Vụ trao nhầm con ở Ba Vì: Gia đình có thể khởi kiện
- 13:13 12-07-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thời gian qua, dư luận đang xôn xao trước vụ việc trao nhầm con tại bệnh viện Đa khoa Ba Vì, TP.Hà Nội. Theo đó, vào đêm 31/10 – rạng sáng 1/11/2012, anh Phùng Văn Sơn (SN 1990, trú tại huyện Ba Vì, TP.Hà Nội) đưa vợ đến sinh con tại bệnh viện Đa khoa Ba Vì. Sau đó, bệnh viện đã giao nhầm hai đứa trẻ sơ sinh là con của anh Sơn và con của chị Vũ Thị Hương (SN 1989, trú tại huyện Ba Vì) với nhau. Sau 6 năm, sự thật bắt đầu được hé lộ khi anh Sơn quyết định đi thử ADN. Đến thời điểm hiện tại, hai bé vẫn chưa được trả về đúng bố mẹ ruột của mình.
Liên quan đến vụ việc này, nhiều câu hỏi được đặt ra rằng, liệu các gia đình có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường những tổn thất to lớn trong 6 năm qua hay không? Trách nhiệm này thuộc về ai?
Bệnh viện Đa khoa Ba Vì. |
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Lê Hồng Hiển – hãng luật Lê Hồng Hiển và cộng sự cho biết, gia đình anh Phùng Văn Sơn và chị Vũ Thị Hương có thể khởi kiện bệnh viện Đa khoa Ba Vì để yêu cầu bồi thường. Trước hết, việc trao nhầm con xảy ra ở bệnh viện và do các cá nhân làm việc tại bệnh viện (bác sĩ, y tá, hộ sinh…) gây ra, thì cần xác định trách nhiệm trong trường hợp này thuộc về pháp nhân là bệnh viện đa khoa Ba Vì. Bởi bệnh viện Đa khoa Ba Vì là đơn vị cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc sinh nở cho các thai phụ và để xảy ra sai sót. Chính vì vậy, bệnh viện phải có trách nhiệm bồi thường cho gia đình đã bị trao nhầm con.
Sau đó, sẽ làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan như y tá, bác sĩ, hộ sinh nào thực hiện quy trình đó và bệnh viện có quyền yêu cầu cá nhân người có lỗi trao nhầm đứa trẻ phải bồi thường lại cho bệnh viện.
“Trong trường hợp này, gia đình bị trao nhầm con có quyền yêu cầu bệnh viện bồi thường tổn thất về mặt vật chất và tinh thần. Về mặt vật chất như: Chi phí giám định ADN, chi phí xác minh tìm lại con đẻ… Những chi phí này phải được chứng minh bằng hóa đơn, chứng từ hoặc xác nhận do cá nhân hoặc tổ chức làm chứng.
Song song với đó, những tổn thất về tinh thần có thể định lượng cụ thể như: Gia đình phải sống trong đau đớn bởi những lời đàm tiếu, chế giễu từ hàng xóm xung quanh, cuộc sống đảo lộn, vợ chồng nghi ngờ dẫn đến mâu thuẫn cãi vã, không hạnh phúc, hôn nhân đổ vỡ vì trao nhầm con…”, luật sư Hiển phân tích.
Luật sư Hiển cũng nhấn mạnh: “Thậm chí, nếu cơ quan điều tra xác định hành vi trao nhầm con được thực hiện với lỗi cố ý thì sẽ xử lý trách nhiệm hình sự về tội Đánh tráo người dưới 1 tuổi.
Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 152 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt thấp nhất từ 2 - 5 năm tù và cao nhất từ 7 - 12 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm”.