Shipper - nghề kiếm bộn trong mùa World Cup
- 08:13 19-06-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhiều rủi ro thường trực nghề shipper. Ảnh: B.LOAN |
Kiếm bộn tiền từ nghề shipper
Có 2 năm sống nhờ vào nghề shipper, anh Nguyễn Cao Thương, 23 tuổi, quê ở Nam Định, đang theo học trường ĐH Văn hoá Hà Nội cho biết: “Tiền công giao hàng chủ yếu phụ thuộc vào độ dài của quãng đường di chuyển. Nếu dưới 10km thì phí ship dao động từ 30.000- 50.000 đồng, trên 10km thì tiền công ship sẽ nhiều hơn, từ 50.000- 80.000 đồng. Tháng vừa rồi nghỉ hè, em tập trung làm cũng được khoảng 11- 12 triệu đồng. Thời gian phải đi học thì chỉ làm ngoài giờ học, thu nhập cũng được 4- 7 triệu đồng/tháng”.
Anh Lê Hoài Anh (22 tuổi, ĐH Lao động – Xã hội) cho biết: “Có nhiều kiểu hoạt động shipper ship cho công ty, ship đơn lẻ và ship cho shop ruột. Ship cho công ty là công ty sẽ chủ động chia các đơn hàng theo lộ trình đường và giao cho từng người giao hàng theo lộ trình riêng rẽ. Mình chỉ tập trung “săn” đơn lẻ. Nếu quãng đường di chuyển hơn 10km thì mình thường chủ động tìm đơn ghép. Tức là nhận thêm đơn hàng có cùng cung đường di chuyển để tiết giảm chi phí. Nếu là đồ đóng đông hay dễ bị hư hỏng như hàng hải sản, đồ ăn mà cần phải đi ngay thì phí ship sẽ cao hơn.”.
“Ở góc độ sinh viên thì nghề shipper đúng là “cứu cánh” cho chúng em vì thời gian rất linh động, thu nhập theo công sức mình làm lại không bị gò bó. Đặc biệt là những ngày lễ hay mùa World-cup, chúng em phải tranh thủ “săn” đơn, chủ yếu tập trung đồ ăn, đồ nhậu phục vụ những người xem bóng đá đêm. Chăm chỉ giao hàng đến 11h, 12h đêm, thu nhập mỗi tối cũng được khoảng 300.000- 500.000 đồng. Thu nhập có thể sẽ khá hơn nếu khách hào sảng boa thêm”, Nguyễn Cao Thương bày tỏ.
Cũng theo Cao Thương, hoạt động shipper luôn phải chuẩn bị khoản tiền để ứng trước cho các chủ hàng. Đồng thời, để săn được nhiều đơn hàng, các shipper còn tham gia nhiều hội nhóm về “Ship tìm người – Người tìm ship”, Grab Shipper hoặc sử dụng các ứng dụng như Săn ship, 5ship, ship-pro... để nhanh tay “săn” đơn hàng.
“Không biết khi nào vướng vòng lao lý!”(?)
Để đảm bảo chi phí sinh hoạt tại Thủ đô và theo đuổi việc học hành, anh Lại Xuân Huy (29 tuổi, quê ở Tuyên Quang) đã từng có nhiều năm “gắn mình” với nghề xe ôm và công việc giao hàng sau mỗi giờ học. Chia sẻ với Báo Gia đình & Xã hội, anh Huy cho biết: “Có rất nhiều cạm bẫy rình rập các shipper như gian lận, lừa đảo, cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến xô xát... Lừa đảo rất đa dạng với nhiều hình thức như ship phải hàng cấm, hàng giả hay vô tình cầm phải tiền giả thì người thiệt hại nhất vẫn là shipper. Làm nghề shipper mà “tranh thủ” làm đêm thì không biết khi nào vướng vòng lao lý. Ví dụ, chủ hàng với khách mua hàng móc nối nhau để lừa shipper, hình thức lừa này rất phổ biến, nhất là với những shipper mới vào nghề, vì shipper phải ứng tiền trả tiền hàng trước cho khách. Hoặc ship phải hàng cấm, chất ma tuý, hình thức lừa này có 2 dạng là hàng cấm có thật và hàng cấm giả”.
Huy phân tích: “Hàng cấm có thật là bên ngoài có thể được bọc kỹ càng nhưng bên trong lại chứa hàng cấm như heroin, ma tuý... Trong trường hợp bất lợi bị các lực lượng chức năng tuần tra kiểm tra thì shipper vô tình bị khép vào tội vận chuyển, tàng trữ chất cấm. Trong hoàn cảnh này, shipper rất khó để giải thích, thanh minh vì người giao hàng và nhận hàng đều chủ ý sử dụng sim rác để giao dịch. Trường hợp hàng cấm giả là vô tình vận chuyển chất cấm nhưng thay vì có ma tuý được gói bên trong gói hàng thì chủ hàng lại chủ ý gói sản phẩm khác. Khi người nhận hàng kiểm tra không có ma tuý, chất cấm như thoả thuận ban đầu thì shipper không tránh khỏi bị đánh trọng thương. Bản thân mình đã gặp một lần khi mới làm nghề giao hàng. Nhưng do sự nhạy bén và linh tính mách bảo nên đã chủ động đến Công an phường trình báo, rất bất ngờ là trong gói hàng mình giao dịch có 12 viên ma tuý và bản thân mình cũng may mắn thoát khỏi án hình sự”.
Mạng lưới shipper ngày càng dày đặc cũng không thể tránh khỏi việc cạnh tranh đơn hàng giữa các shipper, dẫn đến xảy ra xô xát, nhất là với những người mới vào nghề, tư tưởng làm nghề còn mang tính chộp giật hoặc xuất phát từ sự chủ quan của chủ hàng. Ngoài ra, tai nạn giao thông với những shipper “ôm” quá nhiều đơn hàng, tham gom đơn (còn gọi là đơn chùm theo khu vực)”.
“Trong mùa World Cup, khối lượng các đơn hàng đồ ăn đêm sẽ tăng nhiều so với ngày thường, chính vì vậy, các shipper làm thêm buổi tối chủ yếu là ship đồ ăn phục vụ những người xem bóng đá. Có những hôm không may mắn cũng bực mình lắm. Bỏ tiền ra ứng tiền hàng cho khách mà đến nơi, khách tắt điện thoại hoặc không nghe máy. Cày cuốc chầy chật cả ngày được vài ba trăm ngàn mà lại bị khách “bỏ bom”, coi như tự thưởng cho bản thân món đồ ăn ngoài ý muốn cuối ngày làm việc vậy!”, Lê Hoài Anh giãi bày.
Cách phòng tránh rủi ro Sự va vấp từ những rủi ro, cạnh tranh và các mánh khoé lừa lọc là tiền đề, bàn đạp để Lại Xuân Huy bén duyên với nghề truyền dạy côn nhị khúc. Huy chia sẻ: “Nếu không đủ tinh tường, nhạy bén và không có sức khoẻ thì rất khó để hoàn thành công việc shipper. Ngoài việc dày dặn kinh nghiệm trong cuộc sống, người giao hàng cần phải có bản lĩnh, không bị cám dỗ bởi đồng tiền, đừng thấy phí ship cao mà ham, không tham gom đơn hàng. Mỗi đơn hàng có giá trị hay shop có uy tín cũng đều phải kiểm tra kỹ hàng trước khi nhận đơn. Đặc biệt, shipper cần phải có sự tinh nhạy trong nghề để đề phòng nhận đơn hàng cấm. Nếu có, cần phải đến cơ quan chức năng gần nhất để trình báo. Ngoài ra, shipper cần tự trang bị cho mình 1 môn võ thuật phù hợp, vừa để tăng cường thể lực, vừa tăng cường sự tinh nhạy, linh hoạt trong nghề”. Theo kinh nghiệm của một số shipper lâu năm, để “tiền đi – tiền đến” chắc chắn là làm “ship ruột” cho vài địa chỉ bán hàng, hoặc chủ động hạ phí ship cho chủ hàng để lấy uy tín, tìm kiếm các mẹo chốt đơn hàng nhanh nhất như cài đặt chế độ nhận tất cả các thông báo mới trong các cộng đồng shipper. |