Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhật Bản chuẩn bị cho Thế vận hội Mùa hè trước cái nóng chết người

Nắng nóng làm nhiều người thiệt mạng đang khiến Nhật Bản lo lắng cho Thế vận hội 2020, sự kiện thể thao Tokyo đăng cai tổ chức vào mùa hè oi ả.

Tuy Thế vận hội từng được tổ chức ở những nơi nóng ẩm như Athens và Bắc Kinh, nhưng mùa hè của Tokyo mang tới không chỉ nắng nóng bỏng rát mà cả không khí ẩm ngột ngạt – một sự kết hợp gây khó chịu, thậm chí là chết người.

Thế vận hội Mùa hè 2020 sẽ được tổ chức từ 24/7-9/8. Vào thời điểm này tại Tokyo, nhiệt độ lên tới 37 độ C và độ ẩm có thể đạt hơn 80%.

“So với những lần trước, có thể nói đây sẽ là thế vận hội khắc nghiệt nhất, tùy vào tình hình nắng nóng”, Makoto Yokohari, giáo sư về quy hoạch đô thị tại Đại học Tokyo, cho biết.

 Nhiệt độ ở Tokyo gần đây đạt mức kỷ lục 40 độ C, gây quan ngại cho các vận động viên sẽ tham gia Thế vận hội 2020. Ảnh: AFP.Từ phun sương đến sơn chống nóng

Người dân Tokyo trong những năm qua đã phải hứng chịu hậu quả của hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Quan chức địa phương cho hay nhiệt độ tại Tokyo đã tăng 3 độ C so với thế kỷ trước, gấp 4 lần mức tăng nhiệt toàn cầu.

Ủy ban Olympic Quốc tế đã chấp thuận đề xuất đẩy giờ thi marathon lên, bắt đầu từ 7h sáng. Môn thi đi bộ thậm chí còn bắt đầu sớm hơn. Tetsuo Egawa, giám đốc cấp cao phụ trách lập kế hoạch hoạt động cho ban tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020, đang tìm nhiều biện pháp để đối phó với cái nóng.

“Quan ngại lớn nhất là sốc nhiệt, đặc biệt với những khán giả không quen với cái nóng mà lại phải đứng hàng giờ ngoài trời để xem thi đấu và xếp hàng. Chúng tôi sẽ có lều trại cho khu vực chờ ở cổng an ninh và cố gắng giới hạn thời gian xếp hàng tối đa là 20 phút”, Egawa nói.

Căng thẳng có thể làm tăng nguy cơ sốc nhiệt, do đó, ban tổ chức cho biết sẽ cố gắng giúp khán giả thư giãn dù phải xếp hàng. “Sẽ có vài buổi biểu diễn giải trí nhỏ. Có thể chúng tôi sẽ tổ chức những buổi diễn có hoạt động phun hơi nước cho mọi người”, Egawa cho hay.

Quạt máy to sẽ được lắp đặt và sân vận động quốc gia mới đã được xây dựng theo cấu trúc giúp lưu thông không khí. Khu vực y tế và nghỉ ngơi đều có điều hòa.

 Sân vận động mới được xây dựng ở Tokyo. Ảnh: AFP.

Ban tổ chức Olympic và chính quyền địa phương đang tính đến mọi biện pháp, từ việc sử dụng sơn ngăn ánh nắng mặt trời trên đường phố tới các trạm phun sương di động để chống chọi cái nóng.

Giới chức cho biết lớp sơn sẽ giúp nhiệt độ trên đường giảm 8 độ C. Ở những nơi khác, chính quyền dự định rải lớp bề mặt có thể hấp thụ nước mưa để tạo hơi nước làm mát không khí khi nhiệt độ tăng cao.

Susumu Matsushima, quan chức tại cục quản lý đường bộ thuộc Tòa nhà Chính phủ Tokyo cho biết 116 km đường bộ đã được xử lý với lớp sơn chống nhiệt. “Nếu chạm xuống đường, bạn sẽ thấy sự khác biệt rõ rệt, đặc biệt trong những ngày nắng nóng”, Matsushima nói.

Chuyên gia hoài nghi: Liệu thế đã đủ?

Các chuyên gia lo ngại rằng những nỗ lực này đều không đủ, đặc biệt khi cái nóng của nước này khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng chục nghìn người nhập viện mỗi năm. Vào năm 1964, Thế vận hội Mùa hè Tokyo đăng cai tổ chức đã phải diễn ra vào tháng 10 để tránh cái nóng.

 Dù cuộc thi marathon sẽ bắt đầu vào sáng sớm, nhiều người vẫn lo lắng do đường chạy thiếu bóng râm. Ảnh: AFP.

Giáo sư Yokohari cảnh báo “các vận động viên sẽ phải chạy trong tình trạng nguy hiểm”, đặc biệt ở chặng đua cuối sau khi vượt qua Hoàng Cung Tokyo.

“Tôi nghĩ rằng vận động viên sẽ cảm thấy cơ thể bị tổn hại nặng nề. Trên chặng đường này không có chút bóng râm nào”, ông nhận định.

Theo Yokohari, ban tổ chức cần thay đổi đường đua bởi kế hoạch trồng cây là phi thực tế trong khi chỉ còn 2 năm nữa là tới Thế vận hội. Ông đề xuất chuyển cuộc thi tới vùng mát hơn ở phía Bắc Nhật Bản.

“Đáng tiếc, những người liên quan tới việc này lại không có cùng mối lo cấp bách với tôi. Người dân Tokyo có thể nói rằng ‘chúng tôi biết và đã quen với nhiệt’, nhưng bao nhiêu người trong số chúng ta thật sự ở ngoài đường hàng giờ trong cái nắng nóng đỉnh điểm tháng 8?”, ông nói.