Cơ cực bà nội nuôi 3 cháu mồ côi
- 07:49 21-07-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bà Bý bên 3 cháu mồ côi, bơ vơ khi thơ dại |
Ba lần mất con, một mình nuôi ba cháu nội
Về xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, hỏi bà Bý mất ba con, ai cũng biết. “Cả cái xã này biết hoàn cảnh nhà bà Bý, khổ lắm”, bà Hiên, một người dân thôn Ngang Nội nói.
Trong căn nhà cấp 4 của bà Phạm Thị Bý (65 tuổi, ở thôn Ngang Nội, xã Hiên Vân) không có gì đáng giá ngoài 2 cái giường được một tổ chức từ thiện tặng và 1 cái tivi cũ mới được cho. “Nhà còn có 1 con bò mới được một tổ chức quyên góp cho, tài sản của 4 bà cháu tôi chỉ có thế, nhưng đó là cả một giấc mơ mà hơn chục năm trước. Khi các con lần lượt ra đi, tôi chưa bao giờ nghĩ là có thể có những tài sản đó”, bà Bý nói.
Cuộc đời của bà Bý là cả một chuỗi cơ cực. Tuổi thiếu nữ, bà được gả vào nhà chồng như một cách trừ nợ. Sinh liền 4 đứa con. Khi con lớn mới 13, con nhỏ chưa đầy 5 tuổi, chồng bà ra đi trong một cơn bạo bệnh. Bà gồng gánh nuôi 4 con khôn lớn với mong ước dựng vợ gả chồng cho các con xong thì được nghỉ ngơi.
Nhưng trời không chiều lòng người, năm 2005, con trai cả của bà làm thủ tục ly dị xong thì đột tử ngay tối đó, để lại cậu con trai Trịnh Hoàng Long thơ dại cho bà nuôi dưỡng. Người con trai thứ Trịnh Thế Quyền thần kinh không bình thường, nên vợ bỏ đi làm ăn biệt xứ, bà cũng dang tay đón con gái anh Quyền là cháu Trịnh Thị Thu Trang về nuôi dưỡng từ lúc cháu còn lẫm chẫm. Cô con gái thứ ba lấy chồng gần nhà cũng nghèo xơ xác, nên mọi hy vọng bà dồn cho cậu con út Trịnh Thế Quý (SN 1983).
Năm 2006, anh Quý lên Hà Nội học tiếng để chuẩn bị xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Vợ anh Quý là chị Trần Thị Tình (SN 1983) ở nhà nuôi cháu Trịnh Thế Chung mới 8 tháng tuổi. Buổi tối, bà Bý nghe tiếng cháu Chung khóc thét rất lâu mà không thấy con dâu dậy dỗ dành, bà vào buồng trong thì phát hiện chị Tình đã tử vong, trong khi bé Chung vẫn ngậm bầu ti mẹ.
Hơn ba tháng sau, tổ chức sinh nhật 1 tuổi cho cháu Chung xong, anh Quý xin phép mẹ lên Hà Nội tiếp tục làm thủ tục xuất khẩu lao động. Trên đường về, xe máy của anh do tránh hai chị em đi xe đạp loạng choạng đã bị té đổ, anh Quý tử vong tại chỗ. “Sinh nhật cháu Chung hôm trước, hôm sau bố cháu mất. Tôi làm lễ ba ngày cho bố cháu Chung cũng trùng với lễ 100 ngày cho mẹ cháu”, bà Bý khẽ nói, giọng ầng ậc nước.
Hai năm mất 3 người con, bà Bý ôm cháu Trung vào lòng, tay dắt cháu Long và cháu Trang, tự nhủ không thể quỵ ngã để còn thay các con nuôi đàn cháu thơ dại.
“Sợ dừng tay là ngã quỵ”
Anh Quý ra đi, món nợ 100 triệu đồng vay đi xuất khẩu lao động để lại cho mẹ già, cùng gánh nặng 3 đứa trẻ khiến bà Bý không còn cách nào khác là làm việc điên cuồng, gấp 3-4 người thường để nuôi cháu, trả nợ.
“Bà ấy quần quật từ 3-4h sáng, làm xong việc nhà lại lao ra đồng, ai thuê gì cũng làm, đến tối khuya cũng không nghỉ. Chúng tôi nhiều lần thấy bà ốm mệt, khuyên bà ấy nghỉ nhưng bà bảo, chỉ cần dừng tay là tôi ngã quỵ ngay”, bà Hiên kể.
Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ bà Phạm Thị Bý, thôn Ngang Nội, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Hoặc gửi qua tài khoản Quỹ Chung tay vì ATGT của Báo Giao thông 102010001764880 tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Chi nhánh Hà Nội (nội dung gửi ủng hộ gia đình bà Phạm Thị Bý). |
Bao năm qua, nguồn sống của 4 bà cháu chỉ trông vào 5 sào ruộng, mảnh vườn, đàn lợn, nên bà Bý hầu như không đi chợ. Thức ăn của bốn bà cháu là rau vườn, quả trứng, hạt lạc nhà làm ra, con cua con cá bà cháu bắt được ngoài cánh đồng, giỗ Tết thì thịt con gà nhà nuôi cho các cháu cải thiện. Thế nhưng, dù nghèo đói, bà Bý nhất quyết không cho các cháu nghỉ học. “Bà già rồi, các cháu đều đơn côi, không học thì không ai giúp các cháu sống được”, bà Bý tâm niệm.
Suốt 10 năm làm như trâu, tằn tiện mọi khoản chi tiêu, dành dụm tiền bán lợn hàng năm, tiền làm thuê cuốc mướn… bà đã trả hết món nợ do con để lại. Nhìn căn nhà xập xệ gió lay cũng đổ, mưa dột tứ bề, bà lại nhờ hàng xóm vay nguồn vốn xã hội lãi suất rẻ để dựng căn nhà cấp 4 cho các cháu có chỗ ra vào.
“Các cháu dần lớn lên, cũng đỡ được cơm nước, lợn gà, tôi đỡ phần nhiều rồi. Bao năm qua, nhiều người đến xin các cháu làm con nuôi, nhưng tôi còn sống thì còn cố chăm cháu vì các cháu mồ côi, bơ vơ đã thiệt thòi rồi. Tôi chỉ mong có sức để nuôi các cháu ăn học thêm vài năm nữa, rồi ước một lần được ra thăm Lăng Bác trước khi nhắm mắt xuôi tay”, bà Bý tâm sự.