Ông Phùng Xuân Nhạ: Là bộ trưởng, tôi rất phản đối bạo hành trẻ mầm non
- 10:47 06-06-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng nay 6-6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ba nhóm vấn đề các đại biểu quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gồm: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non; giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.
Đại biểu (ĐB) K'Nhiễu (Lâm Đồng) tham gia chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về các bất cập của giáo dục mầm non trong thời gian qua. "Giáo dục mầm non thời gian qua xảy ra nhiều tiêu cực, làm giảm niềm tin của cử tri đối với ngành giáo dục. Bộ trưởng có giải pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mầm non?".
Đại biểu K'Nhiễu chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về những bất cập của giáo dục mầm non |
Trả lời chất vấn của ĐB K'Nhiễu, người đứng đầu ngành giáo dục đào tạo thừa nhận giáo dục mầm non trong thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc gây bức xúc trong dư luận. Bộ trưởng Nhạ cho biết cả nước hiện nay có hơn 15.000 cơ sở giáo dục mầm non với hơn 337.000 giáo viên.
Cơ bản các thầy cô đều rất tâm huyết với công việc, yêu nghề mến trẻ. Tuy nhiên đã xuất hiện số giáo viên mầm non bạo hành trẻ. Những vụ việc bạo hành chủ yếu xảy ra ở nhóm trẻ độc lập tư thục. "Với vai trò là bộ trưởng, tôi khẳng định những vụ việc bạo hành trẻ mầm non là không thể chấp nhận được, tôi rất phản đối"- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Theo ông Nhạ, Bộ GD-ĐT sẽ kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên không đủ năng lực, kém phẩm chất. Các cơ sở vi phạm phải đình chỉ, thậm chí giải thể, đóng cửa.
Nói về các giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng cần phải thực hiện nhiều giải pháp cả trong và ngoài ngành. Trong đó, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là quan trọng nhất.
"Giáo viên phải được quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên. Ngoài ra, chế độ cho đội ngũ giáo viên mầm non còn thấp, phải cải thiện để họ yên tâm làm nghề. Mức đãi ngộ thấp cũng là một trong những áp lực. Chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Nội vụ về chế độ đãi ngộ, chính sách cho giáo viên mầm non"- Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trả lời chất vấn.
Trăn trở về những khó khăn của lĩnh vực giáo dục mầm non đang gặp phải, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng cơ sở vật chất đang rất khó khăn.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lên án hành vi bạo hành trẻ mầm non |
Tham gia tranh luận, ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nhắc lại việc Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có nói giáo dục mầm non của chúng ta được UNICEF đánh giá rất cao. Tuy nhiên, ĐB Phong không đồng tình về đánh giá này và nói: "Ai đánh giá cao thì tôi không rõ nhưng tôi xin nhắc lại cho Bộ trưởng những hạn chế của giáo dục mầm non như quy mô đào tạo không đồng bộ, được đầu tư thấp nhất trong toàn ngành giáo dục, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, bạo hành trẻ...".
ĐB Đặng Thuần Phong tranh luận thêm, qua theo dõi giáo dục mầm non, nhận thấy trong lĩnh vực giáo dục này nhà nước góp 31%, trong khi đó gia đình đóng góp 69%, cao nhất trong các bậc học. Ngoài ra, Bộ chưa có giải pháp cụ thể để giải quyết các vấn đề về giáo dục mầm non.
Tiếp tục thừa nhận giáo dục mầm non thời gian qua xảy ra nhiều vấn đề, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết hệ thống giáo dục mầm non chuyển từ dân lập tư thục sang công lập, sự dịch chuyển mạnh nên chưa kịp chuẩn bị về đội ngũ giáo viên, cơ sở giáo dục.
"Các bộ, ngành, địa phương cùng với chúng tôi tổ chức giám sát giáo dục mầm non. Nơi có các nhóm trẻ độc lập, chúng tôi kiến nghị địa phương, các tổ chức đoàn thể phối hợp để tăng cường giám sát, phòng ngừa là chính, còn khi xảy ra sự việc rồi đi xử lý chỉ là bất đắc dĩ"- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kiến nghị.
Điều hành buổi chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết có tới hơn 80 đại biểu đăng ký chất vấn và tranh luận với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về những vấn đề "nóng" của ngành.