Argentina trước "giờ phán xét": Yêu Leo, nhưng ghét Messi!
- 09:30 30-06-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
1. Hôm qua, bộ phim "Loving Pablo", với vai chính thuộc về nữ minh tinh màn bạc Penélope Cruz, về góc khuất cuộc đời ông trùm ma túy lừng danh của Colombia - Pablo Escobar được khởi chiếu tại Việt Nam.
Bộ phim là góc nhìn của một người phụ nữ từng gắn bó cuộc đời mình với Pablo Escobar - Virginia Vallejo. Bộ phim lược bỏ đi khá nhiều chi tiết quan trọng trong cuộc đời của ông trùm ma túy này. Nếu chưa từng xem "Narcos", chắc hẳn sẽ khó mà lĩnh hội được trọn vẹn về cuộc đời của Pablo Escobar khi xem "Loving Pablo". Âu cũng là dưới góc nhìn của một người phụ nữ, mọi thứ chẳng thể dài như nó vốn có được.
|
Khởi chiếu trong mùa World Cup, "Loving Pablo" có lẽ thiếu đi một chút tinh tế khi không đề cập đến chi tiết huyền thoại bóng đá Maradona được Escobar đưa vào tận... nhà tù mà mình bị giam giữ để đá bóng cho ông trùm này xem. World Cup 2018 tổ chức ở Nga, "Cậu bé Vàng" được FIFA trả 10.000 bảng mỗi ngày để xuất hiện trên khán đài. Con số này so với với những gì Escobar trả cho Maradona ngày ấy, chắc chưa mua đủ được... một cú chạm bóng.
Tối nay, đội bóng của Maradona ngày nào, với sự dẫn dắt của Messi sẽ có trận đấu quyết định với Pháp để giành vé vào tứ kết. Ở đội tuyển Argentina hiện tại, vị thế của Lionel Messi chẳng khác nào vị thế của Escobar với đất nước Colombia ngày ấy - cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước.
Bằng tiền của mình, ông trùm ma túy này từng thao túng cả kinh tế lẫn chính trị của quốc gia Nam Mỹ này, như cái cách mà Messi đang dùng quyền lực để thao túng cả đội tuyển Argentina ở World Cup lần này. Từ gọi quân lên tuyển, đội hình ra sân cho đến thay người, điều chỉnh chiến thuật trong trận, HLV Sampaoli đều phải răm rắp xin ý kiến của El Pulga.
|
2. Virginia Vallejo trong "Loving Pablo" đến với Escobar bằng cả sự ngưỡng mộ, như cái cách mà HLV Sampaoli phục tùng vô điều kiện Messi. Cô phóng viên xinh đẹp, duyên dáng, tài năng và nổi tiếng nhất Colombia ngày ấy trung thành với Escobar như cái cách mà Sampaoli, dẫu hứng phải những chỉ trích nặng nề suốt 3 trận đấu vừa qua, vẫn một lòng một dạ ngợi khen hết cỡ Messi.
Nhưng người bán đứng Escobar, giúp cho tay đặc vụ Mỹ - Shepard, tìm ra điểm yếu cốt tử của ông trùm ma túy này, để rồi khiến Escobar phải dính đạn phơi xác trên mái nhà, kết thúc một đời oanh liệt lại cũng chính là Virginia Vallejo.
Nếu Argentina gục ngã trước Pháp trong trận quyết chiến tối nay, liệu Sampaoli có còn hết lòng bảo vệ Messi như đã từng làm? Xét cho cùng, ai cũng có cuộc sống riêng của mình, và Sampaoli vẫn phải tiếp tục sự nghiệp của mình, sống nốt cuộc đời mình ở Argentina, trong khi Messi sẽ lại mải mốt với sự nghiệp của mình ở tít tận Tây Ban Nha.
|
Cái cách mà Messi thao túng đội tuyển Argentina chẳng khác nào cái cách mà Pablo Escobar làm chính trị. Tài năng là thứ Messi có thừa, nhưng trình độ để nắm một đội bóng, chứ không phải chỉ điều khiển đôi chân của mình trên sân cỏ là điều tất cả đều nghi ngờ. Cũng như Escobar, tiền là thứ trùm ma túy này "đốt đi cũng chẳng hết", nhưng bản lĩnh chính trị là điều ông chưa bao giờ sở hữu.
Ngồi vào chiếc ghế nghị sỹ bằng những vali tiền chặt cứng, nhưng trong mắt người dân Colombia, Pablo Escobar mãi mãi là một tên buôn ma túy, thay vì người đại diện cho quyền lợi của nhân dân.
Dẫu cho từng dẫn dắt Argentina đến 2 chức á quân Copa America, cùng chức á quân World Cup 4 năm về trước, nhưng trong tâm khảm của người dân Argentina, Messi chỉ mãi mãi là cái bóng mờ của Diego Maradona, bởi đơn giản "Cậu bé Vàng" của cả dân tộc từng giúp họ giơ cao chiếc cúp vàng thế giới, từng khiến cả đất nước phải phát cuồng, bằng tài năng của mình trên sân cỏ, thay vì thao túng quyền lực trong phòng thay quần áo.
"Leo ơi, anh thay Kun nó vào nhé?" |
Hiện tại, người Argentina vẫn đặt trọn niềm tin vào Messi, bởi nói cho cùng, họ có còn ai để đặt niềm tin nữa đâu, cũng như cách người dân vùng Medellin đặt niềm tin vào Escobar bởi những đồng tiền mà trùm ma túy này ban phát. Nhưng niềm tin ấy vốn mong manh và dễ sụp đổ như chính đế chế mà Escobar gây dựng bằng ma túy vậy, bởi nó không chính danh và mang nặng sự độc tài.
3. Trừ phi Messi đưa được Argentina đến với chiếc cúp vàng World Cup, như Maradona từng làm được tại Mexico 86, hoặc chí ít phải vào được trận chung kết, để rồi rời giải với tư thế ngẩng cao đầu như Italia 90, nhược bằng không, cái kết như của Escobar 25 năm về trước chắc hẳn đang chờ đợi siêu sao này trên chính tổ quốc của mình.
Bởi với những người dân Argentina, Messi tuy mang trong mình hình bóng của Maradona ngày nào với những bước chạy, những cú đảo bóng bằng cái chân trái điệu nghệ trên sân cỏ, nhưng khác xa nhau trong tiềm thức của họ. Ở đó là một Messi xa lạ, một Messi đậm chất châu Âu, với sự chỉnh chu, sự toan tính và tham vọng quyền lực.
|
Câu chuyện Messi luôn nhắc rằng mình sẽ kết thúc sự nghiệp ở Newell's Old Boys vì tình yêu quê hương, nếu Argentina bị Pháp loại ra khỏi World Cup lần này, chẳng khác nào câu chuyện những danh thủ đặt chân đến giải vô địch bóng đá Trung Quốc đều có một câu chuyện y hệt nhau "Ngày còn bé, tôi được tặng một chiếc áo của đội abc, tôi yêu đội bóng Trung Quốc này từ ngày ấy", sặc mùi hư cấu. Nên nhớ, Messi rời Argentina năm mới có 12 tuổi.
Gần 30 năm trước, Pablo Escobar từng nuôi giấc mộng đưa Colombia đến chức vô địch World Cup bằng quyền lực đen của mình, để rồi thất bại thảm thương. Tiền của Escobar không thể "che hết nổi bầu trời". Hôm nay, Messi sẽ lại khởi đi giấc mơ vô địch World Cup cho Argentina thêm lần nữa, bằng tài năng xuất chúng của mình, nhưng Argentina với Messi "một tay chống trời", liệu "có cửa" trước một tuyển Pháp chẳng thiếu ngôi sao và biến hóa về đấu pháp?
|
Kết thúc "Loving Escobar", trả lời câu hỏi của Shepard: "Cô có còn yêu ông ta không?", Virginia Vallejo chẳng chút đắn đo: "Tôi yêu Pablo, ghét Escobar", nguyên văn: "Loving Pablo, Hatting Escobar".
Người Argentina từng yêu, và sẽ mãi yêu một Leo bé nhỏ, với những bước chạy thiên tài trên sân bóng, mang cả niềm hi vọng vào vinh quang cho cả dân tộc trong dáng dấp của một Diego Maradona huyền thoại. Nhưng nếu Argentina dừng bước lúc này, họ sẽ không chỉ ghét, mà còn căm thù một Messi ích kỷ, lạm quyền, tự tôn và mãi mãi không thể bước lên được bục vinh quang mà Maradona từng đặt chân lên.
Ngày hôm nay, một ngôi sao sẽ rơi, một huyền thoại bị đóng sập cửa trên con đường bước vào thần thoại?