Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nữ gác chắn nhanh trí chặn tàu khách đâm xe tải chết máy

“Lúc đó khẩn cấp quá, theo phản xạ nghề nghiệp và kinh nghiệm nên tôi chạy về hướng tàu để báo hiệu dừng tàu, bởi chỉ chậm giây lát, hậu quả không biết thế nào mà lường”, chị Lan nhớ lại.

 Nhân viên gác chắn Cao Thị Lan đón tàu qua đường ngang 7 thuộc cung đường Diễn Châu, Nghệ An

Chúng tôi gặp chị Cao Thị Lan (SN 1985, nhân viên gác chắn Đường ngang đường 7 thuộc cung đường Diễn Châu, Nghệ An - Công ty CP Đường sắt Nghệ Tĩnh) trong một ngày mưa giữa tháng 7.

Khi được hỏi về giây phút cứu đoàn tàu thoát khỏi “tử thần” chị Lan cười cho biết: “5 phút chạy ngược về phía đoàn tàu để báo hiệu nguy hiểm là những giây phút cam go nhất mà tôi cùng đồng nghiệp chạy đua với thời gian. Vì nếu không nhanh, không kịp thời thì hậu quả sẽ khôn lường”.

Kể về sự cố hôm 10/7, chị Lan cho hay: “Khoảng 4h56 tôi nhận được điện thoại của trực ban ga Chợ Sy báo sau 7 phút nữa tàu khách NA1 sẽ qua gác chắn đường ngang đường 7 thuộc Km 283+395. Sau đó, tôi nhấn chuông báo hiệu đường bộ rồi cùng em Trần Thị Kiều Oanh (SN 1998, nhân viên cùng trực gác) ra đường căn tàu và quan sát đường bộ. Đến 4h58, hai chị em đóng đường ngang, cùng lúc này chiếc xe tải chở cát chết máy trên đường ray. Thấy vậy, tôi vội cầm đèn tín hiệu chạy theo hướng tàu khoảng 200m, vừa chạy vừa thổi còi, vừa giơ cao đèn đỏ báo hiệu ngừng tàu. Cùng lúc này, Oanh giật ấn nút tín hiệu ngăn đường sắt, đồng thời yêu cầu tài xế rời khỏi cabin để đảm bảo an toàn. May mắn, lái tàu khách kịp thời phát hiện và hãm phanh khẩn cấp”.

“Lúc đó khẩn cấp quá, theo phản xạ nghề nghiệp và kinh nghiệm nên tôi chạy về hướng tàu để báo hiệu dừng tàu, bởi chỉ chậm giây lát, hậu quả không biết thế nào mà lường”, chị Lan nhớ lại.

Giọng kể chưa hết bàng hoàng sau sự cố, lái xe tải Trần Văn Dũng (SN 1989, trú xóm 7, xã Diễn Thắng, huyện Diễn Châu, Nghệ An) cho biết: “Khi tôi lái xe đến gần gác chắn đường ngang đường 7, thấy đèn đỏ đường bộ báo hiệu tàu sắp đến. Vì chưa thấy nhân viên đường sắt đóng chắn nên tôi vẫn cho xe vượt qua. Tuy nhiên, khi đầu xe vừa vào đường ngang thì bất ngờ xe chết máy. Lúc này, tôi cố xử lý nhưng xe không thể nào vào số được nên đã hét to “cho tàu dừng gấp giúp em với, xe chết máy không thể nổ được nữa”, rồi rời khỏi cabin. Sau đó, tôi thấy một nhân viên gác chắn nữ cầm đèn tín hiệu chạy ngược về hướng có tàu, vừa chạy vừa thổi còi, vừa giơ cao đèn đỏ báo hiệu ngừng tàu. May mắn lái tàu đã phát hiện và hãm phanh kịp thời”.

Ông Cao Tiến Hùng, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Nghệ Tĩnh cho biết, nhờ sự nhanh trí của hai nhân viên gác chắn là chị Cao Thị Lan và Trần Thị Kiều Oanh mà đoàn tàu NA1 đã hãm phanh khẩn cấp, giảm tốc độ kịp thời, đảm bảo an toàn cho 332 hành khách.

Theo chị Lan, cung đường sắt vào gác chắn thuộc đường ngang đường 7 cong cua, khuất tầm nhìn bởi những rặng phi lao hai bên đường. Nếu tàu ở cách xa khoảng 500m sẽ không nhìn thấy tín hiệu ngăn đường sắt báo nguy hiểm. Vì vậy, nếu gặp sự cố không an toàn, anh em gác chắn phải chạy về hướng tàu báo hiệu để lái tàu hãm phanh khẩn cấp.

Ông Phan Xuân Tiến, Cung trưởng Cung Đường sắt Diễn Châu phân tích, nếu tàu khách NA1 không hãm phanh kịp thời thì hậu quả vụ tai nạn trên đường sắt và QL7B còn nghiêm trọng hơn nhiều vì tốc độ qua khu gian này cao 70km/h, đường cong khất tầm nhìn. “Nhờ hai nhân viên gác chắn nhanh trí, xử lý tình huống kịp thời, đã cứu được đoàn tàu khách NA1 tránh được tai nạn thảm khốc”, ông Tiến nói.

Suốt 12 năm gắn bó với công việc gác chắn, cũng từng làm việc nhiều nơi, chị Lan hiểu rằng để đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu thì trách nhiệm phải đặt lên hàng đầu. Để tránh gây ùn tắc giao thông mà vẫn đảm bảo an toàn, thông thường nhân viên gác tàu phải đóng chắn vào khoảng 3 phút trước khi tàu đến. Tuy nhiên, nhiều người dân không hiểu, chỉ đứng chờ tàu có vài phút đã bóp còi inh ỏi, thậm chí còn văng tục, chửi bới một cách vô cớ. Đã không ít lần, nhân viên gác chắn bị các đối tượng hung hăng xông vào hành hung vì “cái tội cản không cho qua đường ngang”, trong khi tàu đang đến. “Phụ nữ trực buổi ngày còn đỡ, chứ ban đêm thì vất vả và nguy hiểm vô cùng. Nhiều đêm đóng gác, gặp phải “bợm nhậu” phóng xe quá tốc độ, chửi bới hay thanh niên tụ tập chích hút, thì chỉ biết “giả câm, giả điếc” để tránh mang vạ vào thân”, chị Lan tâm sự.