Vòng 14 V-League 2018: Trật tự được lập lại
- 08:37 19-06-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nếu như Nam Định là tân binh, không "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" sớm được nhận diện ứng cử viên rớt hạng, thì XSKT.Cần Thơ, Sài Gòn, CLB TP HCM đều là đội có nhiều xáo trộn về cầu thủ và HLV.
Ngay cả khi HLV Miura công bố mục tiêu tốp 3, nhiều người đã lắc đầu và việc họ chỉ thua và hòa sau chiến thắng trên sân Nam Định tại vòng 5 cho thấy ông thầy người Nhật khó lòng tồn tại.
XSKT.Cần Thơ đang gặp khó khăn sau sự hồi hương của Hữu Dũng, tuyến giữa của đội bóng Tây Đô thiếu đi nhạc trưởng thi đấu lăn xả, cầm trịch trận đấu.
Dấu ấn Sài Gòn, SLNA
Sài Gòn vừa có một trận đấu “cứu mình và cứu V-League” khi chiến thắng đội khách Hà Nội 5-2, trong đó ngoại binh Da Sylva đã có cú poker đầu tiên của mùa giải. Phải đến vòng 16, gặp SLNA trên sân Vinh thì HLV Tài Em mới biết chắc mình đã thoát ra khỏi vòng xoáy hay chưa.
Fagan và Stevens đã đóng góp quan trọng đưa Hải Phòng lên vị trí thứ 3 V-League 2018. Ảnh: Internet |
Nhưng Tài Em đã “cứu games” khi ngắt mạch chiến thắng của Hà Nội FC, khiến V-League đáng xem hơn. 14 trận đấu vừa qua, các đội dự giải chỉ ghi được 7 bàn thắng vào lưới đội bóng Thủ Đô thì riêng học trò của Tài Em cũng đã 6 lần làm được điều đó. Sài Gòn đang là đội duy nhất lấy được 4 điểm của đội chủ sân Hàng Đẫy sau 2 lượt trận.
Trong khi đó, SLNA “chôn chân” ở 3 vị trí cuối bảng từ đầu mùa giải đang là bất ngờ lớn, bởi đội hình của họ toàn là cầu thủ tên tuổi. Chiến thắng 2-1 trước B.Bình Dương trên sân Vinh (được chọn là sân nhà của B.Bình Dương) liệu có phải là bước ngoặt hay không thì người hâm mộ xứ Nghệ còn phải chờ 2 trận gặp SXKT.Cần Thơ và Sài Gòn.
Tận dụng sân nhà, thầy trò HLV Đức Thắng phải lấy trọn 6 điểm thì may ra mới “kê cao gối ngủ” được. Tiền vệ Văn Bình đã hồi hương, giảm bớt nhiệm vụ phòng ngự cho Khắc Ngọc và Olaha. Nếu có thêm ngoại binh hay, có lẽ việc thoát hiểm của SLNA chỉ còn là vấn đề thời gian.
FLC Thanh hóa trở lại
Hải Phòng sau 4 vòng đấu đầu tiên chỉ vỏn vẹn 4 điểm thì nay họ đã kịp leo lên vị trí thứ 3 với 22 điểm. Sự có mặt của Giám đốc kỹ thuật Ngô Quang Trường đã khiến cho các cầu thủ đất Cảng thi đấu hay hơn, bớt đi lối chơi đơn điệu nhồi bóng dài cho Fagan và Stevens.
Việc Than Quảng Ninh và Hải Phòng có vị trí đầu bảng xếp hạng không làm ai ngạc nhiên bởi đã mấy mùa bóng nay họ làm được điều đó.
Bầu Khôi xuất hiện, góp phần ổn định đội bóng, đưa Sài Gòn lên vị trí thứ 12. Ảnh: AT |
Trong khi đó, FLC Thanh Hóa lại cho thấy những lùng bùng phía sau hậu trường nếu được giải quyết là cầu thủ có động lực ra sân. Khá bất ngờ, trung vệ nhập tịch Bakel được thông báo thanh lý hợp đồng nhưng rốt cuộc lại vẫn ra sân trong mấy vòng đấu vừa qua.
Người ra đi Quốc Phương xở giày và tỏa sáng trong màu áo Sài Gòn trong cuộc đối đầu với Hà Nội FC, thậm chí đã có bàn thắng gỡ hòa 1-1 rất quan trọng để Sài Gòn thắng đậm 5-2 sau đó.
Tiền vệ Văn Bình trở lại sân Vinh khoác áo SLNA đã có 15 phút thi đấu “chào sân” được coi là tròn vai. Cái chính là mất đi “công thần” nhưng FLC Thanh Hóa đã có liên tiếp 2 chiến thắng liên tiếp để trở lại đường đua bởi khoảng cách với các đội tốp 3 chỉ là 3 điểm.
Trong khi đó, các đội S.Khánh Hòa, B.Bình Dương, Quảng Nam và HAGL lại được coi là dễ đá bởi tâm lý khá thoải mái. Nếu như S.Khánh Hòa lâu nay là “ngựa ô” của các mùa giải thì B.Bình Dương đã thành công ban đầu với chiến lược dùng cầu thủ do mình đào tạo.
Đương kim vô địch Quảng Nam với khoảng cách 15 điểm so với đội đứng đầu thì việc họ cạn cơ hội bảo vệ ngôi vương chỉ là vấn đề thời gian. HAGL cho thấy, nếu muốn cải thiện thành tích thì cần phải gia cố hàng thủ, việc học viện đào tạo của họ không chú trọng đào tạo hậu vệ đã phải trả giá đắt. Các bàn thắng của HAGL rất đẹp và bàn thua cũng đẹp không kém.