Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nạn bạo hành trẻ em trong các gia đình Nhật

Dù tình trạng trẻ em bị giết hại và bạo hành tăng lên, các dịch vụ hỗ trợ tại Nhật vẫn ngại can thiệp vào vấn đề gia đình.

 Người giám hộ đưa học sinh ở thành phố Niigata về nhà sau buổi học. Ảnh: Kyodo.

Nhật Bản nổi tiếng là môi trường bảo vệ và nuôi dưỡng trẻ em lý tưởng trên thế giới. Nhưng mức độ an toàn của những đứa trẻ khi ở nhà hiện nay còn thấp hơn tại nơi công cộng, theo Fujiko Yamada, người thành lập Trung tâm Phòng chống Bạo hành Trẻ em.

Bà cho rằng một loạt trường hợp ngược đãi trẻ em liên tiếp xảy ra là dấu hiệu của sự thay đổi đáng báo động trong xã hội Nhật Bản. Những tội ác nhắm vào đối tượng dễ bị tổn thương nhất trở nên ngày càng phổ biến và không còn gây bất ngờ, SCMP đưa tin.

Hôm 29/5, cảnh sát Tokyo tìm thấy thi thể một trẻ sơ sinh bị nhét vào tủ bán hàng tự động tại quận Kabukicho. Cảnh sát Kagoshima thì tìm thấy một bé trai sơ sinh vẫn còn dây rốn nằm trong hộp các tông tại nhà vệ sinh công cộng.

Ngoài các trường hợp bỏ rơi trẻ sơ sinh, một số đứa bé cũng bị đối xử tàn tệ trong chính gia đình mình. Hồi đầu tuần, cảnh sát thành phố Fujisama phía nam Tokyo đã bắt giữ một người đàn ông 32 tuổi do nghi ngờ anh này đổ nước sôi vào cánh tay đứa con ba tuổi của bạn gái. Các nhân viên phúc lợi xã hội cũng tìm thấy những vết bỏng do thuốc lá trên lưng cậu bé và đang điều tra cả người đàn ông và mẹ của cậu.

Hôm 12/5, một cặp vợ chồng từ tỉnh Kagawa đã bị bắt vì bỏ đói đứa con trai 13 tuổi của họ suốt 10 tháng. Sau khi nhập viện, cậu bé chỉ còn 32 kg và đi lại khó khăn. Cha mẹ cậu từng bị thẩm vấn vì ngược đãi trẻ em, nhưng lại được thả mà không bị buộc tội.

Yamada cho biết mô hình gia đình Nhật Bản đã thay đổi rất nhiều trong khoảng thời gian ngắn, nhưng chính quyền vẫn không sẵn sàng tham gia giải quyết khi xảy ra vấn đề trong gia đình, khiến trẻ em gặp nhiều nguy hiểm hơn.

"Trong quá khứ, người cha là chủ của gia đình, đưa ra tất cả quyết định và giải quyết mọi vấn đề trong nhà. Điều đó có nghĩa là theo truyền thống, cảnh sát, tòa án và các tổ chức khác có rất ít tiếng nói với những vấn đề nội bộ gia đình", Yamada giải thích.

Yamada lập ra tổ chức của mình sau vụ người mẹ giết hại đứa con 21 ngày tuổi gây sốc vào năm 1997. Bà nói rằng xu hướng bạo hành trẻ em có thể liên quan tới một số vấn đề xã hội khác.

"Nhiều gia đình có thu nhập thấp hoặc cha mẹ thất nghiệp. Ngày càng nhiều bố mẹ đơn thân gặp khó khăn. Sự sụp đổ của mô hình gia đình truyền thống, nơi ông bà sống cùng để giúp đỡ những người mẹ chưa có kinh nghiệm, cũng là một nguyên nhân. Mọi người ngày càng bị tách biệt khỏi xã hội", Yamada chia sẻ.

Bà cho biết tình hình dần xấu đi do thiếu sự phối hợp giữa cảnh sát, dịch vụ xã hội, bệnh viện, trường học và các dịch vụ hỗ trợ khác. Họ thường lo ngại về nguy cơ bị buộc tội do can thiệp nội bộ gia đình.

Tuy nhiên, Yamada cho biết đã có một số thay đổi trong luật phúc lợi và những biện pháp ngăn chặn tình trạng ngược đãi trẻ em. "Các tòa án về gia đình cũng được trao nhiều quyền lực và trách nhiệm hơn để hành động", bà nói.