Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Lương 22 triệu mua xe hơi, gần một năm tôi chưa đưa vợ được đồng nào

Kể từ ngày mua ôtô, anh Hùng không còn tiền đưa vợ lo việc nhà vì chiếc xe đã ngốn hết thu nhập của anh.

Dưới đây là chia sẻ của anh Nguyễn Minh Hùng, 32 tuổi, hiện sống tại quận Bình Thạnh, TP HCM:

Tháng 9 năm ngoái, sau khi chuyển chỗ làm từ quận 10 sang quận 7 được vài tháng (chính xác là hết thời gian thử việc), tôi quyết định mua xe ôtô do quãng đường đi làm tăng thêm khoảng 8km, còn trụ sở công ty mới có chỗ đậu xe thoải mái. Thực ra từ lâu tôi đã khoái có một "em" bốn bánh nhưng công ty cũ không có chỗ để xe. Hơn nữa, sang chỗ làm mới, lương tôi cũng được tăng thêm khoảng 5 triệu nữa, “chắc sẽ đủ nuôi xe”, tôi nghĩ thế.

Tôi về thuyết phục vợ, bán bớt ít vòng vàng của hồi môn và rút hết tiết kiệm của gia đình, được 500 triệu để mua xe. Vợ tôi nghĩ đến viễn cảnh cuối tuần cả nhà đưa nhau đi chơi hay những hôm được chồng chở đi làm, tha hồ diện đầm, xịt nước hoa mà không sợ bụi bám vào nên hào hứng lắm. Hơn nữa, cô ấy đang học lái xe nên cũng thích gia đình có xe để còn luyện tập.

Tuy nhiên, sau khi đi xem những chiếc tầm 500 - 600 triệu như xe của mấy người quen thì tôi lại không thích vì trông chúng không sang. Tôi quyết định mua một chiếc 5 chỗ động cơ 2.0, giá lăn bánh là khoảng 850 triệu. Thiếu 350 triệu, tôi vay ngân hàng trong 7 năm, trả góp mỗi tháng khoảng 7 triệu.

Trước đây, mỗi tháng tôi vẫn đưa vợ khoảng 12 triệu (2/3 thu nhập của mình) để cô ấy lo chi tiêu cho gia đình một phần và tiết kiệm một phần. Lương vợ tôi xấp xỉ khoảng 15 triệu. Chúng tôi mới chỉ có một con trai đang học mầm non ngay dưới sân chung cư.

Tuy nhiên, từ ngày mua ôtô thì tôi không còn tiền để đưa vợ nữa. Sang chỗ làm mới, lương tôi tăng lên nhưng số tiền này chỉ đủ bù chi phí ăn uống bị đội lên nhiều lần. Công ty ở Phú Mỹ Hưng, nơi hàng quán bình dân không có, ăn uống phải vào nhà hàng, chi phí cho bữa ăn cao gấp đôi, gấp ba những bữa cơm tại quán vỉa hè quận 10 trước kia.

Mỗi tháng, tiền đổ xăng, gửi xe ở chung cư và gửi vãng lai của tôi vào khoảng 6-7 triệu. Cộng thêm khoản vay ngân hàng, vậy là mỗi tháng, chỉ để xe hoạt động bình thường, không tính bị hỏng hóc hay phí đóng do phạm luật giao thông, tôi mất 13-14 triệu. Chưa kể, một năm, tiền đăng kiểm, mua bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện là hơn 12 triệu. Tuy nhiên khoản này đã được đóng ngay từ khi nhận xe, mấy tháng nữa tôi mới phải đóng tiếp.

Vì những chi phí phát sinh cho chiếc xe, tôi đành khất vợ khoản góp tiền nhà trước kia, hứa khi nào tiền ngân hàng giảm hoặc lương tăng mới góp tiếp. Đi xe máy, tôi chỉ cần để trong ví vài trăm ngàn, nhưng đi ôtô, tôi cũng phải thủ sẵn vài triệu, phòng khi hết xăng, phạm luật phải đi nộp phạt hay nhỡ va quệt với ai còn có tiền đền, nên không thể góp nốt vài đồng còm cho vợ được. Để bù đắp, tôi sẵn sàng chở vợ con đi chơi. Tuy được chồng làm tài xế chở đi đây đó nhưng vợ tôi vẫn không hài lòng.

Hôm trước, vợ chồng giận dỗi nhau, vợ tôi phàn nàn từ lúc có xe, tôi đã không đưa tiền cho vợ lại còn lười làm việc nhà. Trước đây lúc rảnh, tôi thích chơi với con, giờ chỉ lo chăm chút cho cái xe. Tôi cũng phải thừa nhận, từ khi có xe hơi, tôi đi làm sớm và về muộn hơn đi xe máy do đi ôtô bị tắc đường, chậm hơn.

 Chiếc ăng ten vây cá mập gắn trên nóc ôtô thế này lại vừa khiến anh Hùng tiêu hết số tiền ít ỏi định đưa vợ - Ảnh: HA.

Còn tôi tự thấy bản thân mình cũng tiết kiệm lắm rồi. Một tháng, tôi chỉ ra ngoài rửa xe một lần, còn đa số tự xách nước rửa xe. Có điều, tôi lại tốn tiền cho các món đồ chơi và phụ kiện dành cho ôtô. Nhận lương xong, tôi cứ phải mua cái gì đó cho xe mới thấy thoải mái, dù đó chỉ là hộp khăn giấy, con gấu bông, lọ nước hoa hay mang tính kỹ thuật hơn như bộ loa, cái bơm, rồi lót sàn... Dịp Tết, nhận tiền thưởng xong, tôi đã mạnh tay chi ngay chục triệu để thay nguyên bộ đèn, có độ sáng tốt nhưng không chói mắt người đi đường.

Tuy nhiên, gần đây vợ thường xuyên kêu ca chuyện tiền nong khiến tôi khá "nhột". Cô ấy nói từ ngày có xe, quỹ gia đình không thêm được đồng nào, lại còn bị dốc ra hết sạch để mua xe, tôi cũng áy náy. Tôi tự hứa sẽ giảm mua đồ cho xe, mà hôm trước mới thấy cái ăng ten vây cá mập, thích quá tôi lại mua.

Sắp tới, vợ chồng tôi phải đóng nốt 5% giá trị căn nhà (120 triệu) để lấy sổ hồng, mà nhà không còn tiền. Vợ thấy tôi tốn quá nhiều tiền cho cái xe nên đang thuyết phục tôi bán. Bởi công việc của tôi đến văn phòng, chỉ ngồi chứ không đi đâu. Có cái xe, thu nhập của tôi không được tăng lên mà chi phí bỏ ra lại nhiều. Nếu bán, chắc chắn tôi cũng bỏ được thói nghiện sắm đồ chơi và phụ kiện cho xe.

Theo chuyên gia tài chính cá nhân Lê Kim Oanh, TP HCM, chiếc xe nếu chỉ để đi lại, không giúp gia tăng thu nhập thì chỉ được coi là một tiêu sản. Ngoài ra, anh Hùng còn tốn tiền cho nó vì đó là đam mê. Ở các công thức quản lý tài chính cá nhân thành công trên thế giới, người ta chỉ dành 10% thu nhập cho đam mê chứ không phải dành hết thu nhập cho nó. Bà Oanh cho rằng, những người trẻ thường tốn nhiều tiền cho những thứ mình thích chứ không phải mình cần. Tuy nhiên, khi một người đã bước vào tuổi 30, tức là cuộc sống đã bắt đầu ổn định, trách nhiệm với tài chính càng cần được nâng cao hơn. Bạn cần cân nhắc lập các tài khoản tiết kiệm khác nhau cho các mục đích khác nhau và không nên lấy khoản này tiêu cho khoản kia, ví dụ không thể lấy tiền mua nhà để mua xe, tiền ăn để mua đồ chơi cho xe.