Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đầu tư hàng chục tỷ xử lý nước thải, ô nhiễm vẫn hoành hành tại Bệnh viện sản nhi Nghệ An

Là đơn vị được ưu tiên đầu tư hệ thống xử lý nước thải “đắt đỏ” nhất tỉnh, hàng năm còn được trích ngân sách tiền tỷ để xử lý chất thải, nhưng Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An vẫn nằm trong danh sách đơn vị ô nhiễm môi trường.

5 năm đã xuống cấp

Bệnh Viện Sản - Nhi Nghệ An có địa chỉ tại số 10, đường Tôn Thất Tùng, TP Vinh, Nghệ An, là bệnh viện đặc thù khám chữa bệnh cho trẻ em.

Tuy nhiên, một số ý kiến phàn nàn công tác vệ sinh, xử lý nước thải của Bệnh viện chưa đạt yêu cầu. Phóng viên đã có mặt tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, chứng kiến rất nhiều bệnh nhi đang khám chữa bệnh tại đây.

 Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An.

Tuy nhiên, ngay tại hành lang (trước phòng X Quang) nhiều túi rác có cả kim tiêm chưa được thu gom, đường ống dẫn nước vỡ, nước chảy nhếch nhác.

Trước đó, ngày 14/3/2018 thực hiện Quyết định số 4586/QĐ-UBND ngày 8/10/2015 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt danh mục và biện pháp xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) tỉnh này đã phối hợp với Sở Y tế tổ chức buổi làm việc với các cơ sở y tế nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường; ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thì trong đó có Bệnh viện Sản – Nhi.

Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra đã kết luận: Đối với cơ sở đã được đầu tư xử lý triệt để ô nhiễm môi trường như Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, khẩn trương khắc phục, cải tạo các công trình bảo vệ môi trường đảm bảo chất thải sau khi xử lý đạt Quy chuẩn hiện hành theo thời hạn đã cam kết.

Sau khi khắc phục xong, tiến hành lập hồ sơ đề nghị chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường gửi Sở TNMT để xem xét và kiểm tra cấp giấy chứng nhận theo quy định.

Tìm hiểu tại Sở Y tế Nghệ An được biết, nhằm xử lý triệt để nước thải của một số bệnh viện trước khi thải ra môi trường, năm 2012, UBND tỉnh Nghệ An quyết định đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại Bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An với tổng mức đầu tư gần 18 tỷ đồng, với công nghệ AAO phân tán của Nhật Bản, công suất 250m3 /ngày/đêm.

Đây cũng là bệnh viện được ưu tiên đầu tư nguồn ngân sách nhiều nhất trong đợt này. Công trình gấp rút được thực hiện tháng 10/2013 thì hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, chỉ sau gần năm năm đưa vào sử dụng, hệ thống xử nước thải đã “xuống cấp” không xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường. Và Bệnh viện Sản – Nhi vẫn nằm trong danh sách những đơn vị gây ô nhiễm môi trường.

 Túi rác thải, kim tiêm ngay tại hành lang.

Ô nhiễm do tháng cao điểm?

Liên quan đến vấn đề trên, tài liệu của Bệnh viện Sản - Nhi cung cấp cho thấy, mỗi năm Bệnh viện trích gần 1,6 tỷ đồng để vệ sinh và xử lý rác thải, nước thải.

Về quy trình thu gom xử lý chất thải, nước thải, cán bộ phụ trách về vấn đề này của Bệnh viện cho rằng: Việc thu gom và xử lý rác thải được thực hiện đúng theo quy định, năm 2014 Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An được đầu tư hệ thống xử lý nước thải với công suất 250m3 /ngày/đêm, từ khi sử dụng đến nay chưa bảo dưỡng sửa chữa lần nào.

Tuy nhiên, giải thích kết quả kiểm tra đơn vị vẫn gây ô nhiễm, ông Đinh Xuân Hương - Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cho rằng: Kết quả kiểm tra của Sở TNMT có thể là do tháng 3 là tháng cao điểm, số lượng bệnh nhân tăng vượt quá công suất đối với hệ thống xử lý nên mới có kết quả không đạt yêu cầu.

Về lượng nước bệnh viện sử dụng có tương ứng với công suất của hệ thống xử lý 250m3 /ngày/đêm hay không, ông Hương nói: “Đó là theo phán đoán, bởi vì từ khi hoạt động đến nay đã nhiều lần lấy mẫu kiểm tra nhưng khi đạt, khi không đạt, chứ bệnh viện làm gì dùng hết 250m3 nước/ngày/đêm”.

Câu trả lời trên của ông Hương đã thỏa đáng chưa, trong khi một bệnh viện được quan tâm đầu tư từ hệ thống xử lý nước thải gần 18 tỷ đồng?

Chưa kể ngân sách mỗi năm gần 1,6 tỷ đồng ngân sách chi thu gom xử lý nước, rác thải mà vẫn chưa xử lý triệt để, khiến ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra?

Trước trả lời trên, một số người không khỏi hoài nghi về chất lượng hệ thống xử lý cũng như công tác quản lý vệ sinh môi trường tại Bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An.