Xét xử nguyên Phó thống đốc Đặng Thanh Bình: “Tôi có trách nhiệm chính trị”
- 14:46 26-06-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông Đặng Thanh Bình trả lời HĐXX sáng 26/6. |
Đặt câu hỏi với bị cáo Đặng Thanh Bình – nguyên Phó thống đốc NHNN, đại diện VKS yêu cầu ông Bình cho biết trách nhiệm của mình như thế nào khi để ông Phạm Công Danh thao túng VNCB và dùng ngân hàng này như một phương tiện để phạm tội.
Trả lời câu hỏi, ông Bình cho rằng việc tái cơ cấu đã cơ bản thành công, giữ vững được ổn định của hệ thống ngân hàng, tránh đổ vỡ hay ngoài tầm kiểm soát.
“Với Đại Tín, tôi đã thực hiện nhiệm vụ của mình, Ban chỉ đạo cũng không quyết định vấn đề cụ thể trong tái cơ cấu, những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của lãnh đạo NHNN. Ban chỉ đạo chỉ có ý kiến chứ không có quyền quyết định cụ thể” – ông Bình cho hay.
Tuy nhiên, câu trả lời này vẫn chưa vào trọng tâm, do vậy VKS tiếp tục nhắc ông Bình: “Bị cáo là lãnh đạo NHNN, cũng là Trưởng ban tái cơ cấu. Bị cáo là người giỏi nghiệp vụ, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm. Bị cáo có thấy trách nhiệm gì của mình không?”
“Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về trách nhiệm, rà soát lại và nhận thấy rằng đã thực hiện đầy đủ, xử lý vấn đề kịp thời và cương quyết” – ông Bình nói. Tuy nhiên ông cho rằng mình là đảng viên và đang thực hiện một đề án của tập thể (đề án tái cơ cấu), cũng là nhiệm vụ chính trị. Do vậy trong sự việc này, ông thấy “có trách nhiệm chính trị”, còn trách nhiệm với công việc đã thực hiện hết sức, lỗi ở đâu các cơ quan chức năng sẽ kết luận.
Theo cáo trạng, tháng 8/2012, ông Bình ký tờ trình trình Thủ tướng về phương án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín.
Trên cơ sở này, Thủ tướng chỉ đạo, yêu cầu Thống đốc NHNN chịu trách nhiệm về tính đúng đắn, chính xác đối với thực trạng và năng lực tài chính của các nhà đầu tư mới.
Thực hiện chủ trương này, tháng 9/2012, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN có tờ trình gửi ông Đặng Thanh Bình về việc tái cơ cấu TrustBank, kiến nghị Thống đốc cho phép áp dụng điều kiện tài chính đối với các nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu.
Tuy nhiên, ông Bình không thực hiện đúng yêu cầu trên mà bút phê vào tờ trình rằng: “Việc kiểm tra góp vốn sẽ được thực hiện sau này, cần nghiên cứu đề xuất cách làm để đảm bảo thực hiện được yêu cầu của Thủ tướng và của chính NHNN”.
Đến tháng 6/2013, chính ông Bình phải ký thông báo thừa nhận “lộ trình triển khai phương án còn chậm chủ yếu do năng lực tài chính của nhà đầu tư mới tham gia tái cơ cấu còn hạn chế”.