Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đức thảm bại tại World Cup: Nào đâu dễ một tay che cả bầu trời

Đức không bị loại khỏi World Cup vì thất bại trước chính họ nhiều hơn là thất bại trước Hàn Quốc.

Sốc, đau đớn, bàng hoàng hay thảm họa,... không cần phải biết tiếng Đức, bạn cũng có thể hình dung được báo chí Đức sẽ viết gì trong số báo ra rạng sáng mai. Người Đức đã trải qua một đêm khó ngủ khi "Cỗ xe tăng" bị hất văng khỏi World Cup với vị trí cuối bảng F và chỉ giành 3/9 điểm tuyệt đối. Một thất bại đau đớn và không có lí do để bào chữa.

Đến HLV Joachim Loew cũng phải thừa nhận Đức "không đủ chất lượng để vượt qua vòng bảng" hay "không xứng đáng là nhà vô địch" để thấy Toni Kroos cùng các đồng đội đã thua tâm phục khẩu phục, dẫu đối thủ chỉ là Mexico - đội bóng bị lên án với bữa tiệc thác loạn trước ngày lên đường hay Hàn Quốc - đội bóng bị cổ động viên hoài nghi vì thành tích yếu kém và thua trắng cả 2 trận đầu tiên.

Mexico hay Hàn Quốc đã chơi rất đáng khen song thật cay đắng khi phải nói rằng: Đức tự thua chính mình nhiều hơn thua đối thủ.

 Bi kịch của Đức đã được dự báo từ trước.

Cái giá của sự ngạo mạn

Sự bình thản đến lạnh tanh của Đức trước Thụy Điển rất giống với cách Đức chơi thong dong trước Hàn Quốc trong cuộc so tài quyết định này. Tất nhiên, đấy chỉ là cái giống về... thần thái. Người Đức nổi tiếng tự tin và "Cỗ xe tăng" càng có động lực để ngạo mạn hơn nữa sau màn thoát hiểm trước Thụy Điển, song kết quả đã cho thấy điều ngược lại.

Sự bình thản của Đức trước Thụy Điển là sự bình thản... đáng hoan nghênh, khi đội bóng của Loew cần giữ bình tĩnh để tổ chức lại đội hình, nhưng sự bình thản của Đức trước Hàn Quốc lại cho thấy sự khó hiểu, bởi Đức vốn đâu có quyền tự quyết về mình!?

Nếu ở trận trước, Đức tự tin bởi vận mệnh vẫn nằm trong tay họ thì trận đấu này cho thấy điều ngược lại, Đức dù có thắng cũng phải chờ đợi kết quả từ trận Mexico - Thụy Điển.

Khi Thụy Điển bất ngờ có bàn mở tỉ số 1-0, ban huấn luyện Đức chắc chắn nhận được tin báo. Khi ấy, một kết quả hòa không còn giúp "Cỗ xe tăng" vượt qua vòng bảng. Đức cần thắng và buộc phải có bàn thắng, vậy mà đội bóng áo trắng vẫn chơi rất từ tốn. Không giống trận đấu với Thụy Điển, trận này Đức tạo ra cơ hội một cách nhỏ giọt và chủ yếu đến từ những cú sút xa không mấy nguy hiểm. Không có lấy một tia sáng trong lối chơi của người Đức.

 Đức chơi bình thản dù rất cần bàn thắng.

Đức chỉ đẩy mạnh thế trận trong 10 phút cuối. Quá muộn. Thụy Điển liên tiếp ghi bàn vào lưới Mexico khiến không khí tại Kazan Arena trầm hẳn xuống. Đức đẩy toàn bộ đội hình và chơi mạo hiểm - hệt như trong cuộc so tài với Mexico và phải trả giá khi hàng công phung phí cơ hội. Vội vã gây áp lực trong ít phút cuối không phải "liều thuốc" chữa cho tâm bệnh ngạo mạn của Đức trong những trận đấu đã qua.

Đức thua Mexico bởi không lường trước sự phản kháng mạnh mẽ từ đối thủ, gặp khó trước Thụy Điển bởi không nghĩ đối thủ có thể chơi trung lộ hay, và Đức thua Hàn Quốc bởi không nghĩ đội bóng châu Á lại chơi quật cường dù còn rất ít cơ hội.

Người Đức có rất nhiều thứ không ngờ. Sai lầm không thể tha thứ ở kỳ World Cup vốn dĩ có rất nhiều bất ngờ như năm nay.

Joachim Loew có tiếc Sane?

Sẽ rất khiên cưỡng nếu nói Đức đủ sức vượt qua vòng bảng nếu có Leroy Sane - tài năng trẻ bị Loew gạt bỏ vào phút chót. Ở cuộc khủng hoảng của cả một đội tuyển, một cánh én không thể làm nên mùa xuân. Dẫu vậy, người Đức vẫn tiếc cho Sane, bởi tài năng trẻ này có được điều mà rất nhiều tuyển thủ Đức hiện tại thiếu sót: sự dũng cảm.

Đức đang sở hữu một lứa "măng non" đáng để trông đợi với những cái tên tiêu biểu như Julian Brandt hay Leon Goretzka, nhưng cũng giống như các đàn anh, Brandt hay Goretzka chỉ tạo dựng được tên tuổi trong lòng nước Đức. Nhìn rộng ra, ngoại trừ Kroos và Mesut Ozil, không trụ cột nào của Đức tạo được tên tuổi ở nước ngoài.

Marco Reus gắn bó với Dortmund, Mats Hummels, Niklas Sule, Thomas Muller, Jerome Boateng, Joshua Kimmich gắn bó với Bayern (hầu hết trong số đó để chơi khá tệ ở World Cup năm nay).

Julian Draxler chơi cho Paris Saint-Germain nhưng những hình ảnh đẹp nhất của tiền vệ toàn năng này đều gắn bó với Schalke 04. Đâu ai dám nhận lời chuyển đến môi trường đầy sức ép ở Ngoại hạng Anh như Sane?

 Sane là một trong số ít tài năng tại Đức dám chơi bóng tại nước ngoài.

Thay vì nỗ lực "xuất ngoại" và thay đổi môi trường như Sane hay Kroos, hầu hết các tuyển thủ Đức đều hài lòng với việc thi đấu trong nước. Người Bayern tự thỏa mãn với danh hiệu "thường niên" Bundesliga và vào đến bán kết Champions League là hết cỡ, còn các đội bóng khác chỉ cố lấy ngôi cao ở giải quốc nội và tham dự Champions League cho "biết mùi" rồi thôi.

4 năm sau khi lên ngôi vô địch, không tuyển thủ nào tạo được bước đột phá trong sự nghiệp trừ Kroos - người dũng cảm chia tay Bayern để gia nhập Real Madrid.

Các cầu thủ Đức trung thành tuyệt đối với tư duy kiểu Đức - khoa học, kỷ luật, bài bản song vô cùng rập khuôn. Khi Đức bị đẩy vào thế khó, "Cỗ xe tăng" vẫn chỉ gầm lên bằng những mảng miếng cũ kỹ và không khó để hàng thủ Hàn Quốc (dù không quá mạnh) cũng dễ dàng hóa giải được.

Đức thiếu sự đột phá và khoảnh khắc ngôi sao - kiểu như cú sút phạt cực đẹp của Kroos vào lưới Thụy Điển. Đội bóng của Loew hoàn toàn không có phương án B, kể cả nhân sự lẫn lối chơi.

Sự kiên định giúp Đức lên ngôi vương, song cũng có thể dìm "Cỗ xe tăng" xuống hố sâu khủng hoảng. Đến Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Argentina hay phần nào đó là Pháp, Brazil còn phải chật vật vì bị đối phương khống chế, Đức đá kiểu cũ không bị bắt bài mới lạ.

 Đức không có sự đột phá trong cách chơi.

Thừa vẫn thừa, thiếu sao vẫn cứ thiếu

Đức sở hữu hàng tiền vệ mạnh bậc nhất giải đấu, song hàng tiền đạo của đội bóng này là một thảm họa. Timo Werner từng vỗ ngực tự nhận là chân sút hay nhất nước Đức dù danh tiếng của cầu thủ này chưa bao giờ vượt quá "biên giới" RB Leipzig.

Thực tế, Werner nói... cũng đúng, bởi có lục tung nước Đức, người ta cũng không thể tìm được cho ra một tiền đạo... xem được. Bồ Đào Nha có Cristiano Ronaldo, Tây Ban Nha có Diego Costa, Pháp có Antoine Griezmann, Anh có Harry Kane, Bỉ có Romelu Lukaku, còn Đức có ai?

Werner tầm thường ra sao, 3 trận vòng bảng với 0 bàn thắng đã nói lên tất cả. Tiền đạo mang áo số 9 chơi xông xáo và có cố gắng, nhưng sự chăm chỉ của Werner không đủ để bù đắp cho tài năng. Werner chơi thiếu ăn ý với hàng công, đồng thời dứt điểm quá tệ để hy vọng vào bàn thắng.

Dự bị cho Werner là "lão tướng" Mario Gomez - người chỉ còn thi đấu bằng kinh nghiệm và bỏ lỡ cơ hội bằng vàng trước Thụy Điển trận trước. Không có người lãnh ấn tiên phong, đồng thời "gà son" Muller chơi tệ hại, Đức xem như hết điểm tựa.

 Werner thực sự "vô hại" trên hàng công của Đức.

Hàng công cùn mòn, hàng thủ cũng không mang đến sự yên tâm. Boateng là tội đồ đẩy Đức vào khó khăn trong trận gặp Thụy Điển, Hummels sa sút phong độ chóng mặt và "dám" đứng lên chỉ trích Loew vì đã để Đức chơi phiêu lưu trước Mexico, còn Antonio Rudiger mới chỉ chiếm được niềm tin ở Chelsea ở nửa sau mùa giải. Lá chắn trước hàng thủ cũng "rách toang" khi Sami Khedira thể hiện quá tệ còn Sebastian Rudy phải phẫu thuật sống mũi sau chấn thương trận trước.

Đức luôn tự hào với dàn tấn công đủ mạnh để che đi mọi khuyết điểm, song ở giải đấu mà "Cỗ xe tăng" đã đi đến giới hạn, người Đức không thể một tay che cả bầu trời.