Bệnh thành tích: Do nhà giáo bị quá nhiều ràng buộc?
- 09:17 12-06-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Về bài toán bảo đảm chất lượng học sinh khắc phục "bệnh thành tích", đại biểu Quốc hội Đặng Xuân Phương cho rằng, tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp, học thêm, dạy thêm tràn lan,… đều có liên quan một vấn đề đó là việc các nhà giáo thiếu quyền tự chủ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và mặt khác là cơ chế kiểm soát việc thực hiện quyền tự chủ của nhà giáo như thế nào.
Đại biểu Quốc hội Đặng Xuân Phương (đoàn Đắk Lắk). |
Theo đại biểu, mặc dù Điều 10 Luật Giáo dục 2005 có quy định nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục nhưng thực tế lại cho thấy có quá nhiều ràng buộc hạn chế nhà giáo hoàn thành được vai trò của mình.
“Tôi cho rằng chính việc giáo viên không được trao đủ quyền để chủ động trong việc đánh giá xếp loại học sinh ở cấp THCS và THPT mà bị gò ép theo các tiêu chí về thành tích của nhà trường, của từng giáo viên cũng như mong muốn của cha mẹ học sinh đã dẫn đến hiện tượng học sinh ngồi nhầm lớp. Chính việc quá coi trọng thành tích mà không chú ý đến thực chất trong chất lượng đào tạo đã dẫn đến việc các địa phương buộc phải làm ngơ trước tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, coi đây như một biện pháp để vừa cải thiện thu nhập cho giáo viên, vừa để bổ túc cho những học sinh tuy đạt khá, giỏi mà vẫn không biết đọc thông, viết thạo như báo chí đã phản ánh thời gian qua. Xét về tổng thể thì điều này đã khiến cho lãng phí nguồn lực của xã hội”.
Do đó vị này đề nghị trong dự án luật nên có quy định trao quyền cho nhà giáo được đánh giá đúng thực chất năng lực học sinh nhưng đi liền là việc phải quy định nguyên tắc sau:
Thứ nhất, nên cho phép các giáo viên đứng lớp được dạy thêm đối với những học sinh xếp loại yếu kém do mình trực tiếp quản lý.
Thứ hai, không bắt buộc việc dạy thêm đối với học sinh khá và trung bình. Còn đối với học sinh đã xếp loại xuất sắc và giỏi thì nghiêm cấm việc giáo viên trực tiếp quản lý được dạy thêm. Đối với học sinh giỏi, xuất sắc nếu muốn học thêm để nâng cao trình độ thì phải tự học hoặc có nhà giáo khác kèm riêng.
“Tôi hy vọng việc quy định nguyên tắc trên trong Luật Giáo dục sẽ làm cho công tác giáo dục ở nước ta trở lên thực chất hơn”, đại biểu Đặng Xuân Phương chia sẻ.
Mặt khác, đại biểu cũng cho rằng cần có quy định để kiểm soát việc lạm quyền của giáo viên bằng các điều kiện bảo đảm tính công bằng trong việc đánh giá, xếp loại học sinh để tránh tình trạng thiếu khách quan, trù dập học sinh.
“Tôi đề nghị Ban soạn thảo luật cần nghiên cứu tiếp tục, tính đến cơ chế trả lương cho nhà giáo theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ đào tạo dựa trên việc cho các nhà trường được tổ chức phân loại lớp học theo năng lực học tập bình quân của học sinh trên lớp hàng năm. Cách làm này ở nước ngoài và các cơ sở giáo dục ngoài công lập đã áp dụng và đã thu những kết quả tốt”, vị này nói.
Đại biểu này đề nghị Ban soạn thảo dự án luật cần tiếp tục nghiên cứu để có thêm những cơ chế, chính sách cụ thể nhằm giải quyết được mối quan hệ công tác giữa giáo dục và kết quả cuối cùng của sản phẩm giáo dục. “Đó chính là tính chủ động, sáng tạo và năng suất lao động của người học, sau khi đã ra trường bước vào làm chủ cuộc đời của mình khi đến tuổi trưởng thành”.
Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định): Cần tăng quyền tự chủ cho các trường phổ thông Quyền lựa chọn nội dung và cách thức thực hiện phải do nhà trường phổ thông tự quyết định. Cũng khi đó, sự phân cấp, phân quyền cho các cơ sở giáo dục phổ thông sẽ rõ nét hơn, tăng tính tự quyết, tự chịu trách nhiệm mà vẫn đảm bảo theo hướng nguồn lực được đáp ứng theo nhu cầu của xã hội. Do đó, tôi đề nghị bổ sung quy định vào dự thảo luật cụ thể là: "Giao cho các trường phổ thông được tự chủ về học thuật, về chương trình, phù hợp với nhu cầu xã hội trong từng thời kỳ".
Bên cạnh đó, để thực hiện quyền tự chủ tại trường phổ thông, để dự thảo luật có quy định khi ban hành hiệu lực được cụ thể hóa cần điều chỉnh các văn bản dưới luật cho thống nhất với tinh thần của dự thảo. Rút kinh nghiệm thời gian qua nhiều văn bản dưới luật không quy định được nội dung có liên quan này. Ví dụ, trong điều lệ trường phổ thông thiếu các quy định về thực hiện quyền tự chủ. Theo quy định luật sửa đổi, bổ sung năm 2009, một số nghị định của Chính phủ từ Nghị định 43 năm 2006 đến Nghị định 16 năm 2005 vẫn nhìn nhận trường phổ thông như một đơn vị chịu trách nhiệm thi hành mệnh lệnh về hành chính hay chuyên môn từ cơ quan quản lý cấp trên mà không quy định mức độ tự chủ của các trường này. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên): Cẩn thận "đem con bỏ chợ" Hiện tại có hai hướng các trường mạnh thì rất muốn tự chủ hoàn toàn nhưng đa phần các trường từ cấp phổ thông cho tới cấp đại học thì chưa thực sự chuẩn bị đủ về nguồn lực để tự chủ, chỉ muốn tự chủ có một phần, ở đây cơ sở nguồn lực từ chỉ tiêu tuyển sinh vào trường do Bộ khống chế. Hai là chi lương cho giáo viên và cơ sở vật chất. Cho nên các trường này chưa muốn tự chủ hoàn toàn và chỉ muốn tự chủ một phần.
Nếu như chúng ta mạnh dạn trao quyền tự chủ cho các trường này mà các trường này chưa đủ khả năng thì như vậy khác nào đem con bỏ chợ. Cho nên theo tôi không nên mạnh dạn trao hẳn quyền tự chủ. Đại biểu Phan Trọng Nhân (đoàn Bình Dương): Đã đến lúc phải bỏ sự cũ kỹ của các phương thức giáo dục Đã đến lúc phải từ bỏ sự cũ kỹ của các phương thức giáo dục và xem xét lại cách thức đánh giá, nhận xét đạo đức hạnh kiểm hiện nay. Chúng ta hãy trả lại cho giáo dục một môi trường vẹn tròn tình yêu thương và luôn được trân quý mà đương nhiên ở đó phải có.
Làm sao để có một đội ngũ nhà giáo đủ tâm đức, một thế hệ học sinh tự tin, có phương pháp tư duy độc lập, sáng tạo với khả năng tự nghiên cứu, học tập suốt đời để kết nối với thế giới tri thức bên ngoài vẫn còn là câu hỏi rất lớn cho dự luật lần này. |
Ảnh: Minh Đạt