Nghệ An: Dân tố bị giả mạo chữ ký trục lợi tiền tỷ đền bù
- 13:03 14-06-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông Hùng bức xúc chỉ về mảnh đất nơi các hộ dân chưa được nhận bồi thường GPMB mà đã bị đổ đất san lấp |
Khi được bồi thường từ Dự án kênh thoát nước Nghi Kim - Nghi Vạn, thay vì thực hiện chi trả cho các xã viên theo quy định, Ban quản lý HTX đã giả mạo chữ ký của xã viên để giao đất và nhận tiền bồi thường. Sự việc được người dân phát hiện 5 năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Dân tố HTX giả mạo chữ ký
Theo phản ánh của các hộ gia đình thuộc xóm Vinh Xuân (xã Hưng Đông, TP Vinh, Nghệ An), năm 2012, khi dự án xây dựng kênh thoát nước Nghi Kim - Nghi Vạn được triển khai, Ban quản lý Hợp tác xã Đông Vinh (thuộc xã này) đã giả mạo chữ ký trong danh sách 52 hộ dân được bồi thường giải phóng mặt bằng để tư lợi.
Dự án kênh thoát nước Nghi Kim - Nghi Vạn do UBND TP Vinh làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư lên đến hơn 40 tỷ đồng (trong đó kinh phí bồi thường GPMB là 12,4 tỷ đồng). Dự án bắt đầu tiến hành GPMB từ năm 2012, thi công năm 2013. Riêng đoạn qua xã Hưng Đông dài 500m đã chi trả bồi thường xong từ giữa năm 2013 với số tiền lên đến 2,4 tỷ đồng. |
Ông Phó Đức Trung (SN 1953, trú xóm Vinh Xuân, là xã viên HTX Đông Vinh) cho biết: "Cuối năm 2012, chúng tôi được biết, sắp tới sẽ có dự án xây dựng kênh thoát nước đi qua phần đất sản xuất của gia đình. 52 hộ có đất trong phạm vi dự án sẽ bị thu hồi đất và được bồi thường bằng tiền mặt.
Tuy nhiên, suốt thời gian sau đó, chúng tôi cũng không thấy xã hay HTX nhắc đến việc này. Đến giữa năm 2013, đột nhiên một số người trong ban quản lý HTX Đông Vinh gọi xã viên tới để phát tiền đền bù. Do không biết tiền gì nên chúng tôi nhất quyết không nhận. Chúng tôi chưa từng ký bất cứ giấy tờ gì liên quan đến dự án này, nhưng trong danh sách nhận tiền lại có tên và chữ ký giả mạo của gia đình tôi".
Tương tự, ông Trần Đức Hùng (1962) và ông Phạm Văn Thái (1969) là 2 hộ có tên, chữ ký trong danh sách nhận tiền bồi thường cũng khẳng định: “Chưa từng ký vào văn bản này và cũng chưa từng nhận tiền từ HTX”.
Khi phát hiện sự việc, người dân đã yêu cầu HTX và xã giải thích rõ nhưng không được đáp ứng. Họ đã làm đơn tố cáo lên thành phố, tỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
“Giả chữ ký nhưng không trục lợi”!?
Cũng theo đơn thư tố cáo, các giấy tờ có chữ ký giả mạo đều có chữ ký, đóng dấu của chủ nhiệm HTX, kế toán trưởng và Trưởng ban kiểm soát. Tổng số tiền trong danh sách bồi thường cho 52 hộ lên đến hơn 1,8 tỷ đồng. Hiện, số tiền này ở đâu, được sử dụng như thế nào thì những người tố cáo không hay biết. Cũng vì sự việc kéo dài không được giải quyết nên đến nay, dự án kênh thoát nước liên tục bị chậm tiến độ.
Ông Trần Xuân Lễ, Trưởng Ban QLDA Đầu tư và xây dựng TP Vinh, đại diện chủ đầu tư dự án thừa nhận: "Theo hợp đồng thì thời gian thi công dự án là 12 tháng, nhưng do xảy ra sự việc ở xã Hưng Đông nên dự án bị vỡ tiến độ. Đến nay đã qua 6 năm nhưng chúng tôi cũng chưa biết khi nào dự án có thể hoàn thành".
Nhận trách nhiệm của địa phương trong vụ việc không ngăn chặn kịp thời việc làm trái quy định của HTX Đông Vinh, nhưng ông Trần Anh Tấn, Chủ tịch UBND xã Hưng Đông lại cho rằng: "Dù HTX làm sai nhưng không có dấu hiệu trục lợi. Sự việc xảy ra từ nhiệm kỳ của chủ tịch trước. Sau khi nhận được đơn thư, xã cũng đã làm việc với Ban quản lý HTX và họ có thừa nhận đã giả mạo chữ ký của các hộ dân. Tuy nhiên, số tiền này sau đó đã được chia đều cho toàn bộ xã viên. Cách chia tiền theo kiểu cào bằng này tuy không đúng quy định, nhưng được HTX này áp dụng từ khi thành lập".
Theo ông Tấn, lúc xảy ra sự việc xã cũng đã báo cáo cấp trên và mời công an thành phố về điều tra. Hiện, đoàn thanh tra UBND thành phố đang làm việc với người dân. "Việc xác định sai phạm, xử lý trách nhiệm của những người có liên quan phải chờ kết luận của đoàn thanh tra", ông Tấn cho biết.