Đám cưới khó ngờ của trùm giang hồ nhiễm HIV và nữ thợ may
- 06:04 19-07-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
“Biết mình bị HIV, tôi rạch ray tự vẫn”
Cha mẹ chia tay từ khi còn nhỏ, K lớn lên bằng sự chắt chiu và tình yêu thương vô bờ bến của bà nội. Khi cuộc sống chỉ còn tính từng ngày, căn bệnh HIV/AIDS đã vào giai đoạn cuối, điều anh đau đáu nhất là chưa một lần được chăm sóc cho bà…
K là một bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện 09 (Thanh Trì, Hà Nội) chúng tôi có dịp tiếp xúc. Anh có khuôn mặt bất cần, cơ thể gần như kín đặc bởi những hình xăm, mái tóc nhuộm vàng.
Kể về vết trượt dài trong cuộc đời mình, K thở dài cho biết, anh sa ngã khi mới ở độ tuổi thiếu niên. |
Thoạt đầu, khi mới gặp, K có vẻ lạnh lùng. Anh nhìn phóng viên bằng thái độ dè dặt, thăm dò, trả lời nhát gừng. Đôi mắt ráo hoảnh, liên tục nhìn vào điện thoại để lảng tránh câu hỏi về quá khứ.
Thế nhưng khi nhắc đến người thân, giọng K bắt đầu chùng xuống, nước mắt chực trào ra. Có lẽ, tình cảm gia đình đã đánh thức những cảm xúc tưởng chừng chai sạn từ lâu. Bao ký ức buồn, vui của tuổi thơ anh bất chợt ùa về.
Giọng run run, anh bắt đầu trải lòng về những tháng ngày khó nhọc được bà nội chở che. Gia đình K ở quận Hoàng Mai (Hà Nội). Bố mẹ anh chỉ sinh được một con trai nhưng họ sớm chia tay sau vài năm kết hôn.
K vẫn nhớ như in ngày mẹ bỏ đi, anh chạy theo gào khóc đến lạc giọng, mong mẹ quay lại… nhưng bóng mẹ vẫn mất hút nơi cuối đường. Đó là hồi ức ám ảnh K hàng đêm, ngày anh mất đi mái ấm gia đình.
Bố hận mẹ, mọi ai oán ông trút lên đứa trẻ đáng thương bằng trận đòn cay nghiệt, đau đến xé thịt. Bà nội thương cháu, đón anh về nuôi. Từ ngày đó, hai bà cháu nương tựa nhau để sống.
Kể về vết trượt dài trong cuộc đời mình, K thở dài cho biết, anh sa ngã khi mới ở độ tuổi thiếu niên.
“Tôi lên 10 tuổi thì sức khỏe bà bắt đầu yếu đi, không còn chạy chợ, buôn bán được nữa. Ngày lo 2 bữa ăn cũng đã nhọc nhằn nói gì đến việc cho cháu học lên cao.
Cuộc sống bí bách, không có bố mẹ uốn nắn, tôi bỏ học từ năm lớp 6, hàng ngày lang thang, tụ tập với đám bạn xấu, gây ra nhiều vụ cướp giật”.
K được người ta rủ rê dùng thử ma túy, rồi anh chìm đắm vào làn khói trắng mờ ảo, không có cách nào dứt ra được. Đến năm 1998, K bị đưa vào trường giáo dưỡng.
Tại đây, qua các xét nghiệm người ta phát hiện K đã nhiễm HIV. Khi ấy, anh vừa bước sang tuổi 17 được vài ngày.
Tháng ngày đó K sống với nỗi sợ hãi, tuyệt vọng khôn cùng. Trong lúc không làm chủ được bản thân, anh dùng dao lam cắt mạch máu tự tử.
Người bạn cùng phòng may mắn phát hiện kịp nên K được cứu sống. Bà nội nghe tin, tất tả lên thăm cháu.
Phát hiện bị nhiễm HIV cách đây 20 năm, K từng lấy dao lam rạch tay quyên sinh. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
“Trong tiếng nấc nghẹn, bà dặn tôi đừng làm điều dại dột, cố gắng cải tạo tốt, về với bà. Một lần, tôi xảy ra hiềm khích với nhóm thanh niên trong trại. Họ đưa tôi ra chỗ khuất đánh, thân hình nhỏ bé, còi cọc đổ rạp xuống đất trước những cú đấm tàn khốc.
Lúc đó, tôi cảm thấy cô đơn, lạc lõng vô cùng. Tôi ước giá như có bố mẹ ở bên bảo vệ mình nhưng suốt quãng thời gian đó, chỉ có bà nội ngược xuôi thăm nom”, K nhớ lại.
Rời trại giáo dưỡng, K đi làm xe ôm, bán nước chè nhưng trong phút yếu lòng, anh quay trở lại con đường nghiện hút, tiêm chích ma túy.
“Điều hối tiếc nhất cuộc đời là tôi để bà nội phải đau lòng. Tôi chỉ muốn nói một câu xin lỗi bà nhưng chưa bao giờ làm được.
Hàng tháng bà đều lên đây thăm tôi. Cả đời bà cạn nước mắt vì con cháu. Giờ tuổi cao cũng không được sống thanh thản”, nói đến đây, giọng K bất chợt nghẹn ngào.
K bộc bạch, khát khao cháy bỏng của mình bây giờ là nhìn thấy bố mẹ đoàn tụ với nhau, cùng anh ngồi ăn bữa cơm gia đình như thuở nào.
Tình yêu 'nở hoa trên mảnh đất khô cằn'
Ai cũng cho rằng việc cô gái nhà lành đem lòng yêu một gã giang hồ là mù quáng, đặc biệt người đó mang trong mình căn bệnh HIV/AIDS. Thế nhưng tình yêu luôn có lý lẽ riêng.
Bởi vậy ở nơi chỉ có thần chết chực chờ này, tình yêu giữa cô thợ may và người đàn ông đang mắc bệnh AIDS đã nảy sinh.
K hạnh phúc chia sẻ về tình yêu của mình với người vợ hiện tại. |
Những ngày nằm viện, qua người bạn, K vô tình quen biết và nảy sinh tình cảm với chị Thái Thị Lương (SN 1980 - quê Hà Giang) chủ tiệm may nhỏ ở Thanh Trì.
Chị Lương từng có một đời chồng nhưng đã chia tay. Trở thành mẹ đơn thân, chị đưa con xuống Hà Nội mưu sinh. Trái với sự tự ti của K, chị không hề kỳ thị, xa lánh hay sợ hãi mà còn bầu bạn, giúp đỡ anh.
Cách đây hơn một năm, đám cưới đạm bạc của K và Lương được tổ chức với sự có mặt của gia đình nhà gái và bà nội K.
“Ngày cưới, bà nội dang đôi tay yếu ớt ôm hai vợ chồng tôi. Bà bảo có nằm mơ bà cũng không nghĩ tôi lấy vợ. Đây có lẽ là điều tử tế nhất tôi dành cho bà kể từ khi sinh ra”, K nói.
Một số người quen của chị Lương thì thở dài ái ngại, không biết rồi đây tương lai của chị sẽ ra sao nếu một ngày K mất đi. Trong mắt họ, căn bệnh thế kỷ là thứ gì đó vô cùng khủng khiếp.
Tuy nhiên bố mẹ chị Lương đã động viên con gái vững tin với lựa chọn của mình. Ngày cưới, ông bà còn tặng cho hai vợ chồng chút vốn nhỏ buôn bán.
Ban ngày, vợ vào chăm sóc K trong bệnh viện, tối về chị lại miệt mài với từng đường kim mũi chỉ, thay anh làm trụ cột gia đình. Niềm hạnh phúc đó còn nhân lên gấp bội khi con trai chị Lương mở lòng, đón nhận K và gọi anh bằng bố.
“Nhìn thằng bé tôi nghĩ đến mình ngày xưa, bố mẹ bỏ nhau nhưng con trẻ mới là người gánh chịu tổn thương. Tôi vẫn dặn vợ bất kể ra sao cũng phải cho con cuộc sống tốt đẹp. Đừng để cháu như tôi”, K tâm sự.