ đẹp của họ.
Những người đàn ông đẹp nhất sẽ tham gia vào một cuộc thi nhảy có thể kéo dài tới một tuần. Những người phụ nữ lớn tuổi sẽ là các vị giám khảo.
Sau khi xem các thí sinh nhảy múa, họ sẽ chọn ra 10 người đàn ông đẹp nhất tiếp tục nhảy. Ba cô gái xinh đẹp nhất trong cộng đồng sẽ lần lượt chọn cho mình người đàn ông ưng ý nhất trong nhóm này.
Trong khi đó, các chàng trai cũng cố gắng hết sức để lọt vào mắt xanh của các cô gái nói trên. Nếu thành công, họ sẽ có cơ hội được gần gũi với cô gái đó cũng như lấy cô gái đó về làm vợ.
Có một điều đặc biệt là trong khi cuộc thi Geerewol diễn ra, những người vợ không hạnh phúc sẽ có cơ hội tìm được chồng mới. Những ông chồng mới sẽ được lựa chọn qua việc ân ái.
Nếu làm hài lòng người phụ nữ thì anh ta sẽ nhận được sự đồng ý của họ và trở thành chồng của họ.