Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Trụ sở 33 tỷ bỏ hoang cho trâu bò tránh nắng

Trụ sở hành chính, trường học, trạm xá xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) được xây dựng 8 năm trước, với mức kinh phí 33 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn đang bỏ hoang, làm chỗ cho trâu bò tránh nắng.

Năm 2010, UBND tỉnh Hà Tĩnh thực hiện chương trình di dời hàng trăm hộ dân xã Kỳ Lợi lên khu tái định cư thuộc phường Kỳ Trinh để lấy đất cho công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh thuê.

 


 Trụ sở UBND xã được xây dựng hoành tráng rồi bỏ không, làm nơi trâu bò tránh nắng

Nằm trong chương trình này, trụ sở xã, trường học, trạm y tế xã Kỳ Lợi thuộc khu tái định cư Tân Phúc Thành được xây dựng đồng bộ với mức kinh phí 33 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay chưa di dời xong các hộ dân nên trụ sở UBND xã xây dựng 3 tầng khang trang, bên cạnh đó là trạm y tế xã, trường học vẫn đang bỏ hoang, làm nơi cho bò vào tránh nắng.

Đặc biệt, nhiều hạng mục của công trình đồng bộ nói trên chưa đi vào hoạt động ngày nào nhưng đã xuống cấp. Hệ thống cửa gỗ của trụ sở xã bị mục nát, kính cửa vỡ, rạn; hạng mục gạch lát nền đã bong tróc, sụt lún. Một số thiết bị khu vệ sinh hư hỏng.

 

 Nhiều hạng mục hư hại

Ngoài ra, hội trường của UBND xã cũng xuống cấp. Hệ thống cửa gỗ, trần nhà hư hỏng, bong tróc thành từng mảng lớn, xung quanh vương vãi gạch ngói.

Ông Trần Văn Lâm, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Lợi cho biết, do chưa di dời hết người dân lên vùng tái định cư nên cán bộ xã vẫn chưa đến trụ sở mới làm việc.

“Trạm xá xã cũng không sử dụng vì người dân ở khu tái định cư không có nhu cầu. Dãy nhà 2 tầng với 8 phòng học dành cho học sinh cấp 2 cũng đang bỏ hoang”, ông Lâm nói.

Do chưa di dời hết dân

Ông Phan Duy Vĩnh, Phó chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết, dự án di dời dân thuộc dự án cảng Sơn Dương của Formosa, công trình do Ban quản lý khu kinh tế tỉnh làm chủ đầu tư. Sau khi xây dựng xong giao cho UBND xã Kỳ Lợi quản lý.

Nguyên nhân khiến các công trình đồng bộ bị bỏ hoang vì chưa thực hiện xong việc di dời dân.

 Trần nhà bong tróc 

“Di dời dân phụ thuộc vào chủ trương từng giai đoạn của dự án, lấy đất đến đâu và thực hiện giải ngân đến đâu sẽ di dời đến đó. Hiện có khoảng 600 hộ dân Tân Phúc Thành 2, 3 chưa di dời lên khu tái định cư”, ông Vĩnh nói.

Quá trình triển khai thực hiện, trong số 158 hộ dân thôn Đông Yên, vẫn còn một số hộ dân ở thôn này chưa chịu di dời lên khu tái định cư.

Hiện người dân 2 thôn trên đã đồng thuận di dời, nhưng đang vướng một số chính sách bồi thường. Hộ nào không vướng, thị xã sẽ tập trung tuyên truyền và di dời lên trước. Hộ nào vướng sẽ tập trung vận động, tuyên truyền đúng theo chế độ chính sách hiện hành.

 

“Nếu nói họ không chịu di dời thì không đúng, hiện nay có một số hộ dân đang vướng các kiến nghị liên quan đến bồi thường đất đai và những vấn đề phát sinh. Theo quy định của nhà nước, những công trình xây dựng phát sinh sau khi có quy hoạch khu vực đó thì không được bồi thường”, ông Vĩnh cho biết thêm.

Lý do khiến công trình 33 tỷ xuống cấp, ông Vĩnh cho hay do ảnh hưởng của cơn bão số 10 nên một số hạng mục bị hư hỏng.

“Hiện vẫn chưa có kinh phí sửa chữa. Theo dự kiến, sau nay sẽ chuyển toàn bộ khu hành chính của xã Kỳ Lợi về đây”, ông Vĩnh nói.