Đại biểu Nghệ An góp ý gì vào dự án Luật Phòng, chống tham nhũng?
- 20:45 13-06-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền. Ảnh: Diệp Anh |
Theo Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Nguyễn Thanh Hiền, việc mở rộng phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước cũng sẽ bảo đảm đồng bộ với Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định trách nhiệm hình sự của người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước về các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ yêu cầu tại Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.
“Một trong những yêu cầu công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay là phải ngăn chặn được việc tẩu tán tài sản hoặc hạn chế được thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra”, ông Hiền nhấn mạnh.
Đại biểu Hiền nêu thực tế: Mặc dù hoạt động thanh tra, kiểm toán đã phát hiện những hành vi vi phạm có liên quan đến tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức nhưng kết quả thực hiện vẫn tập trung nhiều vào việc xác định mức độ vi phạm và việc áp dụng hình thức xử lý vi phạm hơn là ngăn chặn tình trạng tẩu tán tài sản và thu hồi tài sản hoặc hạn chế thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra.
“Báo cáo tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng cho thấy tỷ lệ thu hồi sau thanh tra, kiểm toán và thông qua các hoạt động xét xử các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong thời gian vừa qua còn thấp và chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, hậu quả của hành vi tham nhũng gây ra cho Nhà nước, cho người dân, doanh nghiệp, xã hội là rất lớn nhưng hiệu quả phòng ngừa hoặc áp dụng các biện pháp khắc phục còn nhiều hạn chế. Đây là vấn đề cử tri và nhân dân hết sức bức xúc”, đại biểu đưa dẫn chứng.
“Do đó, cùng với các quy định về xử lý hành vi tham nhũng được phát hiện qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán tại Điều 63, Điều 70 của dự thảo luật, cần bổ sung các quy định về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ có dấu hiệu tội phạm do cơ quan thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị”, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền đề nghị.
Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang. Ảnh: Diệp Anh |
Tham gia thảo luận về dự án luật này, ĐBQH Hoàng Thị Thu Trang - Cục trưởng Cục Thi hành án Nghệ An nhấn mạnh: Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ thì qua 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, chúng ta thu hồi được khoảng 4.600 tỷ đồng/59.000 tỷ đồng tức là chỉ đạt 8%. Như vậy, theo logic bài toán đặt ra trong lần sửa luật này là phải có giải pháp khắc phục, trong đó có giải pháp về thể chế.
“Tuy nhiên, nghiên cứu dự thảo lần này tôi thấy chưa tập trung nhiều nội dung này mà chủ yếu viện dẫn quy định hiện hành”, đại biểu Trang đánh giá.
Về tài sản kê khai không trung thực và tài sản thu nhập tăng thêm không giải trình được nguồn gốc hợp lý được quy định tại Điều 59 dự thảo, đại biểu cho rằng cần tách ra 2 tình huống.
Tình huống thứ nhất là tài sản kê khai không trung thực, đây là hành vi vi phạm pháp luật Phòng, chống tham nhũng và các hình thức xử lý được quy định rõ tại Điều 118 dự thảo. Tình huống thứ hai là tài sản thu nhập tăng thêm nhưng không giải trình được nguồn gốc hợp lý. Đây là vấn đề nhiều cử tri, ĐBQH, các chuyên gia quan tâm nhưng đến nay vẫn chưa ngã ngũ.
“Nhiều đại biểu nêu, trước hết luật phải xác định thế nào là hợp lý. Theo tôi, đó là thước đo để xác định tính pháp lý của tài sản thu nhập, từ đó xác định được phương án xử lý là đánh thuế hay phạt hành chính hay thu hồi. Còn nếu không các phương án đưa ra mới chỉ phù hợp với nguyện vọng của cử tri, chưa phù hợp thực tiễn, nó đang non về cơ sở pháp lý... Tuy nhiên, ở nước ta xác định không phải dễ vì các đặc thù như thói quen tích cóp, dành dụm, tặng cho bằng tiền mặt. Quyền sở hữu tài sản nghĩa vụ chứng minh vi phạm pháp luật trong pháp luật nước ta có những đặc thù so với các nước khác. Do đó, cần thận trọng từng bước tiếp tục nghiên cứu, xây dựng quy định này. Đồng thời, cần tập trung để có quy định thu hồi tài sản tham nhũng có hiệu quả’’, ĐBQH Hoàng Thị Thu Trang nhấn mạnh..
Mặt khác, đại biểu cũng đề xuất cần có quy định cụ thể về điều kiện, quy trình, thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản tham nhũng. “Thực tiễn chứng minh cho đến giai đoạn thi hành án dân sự thì đa số tài sản đều đã được chuyển dịch và tẩu tán nên cần phải quy định cụ thể về thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện các biện pháp ngăn chặn, tẩu tán tài sản ngay trong luật này. Việc này sẽ tạo hành lang pháp lý để các cơ quan yên tâm thực hiện, nâng cao trách nhiệm trong việc ngăn chặn tẩu tán tài sản và tránh tùy tiện trong thực hiện nhiệm vụ”, đại biểu Trang thông tin.