Giáo sư không giải hết đề toán THPT: Bình thường!
- 07:19 02-07-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sau khi kết thúc môn toán vào chiều 25-6, nhiều thí sinh và cả giáo viên đều đánh giá đề toán khó, dài và có sự phân hóa cao.
Mấy chục năm không làm toán, sao giải được!
Mấy hôm nay dư luận xôn xao việc nhiều giáo sư toán học cũng không giải được đề toán kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Liên quan đến vấn đề này, ThS Ngô Thiện cho hay các giáo sư toán học về mặt lý thuyết toán học họ có thể cao siêu, thế nhưng đề toán này không phải là phạm trù của họ. Cho nên họ không giải được cũng bình thường, thậm chí có thể chỉ đạt điểm 4, điểm 5. “Họ không giải được không phải vì họ dở mà đây là dạng toán cần phải luyện tập nhiều, rèn luyện trong suốt một thời gian dài…” - ông Thiện bày tỏ.
Tương tự, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nêu quan điểm: “Giáo sư toán học mấy chục năm không làm toán sao giải được vì làm sao nhớ hết được các công thức”. Còn về đề toán, ông cho hay: “Tôi thích cách ra đề toán năm nay, nó giúp học sinh và phụ huynh đánh giá đúng năng lực của mình để có thể chọn lựa các trường ĐH phù hợp”.
Đáp ứng mục tiêu “hai trong một”
PGS-TS Đỗ Văn Dũng cũng chia sẻ, một kỳ thi đáp ứng hai mục tiêu rất khó, tuy nhiên kết quả lớn nhất mà nó đem lại là sự tiết kiệm. Thay vì những năm trước, học sinh thi THPT xong rồi khăn gói đến thành phố thi ĐH, gây lãng phí cho gia đình, nhà trường, xã hội. Hơn nữa, việc tổ chức kỳ thi “hai trong một” mới được thực hiện gần đây cho nên khó tránh khỏi những sai sót. “Năm đầu, vì sợ rớt tốt nghiệp nên hội đồng ra đề cho đề dễ thì bị chê, đến năm nay ra đề khó để phân loại thí sinh cũng bị nói. Vì thế, không thể nghe theo dư luận vì cái gì cũng có cái giá của nó. Hơn nữa, trong đề toán đã có những câu rất cơ bản để học sinh đủ tốt nghiệp, còn lại mang tính phân loại. Vì thế, tôi đồng tình với đề thi này” - ông Dũng nói.
Thí sinh sau khi hoàn thành môn toán trong kỳ thi THPT tại TP.HCM vừa qua. Ảnh: N.QUYÊN |
Còn theo ông Thiện, trong đề thi đã có 50% câu hỏi mang tính chất kiến thức cơ bản để thí sinh có thể đủ điểm xét tốt nghiệp. Những học sinh có học lực trung bình dễ dàng kiếm được điểm 4, điểm 5. Còn 50% còn lại sẽ phân luồng học lực học sinh vào những trường ĐH phù hợp. “Với kiểu ra đề thi này, các thầy, cô giáo rất khó dạy tủ như thi tự luận vì kiến thức dàn trải. Muốn làm tốt, học sinh không những nắm vững kiến thức nền tảng cơ bản mà còn phải có sự tư duy và sự vận dụng cao” - ông Thiện nói.
Quy chế xét tuyển tốt nghiệp THPT
Theo quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018, để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình THPT phải dự thi bốn bài thi, gồm ba bài thi độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một trong hai bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn.
Riêng thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT phải dự thi ba bài gồm hai bài thi độc lập toán, ngữ văn và một trong hai bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn.
Thí sinh được đăng ký chọn thi cả hai bài thi tổ hợp, điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT. Thí sinh đã đăng ký dự thi cả hai bài tổ hợp thì bắt buộc phải dự thi cả hai bài này.
Nếu thí sinh đã đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp nhưng bỏ một trong hai bài thi sẽ bị coi là dự thi không đủ số bài thi và không được xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Điểm xét tốt nghiệp gồm điểm các bài thi thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT theo quy định của quy chế, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12; điểm của từng bài thi được quy về thang điểm 10 để tính điểm xét tốt nghiệp.
Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật hủy kết quả thi, tất cả bài thi và các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp lấy điểm để xét công nhận tốt nghiệp đều đạt trên 1 điểm theo thang điểm 10 và có điểm xét tốt nghiệp từ 5 điểm trở lên sẽ được công nhận tốt nghiệp THPT.
Đề thi có sự phân hóa cao ThS Ngô Thiện, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Trần Nhân Tông, TP.HCM, cho biết đề toán năm nay khả năng thí sinh sẽ khó kiếm điểm 9, điểm 10. Đề thi khó và hay hơn năm ngoái vì phân hóa học sinh đều hơn. Mức độ học sinh từ khá trở lên phân hóa tốt hơn năm ngoái. Lý do, đề năm ngoái độ khó của đề thi để đạt điểm 7, 8, 9, không có sự khác biệt mấy. Còn năm nay nhiều câu khó, thậm chí rất khó rải đều. Phổ điểm 9-10 sẽ thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Đồng quan điểm, thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, tổ trưởng tổ toán Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, cho hay đề toán có mức độ phân hóa cao hơn so với năm ngoái. Từ câu 1 đến câu 20 được xếp ở phần nhận biết. Từ câu 21 đến câu 30 thuộc dạng thông hiểu. Từ câu 31 đến câu 40 được xếp vào phần vận dụng và từ câu 41 đến câu 50 được xếp vào phần vận dụng cao. Dự kiến phổ điểm sẽ tập trung nhiều ở điểm 6, 7, 8. Điểm 9, 10 ít. Làm cơ sở rút kinh nghiệm tốt cho các trường Qua kỳ thi này, các trường THPT sẽ rút kinh nghiệm về đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT cũng như đề thi vừa diễn ra. Năm tới, theo tinh thần các thông tư của Bộ GD&ĐT, đề thi sẽ là toàn cấp THPT, tức là kiến thức sẽ rải đều lớp 10, 11 và 12. Do đó, việc dạy và học phải được lên kế hoạch rất sớm để các em vừa học chương trình mới, vừa có thời gian củng cố, ôn tập kiến thức lớp 10, 11 để chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sắp tới. Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM |