Xe Grab có thể phải gắn mào 'taxi điện tử' trên nóc
- 16:11 12-07-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến dự thảo lần 4 Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô. Điểm đáng chú ý trong dự thảo lần này là nhiều quy định áp dụng với các loại xe sử dụng hợp đồng điện tử, tính tiền thông qua phần mềm (xe Grab), có nội dung giống như taxi truyền thống.
Theo đó, xe hợp đồng điện tử phải có phù hiệu “XE TAXI” gắn trên kính xe, niêm yết đầy đủ các thông tin theo quy định, có hộp đèn với chữ "TAXI ĐIỆN TỬ" gắn cố định trên nóc xe.
Grabcar đang được thí điểm tại 5 tỉnh, thành. Ảnh minh họa: CNBC. |
Dự thảo yêu cầu phần mềm kết nối để giao dịch với hành khách phải có thông tin về doanh nghiệp quản lý như tên, địa chỉ, điện thoại, mã số thuế; thông tin về lái xe như họ tên, hạng giấy phép, số giấy phép lái xe, số điện thoại; thông tin về xe như biển kiểm soát, nhãn hiệu và sức chứa, năm sản xuất.
Cùng với đó là các thông tin về chuyến đi như điểm đến, thời gian; hành trình; cự ly chuyến đi; thông tin về giá cước và số tiền khách phải trả.
Để kiểm soát doanh thu và thuế của taxi công nghệ, Bộ Giao thông yêu cầu đơn vị kinh doanh phải gửi hóa đơn điện tử cho khách hàng, đồng thời gửi thông tin về Tổng cục Thuế. Phần mềm đặt xe phải tuân thủ quy định về giao dịch điện tử, đăng ký với Bộ Công thương, thông báo với Sở Giao thông nơi cấp phép kinh doanh.
Với doanh nghiệp kinh doanh đồng thời theo hình thức taxi truyền thống (đồng hồ tính tiền) và công nghệ (phần mềm tính tiền), có thể lựa chọn gắn mào “taxi” hoặc “taxi điện tử”.
Theo giải trình của Bộ Giao thông, việc bổ sung quy định xe taxi tính tiền thông qua phần mềm là “Taxi điện tử” nhằm khuyến khích phát triển ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải; đồng thời tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các đơn vị taxi truyền thống và taxi công nghệ.
Ngoài ra, qua công tác kiểm tra với xe hợp đồng điện tử, cơ quan chức năng đã phát hiện có nhiều tồn tại như doanh nghiệp không cung cấp danh sách lái xe và số phương tiện, một số đơn vị có giấy phép kinh doanh vận tải nhưng không xin cấp phù hiệu cho xe, lái xe không có hợp đồng lao động... Do đó, Bộ Giao thông cho rằng cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn đối với doanh nghiệp và lái xe.
Cả nước có 866 đơn vị vận tải với hơn 36.800 phương tiện tham gia thí điểm hợp đồng điện tử. Trong đó TP HCM có 506 doanh nghiệp, 3 nhà cung cấp phần mềm, với 21.600 xe. TP Hà Nội có 354 đơn vị vận tải, 7 nhà cung cấp phần mềm, với hơn 15.000 xe.
Hiện xe hợp đồng điện tử chỉ được gắn phù hiệu nhỏ trên xe, không có mào trên nóc nên cơ quan chức năng và hành khách khó phân biệt với taxi truyền thống.