Bức tâm thư về chuyện "thác loạn ở nhà hàng"
- 09:09 21-06-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mọi chuyện bắt đầu từ tháng 3-2018. Trong cơn bạo bệnh của ba, tôi chẳng biết làm gì khác ngoài chuyện tìm một công việc có thu nhập cao với hy vọng tự trang trải cuộc sống và có thêm chút ít gửi về phụ giúp gia đình.
Lúc ấy, một trang mạng đăng tải thông báo cần người phục vụ nhà hàng với mức lương tương đối cao và tôi đã lập tức liên lạc. Khi tôi tìm đến, tay quản lý nhà hàng chỉ nêu ra những điều khoản mập mờ và yêu cầu ký vào bản hợp đồng…
Đêm đến, chiếc điện thoại của tôi bị khóa, mọi liên lạc bị cắt đứt. Tay quản lý bắt tôi mặc bộ quần áo… như không mặc gì. Tôi hốt hoảng khi nhận ra đây là một tụ điểm ăn chơi thác loạn.
T.N.D, người gửi tâm thư cầu cứu đến Báo Người Lao Động. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Tôi viện đủ mọi lý do để từ chối nhưng đều không được chấp thuận, chỉ nhận được những cái lắc đầu đe dọa kèm theo vẻ mặt hung hãn của tay quản lý. Chuyện gì đến cũng đã đến... Hằng đêm, tôi chỉ biết khóc thầm sau khi chịu đựng hàng chục cánh tay của những gã đàn ông vuốt ve cơ thể mình.
Thấy rằng việc này cần phải cảnh báo đến nhiều sinh viên khác, tôi đã quyết định gửi thư cầu cứu đến nhiều cơ quan báo chí, trong đó có Báo Người Lao Động. Báo đã cử phóng viên liên lạc, trao đổi với tôi sớm nhất. Một nhóm phóng viên của báo lập tức lên kế hoạch thâm nhập nhà hàng để ghi nhận, phản ánh.
Gần một tháng sau, chẳng thấy tin tức gì đăng tải trên báo, tôi không khỏi lo ngại khi nghĩ rằng việc của mình đã bị phát hiện, "bịt cửa". Nhưng rồi, những thước phim và hàng loạt bài báo đã liên tục xuất hiện, phản ánh một cách chân thật nơi tôi từng sa chân.
Đến giờ, tôi nhận thấy việc mình gửi gắm chuyện riêng vào các cơ quan báo chí là đúng. Ít nhiều gì thì việc làm của tôi cũng đã góp một phần vào sự chuyển biến tích cực của xã hội, khi hàng loạt nhà hàng thác loạn đã bị phạt nặng hoặc đóng cửa.