Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


“Kiều nữ” ngân hàng khóc xin không bị án tù chung thân

Khi được nói lời nói sau cùng, bị cáo Nguyễn Thị Lam cùng các bị cáo khác trong vụ “rút ruột” 50 tỷ đồng đều bật khóc, nói lời xin lỗi và xin được giảm án. ​

Chiều 6/7, TAND tỉnh Nghệ An tiếp tục mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thị Lam (SN 1987), nguyên nhân viên Phòng giao dịch Đô Lương, chi nhánh Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tại TP.Vinh và 15 bị cáo khác trong vụ “rút ruột” hơn 50 tỷ đồng.

 Nguyễn Thị Lam khóc xin được giảm nhẹ hình phạt. Ảnh: Khánh An

Sau khi kết thúc phần tranh luận, Hội đồng xét xử sơ thẩm cho 16 bị cáo lần lượt được nói lời nói sau cùng để vào nghị án.

Bị cáo được nói lời sau cùng đầu tiên là Nguyễn Thị Lam (31 tuổi, nguyên nhân viên Phòng giao dịch Đô Lương, Chi nhánh Ngân hàng EximBank tại TP Vinh) - bị đề nghị phạt án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đã bật khóc nói về hoàn cảnh gia đình.

Lam thể hiện ăn năn hối cải, xin lỗi người thân, đồng nghiệp, khách hàng và chi nhánh Ngân hàng Eximbank, xin được xem xét giảm nhẹ hình phạt để làm lại cuộc đời cùng gia đình khắc phục hậu quả do mình gây ra.

Tiếp đến bị cáo Đặng Đình Hồng (45 tuổi, nguyên Giám đốc phòng giao dịch Eximbank Đô Lương, trú xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương) bị đề nghị từ 36 đến 39 tháng tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, cũng xin lỗi nhân viên và ngân hàng Eximbank rồi xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

 Bị cáo Đặng Đình Hồng xin được hưởng án treo. Ảnh: Khánh An

14 bị cáo khác cùng bị đề nghị phạt án tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, cũng đều bật khóc, nói lời nói xin lỗi và trình bày hoàn cảnh khó khăn, xin được hưởng án tù treo để có điều kiện chăm sóc con, bố, mẹ.

Như đã đưa tin, theo cáo trạng của VKSND tỉnh Nghệ An, từ năm 2012 - 2016, Nguyễn Thị Lam đã lợi dụng lòng tin của khách hàng, lừa dối khách hàng ký các lệnh chi, ký khống ủy nhiệm chi, bảng kê chi tiền.

Mỗi lần cần chữ ký của khách hàng, Lam dùng thủ đoạn như trả lãi suất, tiền thưởng cho khách hàng và trộn lẫn các thủ tục này là các chứng từ như: Lệnh chi, bảng kê tiền, ủy nhiệm chi để khách hàng ký khống. Sau đó, Lam cầm về hợp thức hóa rút tiền hoặc chuyển tiền.

Cũng có nhiều trường hợp, Lam giả mạo chữ ký của khách hàng sau đó cầm đưa đến cho nhân viên ngân hàng nói dối là rút, chuyển tiền hộ cho khách hàng.

 Toàn cảnh phiên xét xử. Ảnh: Khánh An

Do tin tưởng Lam và với sự chỉ đạo, quản lý lỏng lẻo của Đặng Đình Hồng - nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương, các nhân viên ngân hàng đã làm thủ tục cho Lam rút, chuyển tiền mặc dù sổ tiết kiệm khách hàng đang giữ, khách hàng không có mặt.

Bằng các thủ đoạn trên, Lam đã rút tiền gửi của 6 khách hàng ở Nghệ An trong hệ thống Ngân hàng Eximbank với tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng.

Hội đồng xét sơ thẩm TAND tỉnh Nghệ An cho rằng, do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp cần nhiều thời gian nghị án nên đến 14 giờ chiều 13/7 sẽ tuyên án.