'Trai nhảy' hốt bạc nhờ nghề kèm cặp cho các quý bà
- 06:53 13-07-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hốt bạc từ nghề “dẫn nhảy” cho quý bà
Mới 9 giờ sáng nhưng tại một sàn nhảy cổ điển ở Ba Đình (Hà Nội), các bàn trà đã chật kín người.
Trong ánh đèn mờ ảo, khi tiếng nhạc cất lên, các cặp đôi dìu nhau ra sàn, thả hồn theo những điệu nhảy.
Quang cảnh một sàn khiêu vũ ở Hà Nội. |
Một người đàn ông tóc bạc, mặc áo màu xanh tiến đến trước mặt, lịch sự đưa tay mời tôi nhảy bản Tango.
Sau vài điệu nhảy trên sàn, tôi dễ dàng bắt chuyện với người này. Ông giới thiệu mình tên Trịnh Văn Đức (60 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội), là khách quen của sàn nhiều năm nay. Ông Đức chia sẻ, mình là người Hà Nội gốc. Thời trẻ, hai vợ chồng ông đều có chung sở thích khiêu vũ cổ điển.
Ở Hà Nội có bao nhiêu sàn khiêu vũ, hai vợ chồng ông đều đặt chân đến. Từ ngày bà nhà mất, ông chỉ lui tới đây. Mỗi ngày, sàn có 4 ca, kéo dài từ sáng đến chiều. Đối tượng chủ yếu là độ tuổi trung niên, khoảng 40 tuổi trở lên.
Vị khách lớn tuổi cho hay, đến nhảy vào giờ hành chính thường là người không đi làm hoặc đã nghỉ hưu. Đang dở câu chuyện, ông Đức xin phép ra nhảy cùng bạn. Đưa mắt quan sát xung quanh, cách bàn tôi không xa là một nhóm phụ nữ tầm 50 tuổi đang trò chuyện sôi nổi.
Một anh chàng có hàm ria con kiến, đầu vuốt keo bóng mượt ghé tai người phụ nữ váy đỏ, phốp pháp thì thầm. Bà ta gật đầu, rút trong ví ra tờ 50 nghìn dúi vào tay nam thanh niên đó.
Sau đó hai người tiến ra giữa sàn, bắt đầu ôm eo, lắc lư trong vũ điệu sôi động. Cứ thế, nam thanh niên này lần lượt mời các quý bà trong hội, họ đều đưa anh ta vài chục nghìn đồng.
Thấy ông Đức trở về bàn, tôi hỏi thăm về hành động lạ của chàng trai đó, ông Đức mỉm cười, khẽ nói: “Chẳng có gì khó hiểu cả, anh ta làm nghề dẫn nhảy, kiếm tiền”.
Ông Đức nói tiếp, những người làm nghề này thường được dân khiêu vũ gọi là 'trai nhảy' hoặc 'dẫn nhảy' chứ không phải là huấn luyện viên. Họ chỉ có vai trò hướng dẫn, bổ túc giúp bạn nhảy rèn luyện động tác cho thành thục.
"Nhiều người làm nghề này nhảy không phải quá giỏi, có khi họ chỉ có ngoại hình đẹp, học vài tháng cơ bản là có thể lên sàn tìm mối.
Vì thế người được họ dẫn có khi cũng chỉ nhảy theo bản năng, không có kỹ thuật. Nếu biết cư xử, tận tình các nam dẫn nhảy còn được các quý bà giới thiệu bạn bè, người quen. Lịch làm việc của nam dẫn nhảy thường kéo dài từ sáng đến tối, khi các sàn đóng cửa", ông Đức bộc bạch.
Chia sẻ về thu nhập của nghề dẫn nhảy, ông Đức cho rằng đây là công việc có thu nhập cao, không mất vốn liếng.
"Mức thù lao của họ từ 30 - 50 nghìn đồng/người. Mỗi ca trung bình họ dẫn cho 10 người cũng bỏ túi khoảng hơn 300 nghìn đồng.
Cả ngày 4 ca, tổng cổng họ thu được 1,2 triệu đồng. Nếu làm liên tiếp 30 ngày, họ có thể kiếm được khoảng 25 - 30 triệu/tháng.
Tuy nhiên không phải ai cũng được như vậy bởi nó tùy thuộc vào sự lão luyện trong nghề, khả năng ăn nói và giao tiếp, ứng xử của trai nhảy. Trung bình các nam dẫn nhảy thu nhập dao động từ 10 - 15 triệu/tháng”, ông Đức khẳng định.
Người đàn ông 60 tuổi cho biết thêm, ngoài ra, một số trai nhảy thỉnh thoảng có mối ruột dẫn theo khóa với chi phí là 400 - 500 nghìn đồng/10 buổi. Thu nhập theo hình thức này thấp hơn, do đó người làm nghề cũng hạn chế nhận sô.
Người đàn ông tên Tiến (55 tuổi) tôi gặp ở sàn nhảy nằm trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội) còn cho hay, ngoài công việc chính là dạy nhảy, nhiều nam dẫn còn đóng vai trò là “người bạn” để các quý bà trút bầu tâm sự.
Họ có thể tham gia vào các cuộc vui của quý bà hoặc đến nhà dạy nhảy riêng với thù lao 300 nghìn đồng cho 2 tiếng đồng hồ.
Qua thời gian gần gũi, tiếp xúc như vậy, nhiều trường hợp "thầy" trở thành người tình của chính học viên mình bổ túc.
Bác sĩ tương lai từ bỏ ước mơ, trở thành người dẫn nhảy
Nhờ ông Đức giới thiệu, tôi làm quen với Hoài Anh (SN 1987), người có thâm niên gần 10 năm làm nghề dẫn nhảy.
Hoài Anh hẹn gặp tôi 7 giờ tối tại sàn nhảy ở khu vực chợ Hôm (Hà Nội). Dáng người cao ráo, Hoài Anh mướt mải theo bước chân của học viên. Thấy tôi, cậu ra hiệu bảo tôi ngồi đợi.
Hoài Anh trong căn hộ chung cư mới mua của mình. |
30 phút sau, khi người phụ nữ lớn tuổi thấm mệt, ra uống nước, anh mới được nghỉ giải lao.
Trước đây, Hoài Anh là sinh viên trường Y. Năm thứ 2 đại học, anh theo bạn lên sàn khiêu vũ. Quá say mê các bước nhảy, anh bỏ học. Từ đó, anh bám trụ luôn với nghề dẫn nhảy.
Nam thanh niên sinh năm 1987 tâm sự, nghề này không xấu nhưng người đời thường nhìn với ánh mắt không mấy thiện cảm. Bởi lâu nay vẫn nhan nhản các câu chuyện và lời dị nghị về đổi chác tình - tiền, cặp bồ ở môi trường này.
Theo Hoài Anh, người hoạt động nghề xuất thân từ nhiều lĩnh vực khác nhau tuy nhiên số đông là sinh viên học du lịch, nghệ thuật và đối tượng thất nghiệp.
Muốn thu nhập cao, đông khách, trai nhảy phải biết nắm bắt tâm lý, lắng nghe và chiều chuộng khách hàng. Sau thời gian dài theo nghề, Hoài Anh tiết lộ thêm, anh mới tích góp, mua được căn hộ chung cư ở Hà Đông, Hà Nội.
“Làm nghề này mưa không đến mặt, nắng không đến đầu nhưng cũng chẳng sung sướng gì. Muốn dẫn được phải bỏ công đi học mấy tháng trời rồi lên các sàn khổ luyện.
Khi tôi nhảy nhuần nhuyễn mới bắt đầu nhận sô. Cực nhất là dẫn cho những người mới bắt đầu học, người họ cứng, động tác vụng về, việc dẫm vào chân diễn ra thường xuyên. Mặc dù đã đi giày nhưng tối về bàn chân tôi vẫn bị thâm tím.
Chưa kể sức lực bỏ ra cũng nhiều bởi khi nhảy nam sẽ mất sức hơn nữ. Nếu không có thể lực tốt, khó có thể đảm bảo làm được liên tục nhiều ca”, Hoài Anh trải lòng.
Cũng theo anh, phụ nữ thích lựa chọn trai nhảy trẻ tuổi hơn. Mặc dù những người như Hoài Anh kỹ thuật có thể không điêu luyện bằng người có tuổi.
Nhưng bù lại, anh dễ dàng thực hiện được nhiều động tác kỹ thuật nâng, đỡ bạn nhảy nữ nhiều lần không bị mệt. Điều đó giúp khách nhảy thấy thăng hoa, cuốn hút hơn. Trong giao tiếp với họ, Hoài Anh rút ra kinh nghiệm, không có giới hạn tuổi tác.
Đối với khách dù đáng tuổi cô, tuổi bác của mình cũng phải gọi bằng chị, cá biệt có người còn yêu cầu bạn dẫn nhảy phải xưng hô anh - em.
Câu chuyện đang rôm rả, bất ngờ người phụ nữ mặc chiếc đầm đen gợi cảm đi qua, vỗ nhẹ vai Hoài Anh. Anh biết ý đứng dậy ra theo, bắt đầu công việc quen thuộc của mình.
(Còn nữa)