Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Phòng thay đồ của tuyển Nhật trước khi rời WC khiến truyền thông ngỡ ngàng

Đại diện châu Á còn để lại một mẩu giấy nhỏ với dòng chữ "Cảm ơn" viết bằng tiếng Nga.

Hành trình chinh phục những giấc mơ của Nhật Bản tại vòng chung kết World Cup năm nay đã chính thức khép lại sau thất bại với tỷ số 2-3 trước đội tuyển Bỉ tại vòng 1/8.

Dù chấp nhận dừng cuộc chơi ngay tại vòng knock-out đầu tiên, đội bóng xứ sở phù tang đã để lại những dấu ấn đẹp mắt, đáng nhớ trong lòng người hâm mộ bóng đá trên toàn hành tinh.

 

Mới đây, Priscilla Janssenes, Quản lý quỹ phát triển bóng đá TopSport (Hà Lan) và Điều phối viên của FIFA đã cho đăng tải hình ảnh phòng thay đồ của đội tuyển Nhật Bản sau khi trận đấu với đội tuyển Colombia kết thúc.

Janssenes cho biết sau khi trận đấu kết thúc, các cầu thủ Nhật Bản đã dọn dẹp sạch sẽ phòng thay đồ trước khi rời đi và không quên để lại một lời nhắn được viết trên giấy là nội dung chữ “Cảm ơn” bằng tiếng Nga.

"Đây là phòng thay đồ của đội tuyển Nhật Bản sau trận thua Bỉ ở phút thứ 94. Cũng giống như cổ động viên trên sân vận động, họ dọn sạch mọi thứ (băng ghế và phòng thay đồ) và cả cách giao tiếp với giới truyền thông. Trước khi rời đi, họ còn để lại ghi chú với dòng chữ "cảm ơn" bằng tiếng Nga. Quả thật là một tấm gương cho tất cả các đội bóng khác!", bà Priscilla Janssens, một quan chức của FIFA chia sẻ trên Twitter.

Hành động của Nhật Bản khiến người hâm mộ thán phục. Trên mạng Reddit - diễn đàn hàng đầu thế giới, CĐV có tài khoản donttaxmyfatstacks viết: "Đừng làm thế nữa, Nhật Bản ơi. Đừng có tuyệt vời ở mọi khía cạnh như thế. Các bạn đang làm phần còn lại của thế giới trở nên tồi tệ đấy". CĐV Hàn Quốc WakednBaked viết ngắn gọn: "Nhật Bản giúp cả châu Á cảm thấy tự hào".

Dù đã chia tay World Cup, các cầu thủ và CĐV Nhật Bản xứng đáng được gọi tên là niềm tự hào của châu Á, không chỉ bởi ý chí chiến đấu quật cường không thua kém các đội bóng hàng đầu thế giới, mà còn bởi hình ảnh văn minh và nét văn hóa đáng ngưỡng mộ của một truyền thống dân tộc đã tồn tại từ ngàn năm.