Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Niềm khắc khoải cuối đời của vợ liệt sĩ nhà báo

Nén nỗi đau thương mất mát, bà Thủy gắng gượng sắm hai vai vừa là cha, vừa là mẹ, tần tảo sớm hôm vượt qua mọi khó khăn, vất vả nuôi các con...

 Bà Thủy mong muốn khi nhắm mắt xuôi tay có thể đưa hài cốt chồng về quê cha đất tổ

Chồng là phóng viên hi sinh nơi chiến trường, cả cuộc đời bà Nguyễn Thị Thủy (SN 1934, trú xóm 10, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) là những chuỗi ngày vất vả khi vừa là cha, vừa là mẹ, tần tảo nuôi ba đứa con khôn lớn trưởng thành, trong đó có người con út bị di chứng chất độc da cam. Giờ đây, khi gần nhắm mắt xuôi tay, bà chỉ mong tìm và đưa được hài cốt của chồng về quê cha đất tổ.

“Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang”

Trong căn nhà cấp bốn tuềnh toàng nằm khuất sâu trong con hẻm nhỏ là nơi bà Nguyễn Thị Thủy sinh sống. Bà Thủy ở tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe cũng yếu đi nhiều do căn bệnh ung thư quái ác, nhưng cứ hễ ai đó nhắc tới chồng, liệt sĩ nhà báo Lê Văn Luyện (SN 1933, PV Thông tấn xã Việt Nam) là mắt bà lại rực sáng.

Bà kể, bà và ông Luyện ở cùng xã nhưng chẳng quen biết nhau. Ngày ấy, chiến tranh ác liệt, ông lớn lên đi học rồi đi bộ đội, còn bà ở nhà giúp bố mẹ chăm lo ruộng vườn. Năm 1952, trong một dịp ông về phép, hai bên gia đình mai mối, thế là ông bà trở thành vợ chồng. Sau ngày cưới một tuần, ông nhận lệnh ra miền Bắc công tác. Cũng từ đó, ông thường xuyên biền biệt nơi chiến trường, mỗi lần vợ chồng gặp nhau là những chuyến công tác ông tranh thủ tạt qua nhà.

Ông Nguyễn Văn Nhật, Trưởng Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Nghệ An cho biết: Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Thông tấn xã Việt Nam có trên 260 nhà báo đã hy sinh, có nhiều người vẫn chưa tìm được phần mộ, trong số đó có liệt sĩ nhà báo Lê Văn Luyện. Hiện tại, cuộc sống của thân nhân liệt sĩ Luyện rất khó khăn, bà Thủy thường xuyên ốm đau, con trai út bị nhiễm chất độc da cam. Vào dịp 27/7 hàng năm, cơ quan thường xuyên đến thăm hỏi, trao quà và động viên gia đình. Ngoài ra, cơ quan còn trao tặng sổ tiết kiệm động viên gia đình vượt qua hoàn cảnh khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.

“Tôi lấy chồng gần 20 năm mà thời gian ở cạnh nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vợ chồng chỉ được gặp nhau khi ông ấy có chuyến công tác qua nhà. Ba đứa con của chúng tôi lần lượt ra đời cũng trong hoàn cảnh đó”, bà Thủy tâm sự.

Chiến tranh ác liệt, đồng đội chiến đấu bằng súng đạn, còn ông Luyện là nhà báo chiến trường thì chiến đấu bằng từng con chữ, ngòi bút, bức ảnh... để kịp đưa những dòng tin nhanh nhất về tình hình chiến sự nơi bom đạn đến với đồng bào cả nước. Năm 1965, ông Luyện đi chiến trường miền Nam và đến năm 1967, ông mới có dịp về thăm vợ con. Cũng trong năm này, bà Thủy mang thai người con trai út Lê Hồng Thái.

“Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang”, khi vừa sinh ra, anh Thái đã bị dị tật, hai chân lèo khoèo, hở hàm ếch, móm hàm răng phía trên, một tai bị điếc và một mắt bị mờ. Thương con, bà khóc cạn nước mắt. Sau này, gia đình mới biết anh Thái nhiễm chất độc da cam từ bố. Nỗi đau như nhân lên gấp bội, khi năm 1972, bà nhận được hung tin chồng hi sinh khi đang làm nhiệm vụ ở mặt trận Quảng Nam.

“Biết con sinh ra không được lành lặn như bao đứa trẻ khác, ông ấy buồn lắm. Mỗi lúc rảnh rỗi, biên thư về cho gia đình ông ấy đều nhắc đến thằng út. Ông bảo sẽ cố gắng sắp xếp công việc để về đưa con đi chữa trị. Nào ngờ, ước nguyện chưa thành thì ông ấy đã hi sinh nơi chiến trường”, bà Thủy nghẹn ngào.

Mong sớm tìm được hài cốt chồng

Nén nỗi đau thương mất mát, bà gắng gượng sắm hai vai vừa là cha, vừa là mẹ, tần tảo sớm hôm vượt qua mọi khó khăn, vất vả nuôi các con và gom góp tiền đưa con trai út đi chữa bệnh.

“Dù biết cơ hội chữa khỏi bệnh cho con rất mong manh, nhưng đổi lại nhờ những chuyến đi như thế mà Thái có thêm nhiều người bạn mới để có niềm tin vào cuộc sống. May mắn, có một cô gái xã bên yêu thương Thái và nguyện cùng nhau vượt qua khó khăn để đi hết cuộc đời nên tôi cũng yên lòng”, bà Thủy nói.

Khi các con đã yên bề gia thất, bà Thủy vẫn ở một mình và canh cánh hi vọng sẽ sớm đưa ông về với tổ tiên. “Trước đây, có một người đàn ông tìm đến nhà bảo là đồng đội của anh Luyện. Họ đưa cho tôi rất nhiều kỷ vật cùng những bức thư của anh chưa kịp gửi về cho gia đình. Ông ấy bảo, chồng tôi hi sinh và được chôn ở chân núi Liệt Kiệm, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, đã nhiều lần gia đình vào tìm kiếm nhưng không có tin tức”, bà Thủy nói.

Cách đây khoảng 5 năm, trong một lần ốm nặng, phải nhập viện cấp cứu, bà Thủy bất ngờ phát hiện bị ung thư thực quản. Cũng từ đó, sức khỏe của bà yếu dần và phải thường xuyên nằm viện để điều trị.

Nằm trên chiếc giường nhỏ trong ngôi nhà cấp 4 xập xệ, bà Thủy đưa ánh mắt sâu thẳm nhìn lên trần nhà được căng tạm bởi tấm bạt xanh cho đỡ dột lúc nắng mưa. Đôi tay gày đen chỉ còn lại lớp da bọc xương, khuôn mặt hốc hác, khô khốc. Vừa xoa bóp tay cho mẹ chồng, chị Nguyễn Thị Kim Hoa vừa nói: “Cả cuộc đời mẹ tôi là những ngày sống trong khó khăn, vất vả. Giờ mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác, hàng ngày mẹ chỉ ăn được một chút cháo loãng xay nhuyễn. Nhìn mẹ gày yếu đi từng ngày vẫn chỉ đau đáu ước nguyện tìm thấy hài cốt cha, chúng tôi thương thắt ruột”.

Ông Võ Trọng Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết: Bà Thủy là vợ liệt sĩ nhà báo chiến trường, có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, con trai út bị nhiễm chất độc da cam. Hàng năm, vào những ngày lễ, Tết, chính quyền địa phương thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà và động viên gia đình.