Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Tăng diện tích cam, ổi sản xuất theo hướng hữu cơ

Mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hướng hữu cơ thay thế thuốc BVTV hóa học bằng thuốc có nguồn gốc sinh học được Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh Nghệ An triển khai thí điểm tại xã Nghĩa Hiếu, Nghĩa Đàn và Minh Hợp, Quỳ Hợp cho kết quả tốt.

Nghệ An hiện có 5.589 ha cam, tập trung ở các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Yên Thành, Con Cuông… Gần đây, tình trạng suy thoái của cây cam trên những diện tích mới bắt đầu, thậm chí chưa cho thu hoạch diễn ra phổ biến.

Riêng trong năm 2017, toàn tỉnh có 4.400 ha cam bị nhiễm bệnh Greening, trong đó có vùng tỷ lệ nhiễm lên đến 70%; hơn 4.000 ha cam bị bệnh vàng lá, thối rễ; 100 ha nhiễm bệnh loét, sẹo, sâu vẽ bùa. Ngoài ra, nhện và rầy chổng cánh gây hại trên cam làm giảm năng suất, chất lượng cam quả.

 Phun thuốc trừ sâu sinh học cho vườn cam tại Nghĩa Hiếu, Nghĩa Đàn. Ảnh: Phú Hương

Đầu năm 2017, toàn bộ 1,2 ha cam mới được trồng từ tháng 8/2016 của gia đình ông Đỗ Hồng Công, xóm Trung tâm, xã Nghĩa Hiếu, Nghĩa Đàn có nguy cơ bị “xóa sổ’ hoàn toàn.

Ông Công được hướng dẫn thay thế hoàn toàn phân bón và thuốc BVTV hóa học bằng thuốc sinh học thấy lá cam xanh trở lại, nhất là lá ra mới không có biểu hiện bệnh. Ông mở rộng áp dụng trên cả 1,2 ha cam bị bệnh, đến nay vườn cam không những phục hồi hoàn toàn mà còn có độ bền rất tốt, lá xanh, phát triển ổn định, ít sâu bệnh.

Hiện cam đã bắt đầu có quả, chín bói, kích cỡ và phân bố quả rất đều, dự kiến năm nay thu khoảng 15 tấn, lãi ròng 200 triệu- 250 triệu đồng; ngoài ra còn thu thêm khoảng 40 tấn ổi trồng xen trong vườn cam cũng áp dụng phương pháp chăm bón hữu cơ.

 Ổi trồng xen cam theo hướng sản xuất hữu cơ có năng suất cao, chất lượng tốt. Ảnh: Phú Hương

Kết quả qua hơn 1 năm thực hiện cho thấy, độ phì nhiêu của đất tăng, cây phát triển tốt, cơ bản quản lý được sâu bệnh hại và hạn chế khả năng bùng phát dịch bệnh, làm giảm sự thoái hóa đất, giống cây và giúp sản phẩm đạt chất lượng cao hơn.

Theo ông Phan Duy Hải - Phó Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, từ 1.000 m2 thí điểm ban đầu, đến nay diện tích cây ăn quả áp dụng phương pháp sinh học, sản xuất hữu cơ đã nâng lên 7,5 ha ở cam và ổi xen cam. Những hộ dân áp dụng thấy rõ hiệu quả nên tiếp tục nhờ ngành chức năng tư vấn, áp dụng.

 Dùng máy khoan để bón phân hữu cơ cho cam tại Nghĩa Hiếu. Ảnh: Phú Hương