Vụ phó bí thư Đoàn cầu hôn: Đừng trở thành Trường Giang thứ hai
- 20:52 20-06-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
[presscloud]http://media.nghean24h.vn/video/2018/06/20/cauhon.mp4[/presscloud]
Phó bí thư Đoàn cầu hôn nữ sinh tại lễ tốt nghiệp đại học Màn cầu hôn của anh Nguyễn Thái Dũng, phó bí thư Đoàn Đại học Vinh, Nghệ An, nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Ngày 18/6, cộng đồng mạng Việt lan truyền clip dài hơn một phút ghi lại màn cầu hôn ngay trên sân khấu nhận bằng tốt nghiệp tại Đại học Vinh.
Theo đó, Trần Thị Duyên (23 tuổi) được bạn trai Nguyễn Thái Dũng (28 tuổi, phó bí thư Đoàn trường) trao nhẫn trước đông người. Tình huống này nhanh chóng trở thành đề tài bàn tán của dân mạng.
Cầu hôn hay muốn gây chú ý?
Có thể thấy khi nữ sinh Trần Thị Duyên vừa được xướng tên và lên nhận bằng tốt nghiệp, Thái Dũng liền bước lên sân khấu tặng hoa cho bạn gái, đồng thời quỳ xuống ngỏ lời cầu hôn. Sau đó, nam chính nhận được sự đồng ý, đôi trẻ trao nhau cái ôm ngay tại sân khấu của trường.
Màn bày tỏ tình cảm "nóng" trên mạng cũng là lúc Duyên nhận được nhiều lời bình luận khiếm nhã, cuộc sống bị ảnh hưởng. Trang cá nhân của hai nhân vật chính hiện đều tạm khóa.
Màn cầu hôn của phó bí thư Đoàn Đại học Vinh "gây bão" mạng. Ảnh cắt từ clip. |
Trước câu chuyện này, tài khoản Ơ Kìa bày tỏ ý kiến: "Có những rào cản thuộc về phạm trù đạo đức không nên phá vỡ. Chàng trai có thể cầu hôn vào lúc khác, như trong buổi liên hoan bạn bè hoặc đi chơi cũng rất ý nghĩa. Đây là lễ tốt nghiệp, thiên về sự nghiệp giáo dục, không thiên về giải trí nên làm vậy là không đúng lúc, đúng chỗ".
Nông Dân cũng thể hiện sự phản đối, cho rằng hành động này không tôn trọng người khác.
"Thứ nhất, đó là lễ tốt nghiệp của rất nhiều sinh viên, làm như vậy một số bạn hưởng ứng nhưng cũng có nhiều người không vui vì buổi lễ tốt nghiệp của mình bị ảnh hưởng bởi lợi ích cá nhân. Thứ hai, không thiếu nơi lãng mạn hơn để thể hiện tình cảm", người này lập luận.
Trong khi đó, Trà My (23 tuổi, Lạng Sơn) nhận định: "Mình thấy hành động ấy không có gì xấu hay phải lên án gay gắt, chỉ là nó không đúng lúc và có vẻ là muốn gây chú ý nhiều hơn là cầu hôn".
Nhiều bình luận trái chiều xung quanh màn cầu hôn tại buổi lễ tốt nghiệp. Ảnh chụp màn hình. |
Bên cạnh ý kiến chỉ trích, nhiều dân mạng lại nhận định hành động của Nguyễn Thái Dũng không quá to tát. Họ thấy nên có góc nhìn thoải mái hơn là đi theo suy nghĩ truyền thống.
Đinh Ngọc Anh Duy chia sẻ: "Tôi thấy bình thường! Thời đại nào rồi mà còn cổ hủ vậy, thoải mái chút đi".
Thành viên Robert Ngô tự nhận mình là người bảo thủ, song cũng không thấy màn cầu hôn này đáng lên án, thậm chí còn rất hay, là "song hỷ lâm môn".
"Lễ tốt nghiệp đời người chỉ có một, cầu hôn cũng vậy. Làm cả hai việc đó cùng một ngày không phải rất đáng nhớ hay sao?", độc giả này nêu quan điểm.
Trao đổi với Zing.vn, Đan Tâm (27 tuổi, giáo viên) nêu ý kiến: "Tôi thấy lúc đó trao bằng xong rồi, bạn nữ đang đứng chụp ảnh thì bạn trai lên cầu hôn, có phải người ta đang trao bằng kéo ra cầu hôn đâu, cũng không có gì quá đáng".
Nữ giáo viên tự nhận mình là người suy nghĩ theo phong cách phương Tây, chỉ cần hai người yêu nhau cảm thấy tự do, hạnh phúc là được.
Hãy tôn trọng cảm xúc của người khác
Hành động của phó bí thư Đoàn Đại học Vinh không phải trường hợp đầu tiên. Ngày 8/1, màn cầu hôn trên sóng truyền hình trực tiếp tại Lễ trao giải Mai Vàng của danh hài Trường Giang với diễn viên Nhã Phương từng vấp phải nhiều chỉ trích.
Hay như mới đây, một chàng trai Mỹ có tên James Clark cũng phải nhận không ít "gạch đá" khi bày tỏ tình cảm với bạn gái tại lễ tốt nghiệp và đăng tải clip lên mạng xã hội.
Trước đó, trên bục trao huy chương tại Thế vận hội Rio năm 2016, nữ thợ lặn Trung Quốc He Zi cũng được đồng nghiệp Ki Qiu cầu hôn.
Nhiều ý kiến cho rằng nam chính trong các trường hợp trên đã "làm lố" và ích kỷ khi không nghĩ đến cảm nhận của những người xung quanh, đồng thời lên án họ đã "lấy đi khoảnh khắc ý nghĩa của bạn gái".
Phản hồi về màn cầu hôn của Thái Dũng, phía nhà trường cũng không đồng tình. Ông Đinh Xuân Khoa - hiệu trưởng Đại học Vinh - nói Zing.vn rằng hành động này mang tính bộc phát, không có trong kịch bản của buổi lễ tốt nghiệp.
"Sáng 19/6, tôi đã nhắc nhở toàn thể cán bộ, giảng viên, giáo viên nhà trường không để sự việc như vậy lặp lại", ông Khoa cho hay.
Cầu hôn vốn là chuyện hệ trọng. Do đó, nhiều người thường chọn cách đánh dấu khoảnh khắc trọng đại ấy bằng việc ngỏ lời chốn đông người như cách lưu lại kỷ niệm đáng nhớ.
Tuy nhiên, liệu đó có là lựa chọn đúng đắn nếu nó gây ảnh hưởng đến cảm xúc của nửa kia và những người xung quanh?
Màn cầu hôn trên sóng truyền hình của Trường Giang cũng từng gây tranh cãi. |
Hiền Anh (22 tuổi, Hà Nội) cho rằng cầu hôn là chuyện riêng tư của hai người nên được thực hiện ở nơi lãng mạn.
"Tự dưng đem chuyện cá nhân ra những nơi nghiêm túc, vừa làm lu mờ mục đích chính của buổi lễ, vừa ảnh hưởng đến người khác", cô nhận xét.
Đồng Tuyên (26 tuổi, Hải Dương) cũng không ủng hộ việc bày tỏ tình cảm nơi trang trọng. Anh cho đây là hành động không hợp lý, thiếu tế nhị và gây ảnh hưởng đến lợi ích chung.
"Có lẽ ai cũng muốn thể hiện tình cảm của mình để được người khác công nhận, nhưng thực hiện nó như nào mới là vấn đề", anh nói.