Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Lao động Việt phi pháp tại Hàn Quốc: Nỗi lòng người trong cuộc

Hiện có hơn 15.000 lao động Việt Nam bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Nghệ An là 1 trong 5 tỉnh có số lượng nhiều nhất, tính đến hết năm 2017.

Sau gần 15 năm thực hiện theo nội dung Bản ghi nhớ gửi và tiếp nhận lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc, theo chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là Chương trình EPS), đến nay, Việt Nam đã đưa gần 99 nghìn lượt người sang làm việc tại thị trường này.

So với các thị trường khác như Đài Loan (Trung Quốc) hay Nhật Bản thì lao động sang làm việc ở Hàn Quốc yêu cầu trình độ không cao, chi phí đi thấp, nhưng thu nhập lại cao. Đây thực sự là thị trường mà nhiều lao động Việt Nam mong muốn được làm việc.

Vậy nhưng hiện nay, việc đưa người lao động sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS đang gặp rào cản lớn, thậm chí có nguy cơ mất thị trường lao động này. Nguyên nhân là số người lao động Việt Nam sang làm việc bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc quá đông hiện khoảng 15 nghìn người.

 Đưa người lao động sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS đang gặp rào cản lớn. (Ảnh: Minh họa)

Trong cái nắng ràn rạt của gió Lào, tay vừa chặt quả dừa, chị Hậu vừa nhanh miệng mời khách nghỉ chân uống nước, ăn bát chè cho mát. Bán hàng nước ở chợ Phong Toàn, thành phố Vinh, Nghệ An, là công việc hàng ngày của chị Hậu để có đồng ra đồng vào, ngoài việc chờ khoản tiền chồng chị đi lao động ở Hàn Quốc gửi về.

Chị tâm sự: chồng chị đi lao động ở Hàn Quốc từ năm 2008 theo chương trình EPS. Lẽ ra sau 4 năm 10 tháng theo đúng hợp đồng, anh phải về nước. Nhưng đến nay đã hơn 10 năm, anh vẫn “bám trụ” nơi đất khách quê người, dù biết việc làm ấy là phi pháp. “Đi làm mỗi năm không được 400 đến 500 triệu gửi về thì đi làm chi cho mệt. Làm vất vả lắm. Biết khuyên chồng sao? Về nhà biết làm gì ra đồng tiền?”- chị Hậu nói.

Vốn cũng là 1 lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc 1 năm, sau nhờ gia đình động viên, anh Nguyễn Gia Long ở phường Lê Lợi, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã trở về nước. Anh Long nhớ lại: bên Hàn Quốc, nơi anh làm việc có rất nhiều người bỏ trốn ra ngoài làm. Không ai lường hết chuyện, làm việc theo kiểu chính thống đã rất vất vả, làm việc theo kiểu phi pháp còn vất vả gấp trăm lần, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Sống chui lủi, thậm chí ốm đau cũng không dám đi bệnh viện vì không có bảo hiểm, hạn chế đi ra đường vì chẳng may xảy ra chuyện lại lo cảnh sát bắt sẽ bị trục xuất về nước… Vậy nhưng những lao động bất hợp pháp người Việt vẫn chấp nhận chỉ để kiếm nhiều tiền gửi về cho gia đình.

“Tôi ra ngoài mất một năm. Lao động bên đó thì có sướng đâu chẳng qua vì đồng tiền thôi chứ cũng vất vả. Sáng thì mặt trời chưa lên thì mình đã vào xưởng. Mặt trời tắt rồi mình mới về vất vả, vì đồng tiền phải ở lại cả chứ. Người bất hợp pháp ở lại sống chui sống lủi”- anh Nguyễn Gia Long nói.

“Khổ cũng được, nhục cũng phải chịu, chỉ cần có tiền. Bây giờ về nhà chẳng biết làm gì ra tiền”. Đó là những lý do nhiều lao động Việt Nam đưa ra để biện minh cho quyết định: “hết hợp đồng, không về nước” của mình.

Trước tình trạng số lượng lao động bất hợp pháp ngày càng gia tăng, Nhà chức trách Hàn Quốc thường tổ chức từng đợt truy quét. Vậy nhưng xem ra cũng không xuể. Thống kê từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện có hơn 15.000 lao động Việt Nam bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Trong đó, Nghệ An là 1 trong 5 tỉnh có số lượng nhiều nhất, tính đến hết năm 2017 là hơn 1.500 người lao động cư trú bất hợp pháp, không những làm mất uy tín của cá nhân khi cam kết ký hợp đồng, mà còn ảnh hưởng cả đến uy tín của tỉnh, của quốc gia.

Ông Hồ Văn Hóa, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho biết: chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền đến từng gia đình có con em đang làm việc không hợp đồng ở Hàn Quốc về nước, tuy nhiên việc vận động này không mấy hiệu quả.

“Lao động xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc có thu nhập cao. Ít nhất một lao động cũng gửi về cho gia đình 20 triệu đồng một tháng. Đối với những người làm thêm hoặc làm ngoài mà lao động bất hợp pháp họ kiếm được 40 đến 50 triệu đồng 1 tháng. Cho nên họ tính nếu ở lại bất hợp pháp 5 năm thì bằng ở nhà làm lao động phổ thông cả một đời thì họ chấp nhận thôi”- ông Hồ Văn Hóa cho biết.

Chính vì sự chấp nhận - như lời ông Hồ Văn Hóa, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hậu vừa nói, đã dẫn đến hệ lụy: nước bạn công bố tạm dừng tuyển lao động 10 huyện của địa phương này. Ở phạm vi cả nước là 49 quận, huyện. Hệ lụy tiếp theo là nhiều người đã bỏ từ vài triệu, thậm chí cả chục triệu đồng cho các khóa học tiếng Hàn,“mòn mỏi” đợi chờ trong nhiều năm, nhưng vẫn chưa thể thực hiện được ước mơ đi xuất khẩu lao động. Phan Thị Hồng Hiệp, ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An là một ví dụ.

“Học lớp 12 xong, em xác định đi học tiếng Hàn. Ban đầu học chi phí của em mất 10 triệu. Khi nghe tin bị cấm em rất buồn. Em nghe nói vì người lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm ở lại nhiều quá cho nên bên Hàn cấm tuyển, đặc biệt những vùng như Nghệ An nhiều là họ cấm. Em thấy rất mất công bằng, vì nhiều người ở đây không sang được”- Phan Thị Hồng Hiệp nói.

Đi làm việc theo Chương trình EPS tại Hàn Quốc là chương trình ưu việt bởi các điều kiện phù hợp với đại đa số người lao động ở các vùng nông thôn. Từ năm 2005 đến tháng 4/2018, toàn tỉnh Nghệ An có hơn 7.500 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình này, với mức lương hấp dẫn từ 1.000 đến 1.500 USD/người, góp phần giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và tăng nguồn thu cho địa phương.

 (Ảnh: minh họa)

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2011, do nhiều nguyên nhân, tình trạng người lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước mà ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc diễn biến ngày càng phức tạp.

Do đó, từ tháng 8/2012 đến 31/12/2013, phía Hàn Quốc đã tạm dừng thực hiện thỏa thuận phái cử lao động Việt Nam sang Hàn Quốc và không tổ chức mới các kỳ thi tiếng Hàn. Sau một thời gian dài tạm dừng, ngày 23/6 tới đây, phía Hàn Quốc đã thông báo sẽ tổ chức Kỳ thi tiếng Hàn, tiếp tục tuyển lao động Việt Nam có nhu cầu sang làm việc. Đây thực sự là tin vui và cũng là mong muốn của rất nhiều lao động Việt Nam hiện nay. Vậy nhưng, không phải ai cũng tận dụng được cơ hội này.

Có rất nhiều lao động không được đăng ký tham gia dự kỳ thi tiếng Hàn năm 2018. Họ là những người hứng chịu hậu quả liên đới bởi địa phương, nơi họ sinh sống có số lượng lớn người lao động không chấp hành đúng cam kết: “hết hạn hợp đồng trở về nước đúng thời hạn” mà bỏ trốn ra ngoài, làm việc trái phép tại Hàn Quốc.

“Nguyện vọng của em rất là muốn sang bên Hàn. Muốn đi nhưng cấm đi thì thất vọng. Cấm thi thì tất nhiên mất đi cơ hội của bọn em. Nếu không được đi thì thiệt thòi. Một số người làm ảnh hưởng. Qua đó em thấy những người ở bên hết thời hạn nên về để người khác có điều kiện, đừng làm mất cơ hội của người khác”- Phan Thị Thương, ở Quỳnh Lưu, Nghệ An chia sẻ

Nguyên nhân do đâu lao động Việt Nam đi làm tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng không về nước?Chúng tôi sẽ cập nhật trong Bài 2: “Vì sao chấp nhận khổ không hồi hương?” của Loạt bài “Lao động Hàn Quốc vì sao không hồi hương”./.