Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


4 ca trao nhầm con hi hữu trên thế giới

Một số trường hợp hai đứa trẻ bị hoán đổi khi mới sinh ra do nhầm lẫn hoặc cố ý đã xảy ra trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng vẫn còn những ca chưa được phát hiện.

Theo tờ Time, khoảng 20.000 vụ vô tình trao nhầm con diễn ra ở Mỹ hàng năm. Đây là ác mộng lớn nhất đối với một người mẹ. Nhiều trường hợp trao nhầm con không được phát hiện ra cho tới khi những đứa trẻ đã trưởng thành và gắn bó với bố mẹ đang nuôi mình.

Ca trao nhầm con thay đổi hệ thống sản khoa ở Mỹ

Câu chuyện bắt đầu với sự ra đời của hai bé gái vào ngày 29/6/1995. Bà mẹ đơn thân Paula Johnson sinh một Callie ở Trung tâm y tế Đại học Virginia, Charlottesville. Ngày hôm sau, cũng ở đây, Kevin Chittum (18 tuổi) và bạn gái Whitney (16 tuổi) chào đón sự ra đời của con gái mình, Rebecca.

 Rebecca và Callie bị hoán đổi lúc mới sinh. Ảnh: Daily Mail.

Cả hai gia đình đều không hề hay biết sự tồn tại của nhau trong nhiều năm. Khi Callie 3 tuổi, Carlton Conley (người được cho là cha của Callie) đề nghị Paula xét nghiệm ADN. Khi có kết quả, họ rất ngạc nhiên - cả Carlton và Paula đều không phải là bố mẹ của Callie. Hóa ra, cô bé là con của Kevin và Whitney.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ trước khi các bác sĩ định nói tin này cho Kevin và Whitney, cặp đôi cùng 5 người họ hàng và bạn bè đã thiệt mạng trong một tai nạn xe hơi. Họ không bao giờ biết được đứa trẻ mình đã nuôi nấng suốt 3 năm qua không phải con mình.

Sau khi biết Kevin và Whitney đã qua đời, Paula quyết định đòi lại con ruột của mình và kiện đòi quyền giám hộ Rebecca vào năm 1999. Tuy nhiên, bố mẹ của Kevin và Whitney kiên quyết tìm cách giữ cô bé. Sau 3 năm kiện tụng, một thẩm phán ra quyết định rằng hai cô bé sẽ ở lại với gia đình đang nuôi mình đến khi đủ lớn để ra quyết định. Paula cũng kiện Trung tâm y tế Đại học Virginia, yêu cầu được bồi thường 31 triệu USD và cuối cùng nhận 1,25 triệu USD.

Vụ việc được công chúng quan tâm, và những người làm việc ở khoa sản cho biết trường hợp này như một hồi chuông khiến họ thức tỉnh. Bệnh viện trên toàn nước Mỹ buộc phải xem xét lại quy trình giao nhận trẻ và hiện đại hóa các phương thức đảm bảo.

Hai cặp song sinh bị trao nhầm

Carlos và Jorge lớn lên ở Bogota, còn Wilbur và William ở tại một ngôi làng hẻo lánh ở Santander. Họ được xem là những cặp song sinh khác trứng. Trên thực tế, đây là hai cặp song sinh cùng trứng được sinh ra tại một bệnh viện ở Colombia cùng một thời điểm, và bị trao nhầm. Tuy nhiên, không phải cả đôi bị giao nhầm, mà nhân viên đã nhầm một người của cặp này với một người của cặp kia.

 Hai cặp song sinh cuối cùng đã có cơ hội đoàn tụ. Ảnh: Time.

Hai gia đình sống rất xa nhau. Khi Wilbur và William lớn lên, họ chuyển về Bogota. Câu chuyện chỉ sáng tỏ khi một người bạn chung nhìn thấy William làm việc ở cửa hàng và nghĩ anh là Jorge. Sau 24 năm xa cách, cuối cùng họ đã nhận lại được anh em ruột của mình.

Vô tình gặp lại mới phát hiện ra nhầm con

Năm 2013, một cuộc gặp gỡ vô tình giữa hai bà mẹ người Argentina khiến họ phát hiện ra phòng khám tư, nơi họ sinh con 3 tuần trước, đã hoán đổi hai đứa trẻ. Họ gặp nhau lúc đưa con gái của mình tới một phòng khám nhi ở San Juan. Họ bắt đầu trò chuyện và phát hiện ra một điều trùng hợp - đứa trẻ hiện tại họ đang nuôi có cân nặng trùng với con của người kia lúc mới sinh.

Lorena Gerbeno cho biết: “Khi tôi sinh mổ, họ nói luôn với tôi là con bé nặng 3,1 kg. Nhưng khi trao con cho tôi, họ lại bảo con bé nặng 3,8 kg và sinh thường”. Người mẹ còn lại, Veronica Tejada, cho biết cô sinh thường với con nặng 3,8 kg.

Hai bà mẹ nghi ngờ và trao đổi thông tin liên hệ. Là luật sư, Lorena đã đâm đơn kiện hình sự và yêu cầu thử ADN cho hai cô bé. Kết quả khẳng định hai đứa trẻ đã bị hoán đổi. Cả hai đâm đơn kiện nơi mình sinh con, nhưng kết cục của họ vẫn còn có hậu. Lorena nói: “Tôi đã dành 2 tuần cho cô bé không phải con mình, nhưng tôi đã rất yêu bé và biết rằng người mẹ kia cũng sẽ làm điều tương tự”.

 Thông thường, trẻ sinh tại các bệnh viện sẽ có vòng tay nhận dạng. Ảnh: Masterfile.

Hai gia đình nhầm con chuyển về sống chung

Dimas Aliprandi (Joao Neiva, Brazil) luôn tự hỏi vì sao anh không giống các chị của mình. Khi 24 tuổi, anh tiết kiệm đủ tiền để thử ADN và biết mình không phải con ruột của bố mẹ. Hóa ra, Dimas bị hoán đổi lúc sinh với một cậu bé khác - Elton Plaster.

Elton sống ở một trang trại rộng 14 ha cùng bố mẹ là Nilza và Adelson, tại thị trấn Santa Maria de Jetiba, cách nơi Dimas sống khoảng 45 km. Gia đình Plaster đồng ý làm xét nghiệm và kết quả đúng như Dimas nghĩ.

Điều thú vị xảy ra sau đó: gia đình Plaster mời nhà Aliprandi chuyển đến sống ở trang trại của họ, nơi họ đã dựng một ngôi nhà khác. Giờ đây, hai chàng trai trẻ được sống cùng cả bố mẹ ruột và những người đã nuôi họ lớn lên.

Ngày nay, nhiều bệnh viện thực hiện quy trình nghiêm ngặt giúp giảm các ca trao nhầm trẻ sơ sinh. Một số bệnh viện lấy vân tay, vân chân hoặc dấu bàn tay của trẻ sơ sinh để tránh nhầm lẫn. Các y tá cũng sẽ kiểm tra lại lần hai danh tính của người mẹ. Phần lớn bệnh viện áp dụng cách đánh số cho trẻ lúc sinh, vòng tay có con số này cùng họ của người mẹ, giới tính và ngày giờ sinh của trẻ sẽ được đeo ngay cho mẹ và con trước khi tách ra.