Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tung tích chiếc cúp World Cup mạ vàng sau 35 năm chưa có lời giải

"Tôi chắc rằng ông đang đứng ngồi không yên để đi tìm chiếc cúp World Cup. Với tôi, nó chỉ như đống vàng phế liệu", bức thư tống tiền được gửi tới Chủ tịch FIFA - Joe Mears.

Những ngày cuối tháng 6, người hâm mộ khắp thế giới cùng hướng về nước Nga, theo dõi giải bóng đá lớn nhất hành tinh - World Cup. Với một số người yêu thích môn thể thao vua, tung tích chiếc cúp World Cup bản gốc vẫn còn là điều tò mò suốt hàng chục năm qua.

Chiếc cúp làm bằng bạc mạ vàng, cao gần 31 cm

Kể từ khi khởi xướng giải đấu World Cup, FIFA tuyên bố sẽ trao chiếc cúp chiến thắng Jules Rimet cho quốc gia nào giành chức vô địch. Được làm từ bạc mạ vàng và chỉ cao gần 31 cm, song chiếc cúp là biểu tượng vô giá cho đội chiến thắng.

 Jules Rimet trao chiếc cúp cho Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Uruguay Paul Jude. Ảnh: Fourfourtwo.

Sau khi giải đấu World Cup được thành lập năm 1929, Chủ tịch FIFA Jules Rimet mang theo chiếc cúp tới Uruguay. Chiến thắng giải đấu World Cup mùa đầu tiên thuộc về nước chủ nhà Uruguay, mang lại vinh dự lưu giữ bức tượng vàng cho đất nước này.

4 năm sau, chiếc cúp được chuyển giao cho Italy. Song, các kỳ World Cup tiếp theo bị huỷ bỏ do Thế chiến 2 nổ ra. Adolf Hilter nuôi tham vọng sở hữu chiếc cúp, phục vụ mục tiêu chính trị.

Thế nhưng, Phó chủ tịch FIFA Ottorino Barassi đã bí mật đem bức tượng giấu dưới gầm giường tại nhà riêng, trong một hộp đựng giày. Nỗ lực này giúp chiếc cúp khỏi cơn sóng càn quét của Đức quốc xã.

Nhốn nháo vì vụ trộm lịch sử

Sau khi được trao cho nhiều đội vô địch, chiếc cúp được đưa tới London, Anh cho giải World Cup 1966. Công ty Stanley Gibbons mượn để phục vụ triển lãm và đảm bảo có bảo vệ canh giữ nghiêm ngặt 24/7.

Giữa trưa 20/3/1966, bức tượng trên đã biến mất. Theo BBC, tên trộm đã lấy chiếc cúp khỏi bộ sưu tập "Sport with Stamps" tại triển lãm Stampex. Điều đáng nói là kẻ gian đã mang chiếc cúp có giá khoảng 14.000 USD đi và bỏ lại những con tem giá trị gần 400.000 USD.

Nghi phạm được xác định là người khoảng 30 tuổi, có chiều cao trung bình với đôi môi mỏng, mái tóc đen và vết sẹo trên mặt.

 Bobby Moore cùng đồng đội ăn mừng chiến thắng đội Đức vào World Cup năm 1966. Ảnh: Getty.

Ban đầu, do muốn giữ kín thông tin, Thanh tra thám tử Bill Little làm một cuộc điều tra nội bộ, lấy lời khai của những người trong toà nhà hoặc bất kỳ ai trông thấy dấu hiệu khả nghi. Trong khi đó, FIFA cố gắng giải quyết mọi khủng hoảng, rắc rối.

Thư ký FIFA Denis Follows đã đến gặp thợ kim hoàn George Bird, yêu cầu ông làm ra một bản sao chính xác của chiếc cúp, để “chữa cháy” cho giải đấu.

Không lâu sau, thông tin bị rò rỉ và trở thành đề tài bàn tán của dư luận và vô tình cản trở quá trình điều tra của cảnh sát. Thậm chí, một số tin đồn cho rằng chiếc cúp đang được cất giấu ở Wicklow, Ireland. Trong khi đó, một bức thư nặc danh được gửi tới toà soạn báo của Đức, kèm ký hiệu “X” ám chỉ Đức quốc xã đứng sau vụ mất trộm này.

Song, manh mối vụ trộm chỉ dần hé mở khi Chủ tịch FIFA Joe Mears nhận được một bức thư tống tiền.

"Chào Joe. Tôi chắc rằng ông đang đứng ngồi không yên để đi tìm chiếc cúp World Cup. Với tôi, nó chỉ như đống vàng phế liệu. Nếu không nghe thông tin của ông, tôi nghĩ đó chỉ là cái bình thôi", lá thư nêu rõ.

Người gửi thư, được biết với cái tên "Jackson", yêu cầu khoản tiền chuộc hơn 19.000 USD. Ông ta nói rằng sẽ gói gửi một bưu kiện đựng nắp tháo rời của cúp tới sân Stamford Bridge ở Chelsea.

Người này cũng đồng ý gặp gỡ Chủ tịch FIFA tại công viên Battersea. Để đảm bảo an toàn, thám tử Len Buggy đóng giả trợ lý của chủ tịch Mears và mang theo valy tiền mặt 19.000 USD, thực chất chỉ có khoảng 665 USD cùng một xấp giấy lộn phía dưới.

Tuy nhiên, khi gặp mặt trực tiếp, Jackson không đồng ý giao nộp bức tượng và yêu cầu Len Buggy chở tới nơi cất giấu bí mật. Lòng vòng khắp South London suốt 10 phút, hắn phát hiện có xe bám theo, liền nhảy xuống xe và tẩu thoát. Tên trộm cuối cùng không thoát được sự truy bắt của nhóm điều tra.

Cảnh sát xác định Jackson có tên thật là Edward Betchley, một gã trộm từng có tiền án. Hắn khẳng định được thuê thực hiện vụ trộm và làm trung gian với giá khoảng hơn 600 USD. Cuối cùng, Edward Bletchley bị kết án 2 năm tù giam vì tội đe doạ, tống tiền.

 Chú chó Pickles tại hiện trường phát hiện bức tượng. Ảnh: FIFA.

Sau nhiều tuần trôi qua, cảnh sát vẫn chưa tìm được thêm manh mối còn FIFA càng lo lắng hơn cho số phận của bức tượng. Từng chi tiết, diễn biến của vụ việc là “mỏ vàng” khai thác của các tờ báo quốc gia. FIFA dường như rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Vào đêm 27/3, một người đàn ông David Corbett rời căn hộ ở Norwood, South London cùng chú chó cưng Pickles. Trên đường đi, chú chó đánh hơi thấy gói giấy lạ bên bờ rào.

"Khi ấy, Quân đội cộng hoà Ailen (IRA) còn hoạt động, thoạt đầu tôi cứ nghĩ là bom. Sau đó, tôi tò mò mở ra thì vô cùng bất ngờ. Tôi vội vã về nhà thông báo với vợ rằng mình tìm thấy cúp World Cup", David nhớ lại.

Anh ta mang chiếc cúp tới đồn cảnh sát Gypsy Hill ở Crystal Palace. "Tôi chen vào, đặt chiếc cúp lên bàn. Song, viên cảnh sát nói trông chẳng giống chút nào", anh kể.

Lòng trung thực của David lại vô tình biến anh ta trở thành nghi phạm chính của vụ trộm trong con mắt của cảnh sát thành phố. "Tôi bị hơn 20 cảnh sát tra hỏi đến gần 3h sáng. Tôi nghĩ rằng lẽ ra mình nên mặc kệ chiếc cúp bên đường”, anh giải thích.

Cuộc điều tra cho thấy David không liên quan đến vụ án. Những bí ẩn xung quanh tung tích của bức tượng vẫn không được giải thích, song chỉ sau một đêm, David cùng chú chó Pickles bất ngờ trở thành những ngôi sao nổi tiếng và được thưởng gần 8.000 USD.

 Chiếc cúp Jules Rimet đang ở đâu, hay đã bị nung chảy, không ai có lời giải đáp. Ảnh: FIFA. 

Sau 35 năm, chiếc cup vẫn là điều bí ẩn

Đội tuyển bóng đá quốc gia Brazil giành chức vô địch lần 3 vào năm 1970. Họ có quyền giữ cúp bản gốc mãi mãi, như đã được quy định bởi Jules Rimet vào năm 1930. Nó được đặt trưng bày trong tủ kính chống tên lửa, tại trụ sở của Liên đoàn Bóng đá Brazil ở Rio de Janeiro.

Tối 19-20/12/1983, một nhóm trộm bí mật tấn công toà nhà. Sau khi khống chế được bảo vệ, bọn chúng phá tấm cửa khung gỗ, rồi vội vã mang bức tượng quý giá đi.

Nhà chức trách nhanh chóng mở cuộc điều tra, ráo riết tìm thủ phạm với nỗi lo chiếc cúp sẽ bị nung tan chảy. Ngân hàng Nhà nước Rio de Janeiro đã treo phần thưởng khổng lồ cho người mang chiếc cúp trở lại an toàn.

Trong cuốn Theft of the Jules Rimet Trophy, Martin Atherton viết rằng chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Brazil Giulite Coutinho, kêu gọi người dân: "Giá trị tinh thần của bức tượng lớn hơn nhiều so với giá trị thực. Những tên trộm không có lòng yêu nước".

Sau nhiều nỗ lực của cảnh sát và nhà chức trách, tung tích chiếc cúp đến nay vẫn là điều bí ẩn. Nó được cho là đã bị nung chảy và bán dưới dạng vàng thỏi.

Ủy ban bóng đá Brazil đã đề nghị tạo ra bản sao cúp khác, do Eastman Kodak chế tác từ 1,8 kg vàng. Bản sao này đã được trình lên tổng thống Brazil năm 1984.