Công ty CP Cấp nước Nghệ An: Nhiều khó khăn cần sớm được tháo gỡ
- 10:08 11-07-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Công ty Cổ phần Cấp nước Nghệ An tiền thân là nhà máy nước Vinh được thành lập từ năm 1957, đến tháng 1 năm 2006 được đổi tên thành Công ty TNHH 1 thành viên cấp nước Nghệ An và tháng 1 năm 2017 đổi tên thành Công ty Cổ phần Cấp nước Nghệ An.
Trụ sở văn phòng làm việc Công ty CP cấp nước Nghệ An. |
Là đơn vị duy nhất trên cả nước phải mua nước thô với giá cao
Ngày 28/01/2015, UBND tỉnh Nghệ An đã ký thỏa thuận dịch vụ cung cấp nước thô với thời hạn 15 năm (bắt đầu từ tháng 6/2016), giá bán năm đầu tiên là 1.950 đồng/m3 nước thô. Trong khi đó, mỗi m3 nước thô chỉ sản xuất được 0,653m3 nước sạch. Như vậy, với thỏa thuận này, ngay từ năm đầu tiên, Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An đã phải thanh toán chi phí nước thô là 2.987 đồng/m3 nước sạch (tăng thêm 2.357 đồng so với trước khi thực hiện thỏa thuận).
Hiện nay trên cả nước, gần như tất cả các công ty cung cấp nước sạch đều sử dụng nguồn nước thô từ các dòng sông hoặc hồ đập, với mức phí nuôi rừng (hoặc phí thủy lợi) từ 50 đến 900 đồng/m3 nước sạch (theo Nghị định 67/2012/NĐ-CP và Nghị định 143/2003/NĐ-CP), do đó giá thành nước sạch của các công ty này sẽ thấp hơn Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An ít nhất là 2.000 đồng/m3. Trong khi đó, giá bán nước sạch chưa thuế VAT năm 2017 (sử dụng trên 10m3/tháng/hộ ở khu vực đô thị) của nhiều đơn vị cấp nước sạch trên địa bàn cả nước đã thu trên 10.000 đồng/m3 trong lúc họ không phải bỏ tiền ra mua nước thô, nhưng Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An chỉ được bán với giá 7.523 đồng/m3
Chi phí trả nợ gốc và lãi cho các ngân hàng lớn
Dự án cấp nước vùng phụ cận Vinh vào sử dụng được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2014, có tổng mức đầu tư 387.555.000.000 đồng; trong năm 2017, sản lượng nước tiêu thụ là 4.625.847 m3, doanh thu 38,03 tỷ đồng, nợ phải trả cho dự án này là 27,61 tỷ đồng (trong đó, trả nợ gốc là 17,03 tỷ đồng, lãi phải trả là 10,58 tỷ đồng). Như vậy, doanh thu của dự án này trong năm 2017 chưa đủ để trả nợ ngân hàng và tiền nước thô (chi phí nước thô khoảng 13,82 tỷ đồng)
Nguyên giá tài sản của công ty hiện nay là 1.073,77 tỷ đồng, giá trị khấu hao năm 2017 là 36,36 tỷ đồng, giá trị còn lại đến 31/12/2017 là 655,63 tỷ đồng. Nếu hoạch toán chi phí khấu khao theo quy định ở mức trung bình là 93,13 tỷ đồng/năm (theo Thông tư 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013, thì Công ty được phép hạch toán giá trị khấu hao tối đa 149,91 tỷ đồng/năm, tối thiểu là 36,36 tỷ đồng/năm), thì năm 2017 chi phí sản xuất Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An sẽ tăng thêm 56,77 tỷ đồng. Với giá trị khấu hao thu được hàng năm như hiện nay, Công ty không có nguồn vốn để đầu tư nâng cao chất lượng nước sạch, giảm thất thoát và đáp ứng nhu cầu nước sạch cho nhân dân.
Hạ tầng xuống cấp dẫn đến tỷ lệ thất thoát cao
Việc đầu tư cải tạo hệ thống mạng để giảm thất thoát là phương án duy nhất để công ty tránh được thua lỗ như hiện nay. Nhưng, với đặc thù là doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối, việc vay vốn để thực hiện dự án mất rất nhiều thời gian và khả năng mất cơ hội kinh doanh trong thời gian đó là rất lớn. Theo số liệu của công ty thì năm 2017 tỷ lệ thất thoát nước lên tới 34,72% so với nước sạch sản xuất nhưng công ty không vay được vốn để cải tạo thay thế hệ thống mạng đường ống cấp nước đẫn đến chưa nâng cao chất lượng nước sạch.
Phải trả lương cho lao động dư thừa
Năm 2016, khi đề xuất UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt giá bán nước sạch, Sở Tài chính không tính hết chi phí tiền lương cho số lao động hiện có ở Công ty (quỹ lương của 129 lao động không được tính vào chi phí) nhưng hợp đồng lao động của họ chưa hết hạn nên công ty vẫn phả trả lương. Tính đến ngày 9/6/2018, Công ty đang có 141 lao động sắp hết hạn hợp đồng lao động (số lao động này được Công ty ký khi đang là doanh nghiệp Nhà nước), Công ty đã có văn bản xin ý kiến của UBND tỉnh Nghệ An (cổ đông lớn của Công ty) về việc ký tiếp hợp đồng lao động nhưng UBND tỉnh chưa có văn bản trả lời, nên người lao động đang rất hoang mang lo lắng.
Cần sớm có các giải pháp tháo gỡ cụ thể
Hiện nay, theo tìm hiểu của PV, người dân sử dụng nước sạch trên địa bàn TP Vinh hầu hết đều khẳng định chất lượng dịch vụ thời gian gần đây đã được cải thiện đáng kể. Ông Nguyễn Trường Sơn, khu đô thị sinh thái Vinh Tân cho biết: “Chất lượng nước và dịch vụ đã được cải thiện nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, vì nước là yếu tố hết sức quan trọng trong việc sinh sống và sinh hoạt của gia đình nên mong muốn ngày càng được cải thiện hơn nữa”.
Còn bà Liên sống tại đường Nguyễn Quốc Trị vui vẻ cho biết: “Trước đây vì nước thường hay đóng cặn vàng nên nhà bà thường phải khau bồn chứa thường xuyên, tuy nhiên, thời gian gần đây nguồn nước đã được cải thiện nên nhà bà không phải khau bồn chứa nữa”. Bà Liên cho biết thêm, nếu giá nước sạch có tăng thêm mà được hưởng chất lượng nước sạch tốt thì gia đình bà cũng cảm thấy phù hợp.
Với những gì đã làm được sau hơn 1 năm cổ phần hóa nhằm đem lại nguồn nước chất lượng cho người dân; với lòng mong mỏi sớm có được nguồn nước và chất lượng dịch vụ tốt hơn của người dân... Với trách nhiệm của mình, UBND tỉnh Nghệ An cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp về nguồn nước thô, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhân dân và doanh nghiệp về giá bán nước sạch, nhằm cứu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thua lỗ, có thể dẫn đến phá sản sau cổ phần hóa mà nguyên nhân là do khách quan từ doanh nghiệp nhà nước để lại.