Kem dừa 3.000 đồng/que ‘đổ bộ’ Hà thành, chị em đặt mua ‘ầm ầm’ song cần lưu ý điều này
- 15:08 06-07-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong những ngày hè nắng nóng lên tới hơn 40 độ C thì đối với phần lớn người, kem là món ăn tuyệt hảo nhất. Bên cạnh kem Tràng Tiền “trứ danh” hay những loại kem của một số thương hiệu lớn thì một sản phẩm kem mới được các chị em Nam Định đưa lên Hà Nội là kem dừa, hiện đang khá hút khách mua.
Theo giới thiệu của những người bán, kem dừa là đặc sản của Nam Định, được làm 100% từ bột gạo nếp và nước dừa, có loại còn có thêm lạc và dừa, cũng là món ăn tuổi thơ của nhiều thế hệ người dân nơi đây.
|
Những chiếc kem phủ đầy dừa hút khách hàng Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hà |
Chị Hạnh (người Nam Định) đang bán kem dừa trên mạng cho biết: “Ở quê tôi mỗi lần có khách xa về chơi hầu như trước khi đi ai cũng đặt mua một thùng kem dừa mang về cho người thân thưởng thức vì thấy ngon và lạ quá. Vì lẽ đó mà tôi ấp ủ đưa kem dừa lên Hà Nội bán từ năm 2015. Song bán ngoài do khó tiếp cận quảng bá nên thời gian gần đây, bán hàng online phát triển, tôi liền bán trên Facebook”.
Chị Hạnh cho hay, mỗi lần chị rao bán kem dừa trên mạng thì đều nhận được số đơn hàng lên tới hàng trăm, mỗi đơn có thể đặt vài chục chiếc.
“Sau khi thấy tôi bán chạy, một số anh chị em khác cũng đưa kem lên bán, do vậy mùa hè năm nay, phải nói là Hà Nội rất hào hứng với món kem quê hương tôi. Tôi thấy vậy cũng rất vui vì món kem quê mình lại được ưa chuộng như thế”.
Còn anh Tâm (nhân viên văn phóng ở Mỹ Đình, Hà Nội) kể: “Tranh thủ đặc sản quê hương, tôi cũng rao bán để kiếm thêm, phụ cho đồng lương văn phòng ít ỏi. Không ngờ kem lại được khách hàng Hà Nội phản hồi tốt đến thế. Từ đầu mùa hè đến giờ con số que kem bán chắc đã tới số hạng nghìn”.
Kem dừa là một đặc sản của tỉnh Nam Định. Ảnh: Nguyễn Hà |
Anh Tâm nói vui: “Kem bán chạy thế này, tôi còn đang tính nghỉ hẳn việc để thành tên buôn kem chuyên nghiệp”.
Theo dõi một vòng các bài rao bán kem dừa Nam Định, giá kem dừa hiện ở mức rất rẻ, chỉ 3.000 đồng/chiếc, nếu mua nhiều hơn thì khách được giá ưu đãi khoảng 2,5 nghìn đồng/chiếc.
“So với các loại kem khác thì giá kem dừa rất rẻ. Riêng một que kem Tràng Tiền đã 7.000 đồng; kem thương hiệu từ 9.000 đến vài chục nghìn/que”, chị An (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhận định.
Còn chị Khánh (ở Ba Đình, Hà Nội) thì chia sẻ: “Năm nay các nhóm bán hàng tràn ngập kem dừa Nam Định. Lại thêm các chị em review khen hết lời, nên tôi không thể cầm lòng. Từ đầu mùa đến giờ tôi phải đặt mua đến hơn 100 que rồi”.
Chị Khánh cho biết, kem dừa rất hợp khẩu vị của chị và gia đình vì không quá ngọt, có vị thơm bùi của dừa, dẻo dai của gạo nếp.
“Kem tuy có giá rẻ nhưng tôi thấy ngon hơn một số loại kem đắt tiền bán trên thị trường. Mấy ngày nắng nóng vừa qua tôi cứ phải để vài chục chiếc trong tủ lạnh kẻo đám trẻ đòi quá”, chị Khánh kể.
Tuy nhận được sự quan tâm nhất định nhưng với nhiều khách hàng kỹ tính, thì sự an toàn của món kem nhà làm, không bao bì, nhãn mác cũng là một vấn đề đáng quan tâm.
Chị Mai (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nêu quan điểm: “Tôi nhìn họ quảng cáo bán hàng chỉ là những que kem “trần” thấy hơi dị ứng và lo ngại về sự vệ sinh an toàn thực phẩm. Tôi không biết liệu quy trình có làm sạch sẽ không, nguyên liệu ra sao, khâu bảo quản, vận chuyển... thế nào".
“Tôi từng xem tivi có phản ánh về vấn đề các xưởng kem gia công làm kem ngay cạnh cống nước thải, đồ dùng thì bẩn thỉu, ruồi nhặng bu đầy, chưa kể chất tạo dẻo công nghiệp hay các hương liệu không rõ nguồn gốc gì khác nữa trộn vào kem, nên tốt nhất cứ sản phẩm nào có bao bì, ghi nhãn đàng hoàng thì tôi mới mua cho gia đình ăn”, anh Tiến (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết.
Trao đổi về vấn đề này, chị Hạnh cho biết: “Để yên tâm hơn, khách hàng có thể yêu cầu kiểm tra giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ sở người bán kem, bởi chỉ khi có tờ giấy chứng nhận này thì mới chứng minh được cơ sở đó đầy đủ điều kiện vệ sinh cũng như trang thiết bị sản xuất đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Thời tiết mùa hè nóng nực là điều kiện rất thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virut gây tiêu chảy bùng phát và xâm nhập qua thức ăn, đồ uống. Bệnh thường gặp ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém, nguồn nước, thức ăn bị ô nhiễm, thức ăn bán ở vỉa hè, đường phố, cỗ bàn,… Thực phẩm kém vệ sinh an toàn không chỉ gây nên ngộ độc cấp tính một cách ồ ạt dễ nhận thấy mà còn phải kể đến các bệnh mãn tính gây suy kiệt sức khỏe do nhiễm và tích lũy các chất độc hạ Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên lựa chọn thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh xa các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Còn theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người dùng chỉ nên sử dụng các vật liệu bao gói thực phẩm sạch sẽ và thích hợp, không sử dụng các loại lá bẩn, giấy viết cũ, sách báo, giấy in, túi nilon tái sinh có màu để gói thức ăn Vật liệu bao gói thực phẩm phải giữ sạch và không nhiễm các chất gây độc vào thực phẩm; Nhãn thực phẩm phải trung thực, có đầy đủ các thông tin cần thiết. |