Nữ sinh đạt 9,5 môn Văn ở huyện miền núi có hoàn cảnh hết sức khó khăn
- 13:13 13-07-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tìm đến nhà nữ sinh Bùi Thị Yến ở thôn 10, xã Tường Sơn khi biết em là 1 trong 2 thí sinh có điểm Ngữ văn cao nhất huyện miền núi Anh Sơn với 9,5 điểm, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và xa xót trước hoàn cảnh quá khó khăn của gia đình em.
Ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, 2 gian nhà chính chỉ kê vừa 2 chiếc giường để sinh hoạt, không có nổi một bàn học cho Yến. Một không khí ảm đạm u buồn hiện rõ trên từng nét mặt của những người có mặt, khi anh trai Yến mới mất trước ngày Yến thi hơn 20 ngày. Gian nhà bếp đang nền đất, không có tường ngăn, vừa có trận mưa nên nước tạt vào ướt sũng.
Hoàn cảnh khó khăn là thế nhưng Yến đã nỗ lực để đạt điểm cao trong Kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua với 22,3 điểm chưa cộng điểm ưu tiên trong đó môn Văn đạt 9,5 điểm.
Là con thứ 2 trong gia đình chỉ có 2 anh em, bố mẹ Yến năm nay đều đã gần 60 tuổi. Nhà chỉ có vài sào ruộng, mẹ Yến đau ốm thường xuyên, bố thì bị tai biến không làm được việc nặng. Ngoài những giờ học ở trường, Yến luôn cố gắng về sớm để phụ giúp bố tìm cỏ cho trâu, làm việc nhà. Đau đớn hơn, khi đang trong thời điểm ôn Kỳ thi THPT Quốc gia nước rút, vào ngày 2/6 anh trai Yến là Bùi Công Dũng tốt nghiệp Trường Đại học kinh tế Huế bị mất do tai nạn giao thông.
Trong căn nhà nhỏ của gia đình em Bùi Thị Yến. Ảnh: Thái Hiền |
Cả nhà suy sụp, riêng Yến lúc đó xác định mình không thể tham gia được kỳ thi này vì lúc này bố mẹ đau yếu, nhà chỉ còn mình em lo lắng mai táng anh, sắp xếp mọi việc trong nhà không thể ôn thi được. Nhưng từ sự mất mát, khó khăn, vất vả của gia đình nên Yến đã quyết tâm, nỗ lực hết mình tiếp tục chặng đường trước mắt và đạt được kết quả khá cao.
Gian nhà bếp đang là nền đất, không có tường ngăn, vừa có trận mưa nên nước tạt vào ướt sũng. Ảnh: Thái Hiền |
Khi đề cập tới bí quyết học tập, Yến cho biết: Đối với em chủ yếu là tự học. Em vừa phải học nhưng vừa phải đảm bảo sức khỏe, vì khi anh trai chưa mất, anh cũng đi học xa nên ở nhà em phải gánh vác bố mẹ việc nhà cửa. Mỗi đêm em chọn khung giờ tốt nhất cho sức khỏe, không thức khuya quá, mà học chủ yếu dậy sớm học dễ vào hơn. Lên lớp em luôn chú ý nghe giảng, đọc kỹ kiến thức sách giáo khoa và tài liệu tham khảo. Vấn đề nào chưa hiểu thì trao đổi thêm với bạn bè và thầy cô để nắm kỹ nội dung.
Để học tốt bộ môn Văn và làm tốt bài nghị luận xã hội là cả một quá trình tích lũy kiến thức và đọc nhiều sách để góp nhặt vốn từ, vốn sống của em. Ngoài ra, em tận dụng Internet để trang bị kiến thức cho mình khi làm các bài văn nghị luận xã hội. Với phương pháp học đó, trong 120 phút thi môn Ngữ văn Yến đã hoàn thành bài thi của mình kín 12 trang giấy thi.
Bố mẹ đã nhiều tuổi lại đau ốm nên mọi việc trong nhà đều tự tay Yến lo liệu. Ảnh: Thái Hiền |
Yến bùi ngùi nói: “Bây giờ bố mẹ chỉ còn mình em nên trước khi đưa ra một quyết định, em đều nghĩ cho gia đình rồi mới nghĩ cho riêng mình. Em thương bố mẹ lắm, qua nửa cuộc đời rồi vẫn không có căn nhà cho kín để ở. Vì thế em sẽ bước tiếp vào con đường đại học, chỉ có học mới làm thay đổi cuộc đời em và giúp đỡ bố mẹ. Em cũng xác định sẽ tìm việc làm thêm để trang trải chi phí cho việc học và cuộc sống xa nhà. Nhưng trước mắt em lo không có tiền nhập học. Bởi hiện nay bố mẹ đang còn số nợ gần 50 triệu đồng cho hai anh em ăn học vẫn chưa trả được".
Quyết tâm theo đuổi con đường học tập song trong lòng cô nữ sinh nghèo này còn rất nhiều lo lắng. Ảnh: Thái Hiền |
Cô giáo Nguyễn Thị Luận - giáo viên chủ nhiệm Yến cho biết: Cô và bạn bè rất bất ngờ khi biết tin Yến đạt 9,5 điểm môn Ngữ văn mặc dù biết trong quá trình học Yến có khả năng cảm thụ văn chương tốt, nhiều bài viết của em có cách kiến giải sâu sắc, diễn đạt giàu chất văn, chữ viết đẹp. Nhưng vào thời điểm ôn thi nước rút Yến trải qua cú sốc lớn khi anh trai mất, cũng từ đó mẹ suy sụp tinh thần, ốm đau triền miên nên Yến rất bận rộn.
Trong suốt thời gian này, cô giáo và các bạn đã nhiều lần lên nhà để động viên Yến vượt qua để có thể vững tâm mà đi thi. Trong suốt 3 năm học cấp 3, điều kiện gia đình khó khăn, là hộ nghèo nhưng Yến rất tự giác và có tinh thần cầu tiến trong học tập. Em luôn có cách học hành bài bản, có mục tiêu rõ ràng. Với hoàn cảnh hiện tại, gia đình chỉ còn mình Yến, có lẽ quãng đường phía trước của Yến sẽ còn rất nhiều khó khăn, vất vả.
Mong rằng Yến sẽ vượt qua khó khăn, viết tiếp ước mơ của mình trên giảng đường đại học.