Vụ cô gái bị lột đồ giữa đường: Có dấu hiệu tội Làm nhục người khác
- 16:11 15-06-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Liên quan đến vụ cô gái bị lột đồ, xát ớt, đổ nước mắm lên người bị cho là đánh ghen ở Thanh Hóa, chiều (14/6), chị L.T.G. (28 tuổi), trú tại phường Trường Thi, TP Thanh Hóa, (nạn nhân) đã có đơn gửi cơ quan chức năng với nội dung "Tố giác tội phạm và đề nghị khởi tố vụ án". Trong đơn, chi G. cũng phủ nhận thông tin mình bị đánh ghen và cho rằng, có người cố tình dựng lên vụ đánh ghen trên để hạ uy tín của chị.
Hình ảnh đánh ghen được lan truyền trên mạng |
Bản chất của đánh ghen là đánh người
Xung quanh vụ việc gây xôn xao dư luận này, luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính pháp Hà Nội cho rằng, trong hoàn cảnh này, dù người bị hại không có đơn trình báo thì cơ quan công an vẫn có thể vào cuộc xác minh, làm rõ hậu quả đã đến mức “nghiêm trọng” hay chưa để xử lý người đánh ghen về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Theo luật sư Cường, bản chất của đánh ghen là đánh người, xâm phạm tới tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác: “Đánh người nơi công cộng vì bất cứ lý do gì cũng là hành vi gây rối trật tự công cộng. Bởi vậy, dù nguyên nhân của hành vi đánh người là do ghen tuông, mâu thuẫn làm ăn hay do những mâu thuẫn, lý do khác thì người “đánh ghen” (đánh người) gây thương tích hoặc xâm hại nghiêm trọng danh dự nhân phẩm của người đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính pháp Hà Nội |
Luật sư Cường cho biết thêm, nếu hậu quả trong vụ “đánh ghen” chưa đến mức nghiêm trọng, chưa đủ căn cứ để xử lý đối tượng về tội cố ý gây thương tích, tội làm nhục người khác hoặc tội gây rối trật tự công cộng thì người có hành vi đánh vẫn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 5 nghị định 167/2013/NĐ-CP Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, mức phạt từ 300.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Trong trường hợp nạn nhân có thương tích từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm k, khoản 1, Điều 134 BLHS thì người đánh ghen sẽ bị xử lý về tội cố ý gây thương tích.
Trong trường hợp không đủ mức độ thương tích để xử lý về tội cố ý gây thương tích thì vẫn có thể xem xét xử lý đối tượng về tội làm nhục người khác theo quy định của bộ luật hình sự, phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Cường cho rằng, pháp luật chỉ cho phép đối thoại, hòa giải để giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong hôn nhân, chứ tuyệt đối không cho phép đánh người khác vì ghen tuông, không cho phép xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, tính mạng, sức khỏe người khác vì ghen tuông, bức xúc.
“Việc đánh ghen sẽ biến người đúng thành sai. Pháp luật không cho phép sử dụng một hành vi vi phạm pháp luật để giải quyết đối với một hành vi vi phạm pháp luật. Người nào cố tình đánh ghen, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác hoặc xâm hại tính mạng, sức khỏe người khác thì tùy vào tính chất mức độ hành vi, tùy thuộc vào hậu quả và nhân thân của người vi phạm thì người vi phạm sẽ phải chịu chế tài hành chính hoặc hình sự”- luật sư Cường nói.
Có dấu hiệu của tội "Làm nhục người khác"
Đồng tình quan điểm luật sư Đặng Văn Cường, luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh cho rằng, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng, tài sản của người khác.
Do đó, đối với vụ việc xảy ra tại Thanh Hóa vừa qua, những người khác không có quyền thực hiện các hành vi như như đánh đập, lột quần áo, đổ nước mắm vào chị G.
Theo luật sư Thanh, với những hình ảnh thể hiện trong clip, có thể thấy rằng những người xâm phạm đến chị G. đã có dấu hiệu của tội "Làm nhục người khác" được quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự.
Ngoài ra, nếu trang phục của chị G bị những người này cắt xé, làm hư hỏng có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên, họ còn có thể bị xử lý về tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" theo Điều 178 Bộ luật hình sự.
Luật sư Đặng Văn Cường, luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh |
Trong trường hợp sau khi bị hành hung, nếu chị G được cơ quan chức năng xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên, luật sư Thanh cho rằng, những người hành hung chị G còn có thể bị xử lý hình sự về tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác" theo Điều 134 Bộ luật hình sự.
“Như vậy là chỉ để thỏa mãn cơn tức giận dù xuất phát từ bất cứ nguyên nhân nào, những người xâm phạm đến sức khỏe, tài sản, danh dự nhân phẩm của chị G đã phải đối diện với nguy cơ bị pháp luật trừng phạt. Đến lúc này có hối hận thì cũng đã muộn”- luật sư Thanh nói.
Tối 12/6 trên mạng xã hội xuất hiện clip quay cảnh một cô gái trẻ bị nhóm phụ nữ đánh dã man trên đường Cao Thắng, TP Thanh Hóa. Cô gái bị nhóm phụ nữ chửi thậm tệ rồi xúm vào túm tóc, hành hung, lột quần áo. Sau đó nhóm phụ nữ này đổ nước mắm, xát ớt bột lên người nạn nhân. Liên quan đến vụ việc, Đại tá Nguyễn Chí Phương - trưởng Công an TP Thanh Hóa, cho biết công an thành phố sẽ xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật./. |