Thực hư chuyện phụ nữ lái ô tô kém hơn nam giới?
- 10:36 05-07-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhiều người không thấy an tâm khi ngồi sau tay lái của phụ nữ - Ảnh minh họa |
Mới đây, ngày 30/6 tại tỉnh Kiên Giang, trong lúc lùi chiếc ô tô hiệu Camry, một nữ tài xế do thiếu quan sát đã va chạm với xe máy khiến 2 cháu bé tử vong. Vụ tai nạn đã khiến dân mạng bàn tán xôn xao. Đặc biệt có nhiều bình luận cho rằng, kỹ năng lái xe của phụ nữ kém hơn nam giới. Thực tế có phải như vậy?
Khi được hỏi về vấn đề này, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: "Kết quả phân tích TNGT đường bộ trong năm 2017 (phân tích trên 16.000 vụ) của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho thấy, khoảng 90% số vụ TNGT liên quan tới nam giới, chỉ 10% các vụ có liên quan tới nữ giới. Những kết quả nghiên cứu chuyên sâu trên các tạp chí khoa học có uy tín về ATGT trên thế giới cũng cho thấy nam giới có tỷ lệ gây TNGT cao hơn nữ giới. Tuy nhiên, nếu chỉ tính về tỷ lệ % thì sẽ không hợp lý vì số lượng nam giới lái xe nhiều hơn nữ rất nhiều. Nếu tính riêng nữ giới lái xe và tỷ lệ trên sẽ thấy số vụ tai nạn do nữ gây ra trên tổng số lái xe là khá lớn".
Ông Minh cũng cho biết thêm, nếu đánh giá một cách chi tiết hơn, nhiều báo cáo cho thấy số lần mắc lỗi của nữ giới và nam giới tương tự nhau. Tuy nhiên phần lớn các vụ TNGT liên quan tới nữ giới xảy ra ở tốc độ thấp, bởi vậy thiệt hại thấp hơn rất nhiều. "Chúng ta nên có cái nhìn công bằng hơn đối với phụ nữ kể cả trong việc điều khiển các phương tiện tham gia giao thông", ông Minh chia sẻ.
Cũng theo nhiều chuyên gia đánh giá, về mặt giới tính, nam giới có phong cách lái xe có rủi ro cao hơn nữ giới, điều này xuất phát từ rất nhiều khác biệt về mặt giới tính như hóc môn, cấu trúc bộ não. Hành vi lái xe của nam giới chấp nhận rủi ro cao hơn (vượt nhiều hơn, tốc độ cao hơn, nhập làn nhanh hơn...) dẫn tới xác suất va chạm lớn hơn.
Tốc độ là một trong những nguyên nhân hàng đầu ảnh hưởng trực tiếp tới ATGT. Chính bởi đặc điểm nam giới lái xe ở tốc độ cao hơn, nên gặp nhiều TNGT với hậu quả lớn hơn. Một nguyên nhân khác dẫn đến tỷ lệ tai nạn do nam giới điều khiển chính là việc nam giới có tỷ lệ sử dụng rượu bia cao hơn nữ giới. Đặc biệt tại Việt Nam đây là nguyên nhân lớn nhất gây ra các vụ TNGT trong dịp lễ tết (trên 60% số người nhập viện do TNGT có liên quan tới rượu bia).
Số liệu thống kê WHO trong một số nghiên cứu gần đây cho thấy, có tới 97% số vụ TNGT liên quan tới rượu bia là nam giới. Hiện tượng nam giới sử dụng ma túy hoặc các chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện cũng cao hơn nữ giới.
Phụ nữ nên sử dụng những trang phục cũng như phụ kiện phù hợp hơn khi điều khiển ô tô |
Nhiều người cho rằng một yếu tố dẫn đến các tai nạn liên quan đến phụ nữ cũng có những yếu tố do việc đào tạo cũng như sát hạch cấp phép đối với nữ giới khá thoáng và còn nể nang. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Toản, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô cho biết, phụ nữ và đàn ông hoàn toàn giống nhau và bình đẳng trong việc đào tại cũng như sát hạch lái xe. Giống với đàn ông, phụ nữ cũng phải trải qua quá trình luyện tập, thi sát hạch mới được cấp Giấy phép lái xe nên khi tham gia giao thông, họ có kỹ năng như nhau, không có chuyện phụ nữ lái xe kém hơn đàn ông. Quan trọng là kỹ năng lái xe của mỗi người, lái xe cẩn thận hay không cẩn thận.
Tuy nhiên, ông Toản cũng nhận định, có thể nhiều chị em xử lý kém linh hoạt hơn so với đàn ông khi tham gia giao thông. Nguyên nhân bởi nhiều phụ nữ tham gia giao thông hiện nay sử dụng trang phục quần áo, giày dép không phù hợp. Có người còn đi giày cao gót lái xe, mặc áo chống nắng sẽ khiến việc xử lý vô lăng, chân ga, chân phanh có thể bị ảnh hưởng trong trường hợp cần thiết. Bên cạnh đó, thể trạng phụ nữ yếu hơn đàn ông nên việc lái xe đôi khi sẽ vất vả hơn.
Theo ông Toản, lái xe được xem như là một nghề nhưng khi xã hội phát triển, việc lái xe trở thành một kỹ năng. Vì vậy nếu muốn lái xe tốt, phụ nữ nên sử dụng phục trang đơn giản, không mặc áo chống nắng, đeo túi hay đi giày cao gót khi lái xe. Ngoài ra, chị em phụ nữ nên tăng cường tập luyện lái xe trong môi trường đào tạo chuyên nghiệp để có thể xử lý tốt hơn khi tham gia giao thông, giúp lái xe an toàn hơn.