Ðiểm sàn thấp, liệu có “vơ bèo vạt tép”?
- 15:32 17-07-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thí sinh đến các trường nghe tư vấn xét tuyển. Ảnh: Nghiêm Huê. |
Theo quy định của Bộ GD&ÐT, trước ngày 18/7 các trường công bố ngưỡng điểm tối thiểu (điểm sàn), hiện nhiều trường đã công bố. Trường ÐH Quốc tế Hồng Bàng vừa công bố ngưỡng điểm sàn để nhận hồ sơ xét tuyển. Ðáng chú ý, theo công bố này, nhóm ngành liên quan đến y dược, điểm sàn chỉ ở mức 12-13 điểm. Cụ thể, điểm sàn ngành dược học là 13 điểm. Ðiểm sàn ngành điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật phục hồi chức năng là 12 điểm. Theo thông báo này, trường ÐH quốc tế Hồng Bàng có 29/31 ngành quy định điểm sàn là 12. Riêng ngành răng hàm mặt là 18 điểm.
Trước đó, trường ÐH Xây dựng miền Trung cũng công bố điểm sàn xét tuyển. Mức điểm nhận hồ sơ là từ 11 điểm (chưa đến 4 điểm/môn thi). Tuy nhiên, ngay sau khi báo chí phản ánh, trường lập tức rút thông báo và cho biết đó là sự nhầm lẫn. Thậm chí có trường ÐH công bố điểm sàn là 10 điểm/3 môn hoặc ngưỡng sàn là tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, với các trường khu vực phía bắc, một số trường công lập cũng chỉ công bố điểm sàn ở mức 13 điểm/tổ hợp như ÐH Mỏ địa chất, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Bộ sẽ vào cuộc nếu trường lấy điểm sàn quá thấp
Dưới góc độ người học, nhiều thí sinh tỏ ra băn khoăn khi đăng ký nguyện vọng vào các trường có điểm sàn thấp. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Tất Thắng, Phó trưởng ban Công tác chính trị và công tác sinh viên Học viện Nông nghiệp VN, giải thích: ngưỡng điểm sàn học viện công bố mới chỉ là ngưỡng nhận hồ sơ, còn việc xét tuyển vẫn theo nguyên tắc xét từ điểm cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Ông Thắng cũng cho biết trường có những khóa học để hỗ trợ thí sinh nâng cao năng lực trình độ của mình để đạt được chuẩn đầu ra theo yêu cầu.
Một chuyên gia cho biết từ phổ điểm năm nay, mặt bằng chung điểm có thấp hơn năm 2017, cụ thể, mỗi khối thấp hơn khoảng 2,5 điểm (kể cả điểm ưu tiên). Như vậy, so với tương quan năm 2017, thì điểm sàn ở mức 14 điểm là chuẩn, còn dưới 13 điểm chắc chắn không được. Trường nào lấy dưới 13, yêu cầu Bộ cần phải vào cuộc.
Ông Lê Ðình Tùng, Trưởng phòng Quản lý đào tạo ÐH trường ÐH Y Hà Nội cho rằng điểm sàn nhận hồ sơ là để đáp ứng được chuẩn đầu ra của các ngành đào tạo. Do đó, các trường phải có tiêu chí lựa chọn thí sinh phù hợp với chuẩn đầu ra đó. “Nên không thể có chuyện những người không biết gì, không có gì mà sau 4 năm, 6 năm có thể đào tạo được. Ðối với những ngành bác sĩ, ngưỡng điểm sàn của trường là 20, những ngành cử nhân là 18” - ông Tùng cho hay. Cũng theo ông Lê Ðình Tùng, cho đến thời điểm này, trường ÐH Y Hà Nội vẫn chưa nhận được dữ liệu chính thức từ Bộ GD&ÐT. Trường dựa vào dữ liệu được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để phân tích thì thấy điểm khối B với tổng điểm của 3 môn Toán, Hóa, Sinh lại thấp hơn mặt bằng chung điểm của các khối khác. Mức điểm này chưa tính đến điểm ưu tiên khu vực và đối tượng. Hội đồng tuyển sinh của trường đưa ra nhận định ban đầu, điểm trúng tuyển năm nay có thể giảm so với năm 2017 từ 3 - 4 điểm.
Trả lời Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ÐH, Bộ GD&ÐT cho rằng thời gian qua đã có một số trường công bố điểm sàn thấp. “Khi trao đổi chúng tôi yêu cầu trường xem lại chính sách chất lượng của mình, nhiều trường đã điều chỉnh lại” - bà Phụng cho hay. Theo quy định ngày 18/7, các trường phải công bố điểm sàn. Ðến lúc đó, trường nào không thay đổi, hoặc vẫn lấy điểm đầu vào thấp, Bộ sẽ lập đoàn thanh tra kiểm tra toàn bộ chính sách chất lượng, các điều kiện đảm bảo chất lượng của trường đó.
“Nếu kết quả thanh tra phát hiện trường không đảm bảo chất lượng, Vụ sẽ yêu cầu giảm chỉ tiêu, dừng tuyển sinh theo đúng quy định”- bà Phụng khẳng định.
Chiều qua, 16/7, Hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh sư phạm đã họp và đưa ra mức điểm sàn tuyển sinh các trường Ðại học, Cao đẳng, Trung cấp Sư phạm lần lượt được xác định là 17,0; 15,0 và 13,0. Ngưỡng điểm sàn này áp dụng cho tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn/bài thi (không nhân hệ số). |