Con trượt trường chuyên, mẹ ‘tự kỷ’ cả tuần
- 14:57 21-06-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chị Trần Thu Thủy (Mỹ Lộc, Nam Định) đặt nhiều niềm tin, hy vọng vào cậu con trai út học trường điểm của thành phố. Cậu bé chăm chỉ, ngoan ngoãn, dù không giỏi xuất sắc nhưng kiến thức khá chắc chắn. Chị Thủy tin tưởng con trai sẽ vượt qua được cuộc đua vào lớp 10 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong không quá khó khăn.
Nhiều cha mẹ quá kỳ vọng vào con khiến con bị áp lực nặng nề. Ảnh minh họa: T.H |
Vậy mà, ngày biết điểm, chị “chết đứng” khi con “trượt thẳng cẳng”. Không đủ điểm vào lớp chuyên đã đành, đến lớp chọn con cũng thiếu điểm. Cũng may, con vừa đủ điểm vào trường top 2 của thành phố.
Vốn là giáo viên, lại khá tin tưởng, kỳ vọng vào con nên chị Thủy cảm thấy sốc thực sự. Suốt mấy ngày sau đó, chị nhốt mình trong nhà, không tiếp xúc với ai. Bạn bè, họ hàng, đồng nghiệp gọi điện đến, chị nhất định không nghe máy. Ai đến chơi nhà, chị “nói chuyện” bằng những giọt nước mắt lăn dài.
Việc con trượt trường chuyên, lại đỗ vào trường THPT thường ở thành phố với số điểm vừa đủ khiến chị cảm thấy mình bị “sỉ nhục”. Chị xấu hổ, không dám nhìn mặt ai. Bởi, chị nghĩ rằng, con nhà giáo viên mà điểm còn lẹt đẹt như thế thì phụ huynh sẽ coi thường. Chị xấu hổ với đồng nghiệp vì con nhà mọi người đều học trường chuyên lớp chọn, nếu có học trường thường cũng chẳng đứa trẻ nào có mức điểm sàn giống con chị. “Cuộc đua con cái” với các đồng nghiệp khiến chị cảm thấy mình là người thua cuộc.
Chứng kiến mẹ vật vã, đau khổ vì của mình chắc chắn cậu con trai 15 tuổi cảm thấy rất tội lỗi. Chắc chắn, việc không được đặt chân vào ngôi trường mơ ước đã khiến cậu chán nản, rệu rã, giờ thấy mẹ “tự kỷ”, cậu sẽ càng cảm thấy mình vô dụng.
Cha mẹ hãy động viên con: Thất bại ở một kỳ thi không có nghĩa là con thất bại trong cuộc đời. Ảnh minh họa: T.H |
Nghe tin cháu gái mình (quê Nghệ An) không đỗ trường chuyên Khoa học Tự nhiên, chị Nguyễn Thúy Mai vô cùng lo lắng. Chị Mai không lo cháu sốc mà lo chị của mình (mẹ của cháu gái) bị stress khi biết tin xấu này. Chị Mai cho biết, vì chị gái mình trước đây học rất giỏi nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đã phải nghỉ từ năm lớp 9. Thế nên, khi lập gia đình, chị không tiếc tiền, thời gian, công sức để đầu tư việc học cho con.
Con gái chị quanh năm suốt tháng chỉ biết học và học, không được ra ngoài chơi cùng bạn bè, không được sử dụng smartphone, iPad. Cho con đi học thêm ở đâu, chị cũng đích thân đưa đón con.
Con gái chị không uổng công mẹ khi luôn trong đội tuyển học sinh giỏi của trường. Năm lớp 9 vừa qua, con được giải Nhì học sinh giỏi của tỉnh môn Hóa và Lý. Thế nên, chị đặt rất nhiều kỳ vọng con sẽ đỗ được chuyên Lý trường chuyên Khoa học Tự nhiên, sẽ giúp mẹ thực hiện giấc mơ của mình.
Chị Mai cho biết, nghe tin cháu gái trượt, cả nhà vô cùng lo lắng cho tinh thần của chị. “Chị rất dễ trầm cảm nếu biết con gái mình không thực hiện được giấc mơ của mẹ. Đặc biệt, chị sẽ không thể “trụ” nổi nếu biết tin bạn trong lớp của con, những đứa ở cùng huyện học không giỏi bằng con đỗ trường chuyên lớp chọn”.
Kỳ vọng vào con, đặt lên vai con giấc mơ của bố mẹ khiến đứa trẻ gánh áp lực nặng nề. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, làm kiệt quệ tinh thần đứa trẻ. Việc các con thất bại ở một kỳ thi không có nghĩa là các con thất bại trong cuộc đời mà sẽ giúp con trưởng thành, bản lĩnh, có thêm những bài học kinh nghiệm cho mình sau này.