Bị 'kiểm soát đặc biệt': Bán đất giải cứu, đại gia Dương Ngọc Minh chưa thoát lầy
- 13:51 29-05-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo Sở GDCK TP.HCM (HOSE), cổ phiếu HVG của CTCP Hùng Vương sẽ bị đưa vào diện bị kiểm soát đặc biệt từ 4/6/2018 để bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư. Cổ phiếu HVG sẽ chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Nguyên nhân HVG của ông trùm thủy sản một thời Dương Ngọc Minh bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt là do doanh nghiệp này liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (TTCK) sau khi đã bị đưa vào diện bị cảnh báo do vi phạm công bố thông tin.
Trước đó ngày 3/5 HOSE đã có công văn thông nhắc nhở chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 lần 3.
HOSE cũng cho biết cổ phiếu HVG tiếp tục bị theo dõi ở diện chứng khoán bị kiểm soát theo quyết định ngày 19/1/2018 do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2016 và 2017 là số âm.
Cổ phiếu HVG liên tục giảm mạnh trong nhiều tháng gần đây và hiện xuống dưới ngưỡng 2.900 đồng/cp.
Chỉ tính trong 3 phiên gần đây, HVG giảm sàn 2 phiên và giảm sát sàn một phiên với tổng mức giảm lên tới 15%. Trong vòng khoảng 4 tháng qua, HVG của ông Dương Ngọc Minh đã giảm suýt soát 70%, từ mức gần 10.000 đồng/cp xuống mức 2.890 đồng/cp như hiện tại.
|
Trong tháng trước, HVG của ông Dương Ngọc Minh đã có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) về phương án khắc phục lỗ luỹ kế trong năm 2018.
Theo đó, Thủy sản Hùng Vương dự tính bán một loạt công ty con và bất động sản, đóng cửa nhiều nhà máy để khắc phục khoản lỗ hơn 700 tỷ trong niên độ tài chính vừa qua.
Thủy sản Hùng Vương thanh lý một số bất động sản như lô đất 765 Hồng Bàng, 94 Phạm Đình Hổ tại TP.HCM và đóng cửa một số nhà máy chế biến thủy sản hoạt động không hiệu quả do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu.
Hùng Vương dự kiến thỏa thuận với ngân hàng về việc tiếp tục tài trợ nguồn vốn trung-dài hạn để hoàn thành các dự án đang triển khai dở dang. Đồng thời, khoanh nợ và có chính sách ưu đãi lãi suất đối với các khoản nợ hiện tại.
Tuy nhiên, cửa thoát vận đen của ông “vua cá tra” một thời này khá hẹp bởi ngân hàng nghi ngại về các dự án của HVG và không giải ngân vốn trong khi khó khăn mới tiếp tục xuất hiện.
Gần đây, HVG đã thoái vốn và sẽ tiếp tục thoái vốn ở một số công ty con như CTCP Thực phẩm Sao Ta (100%), CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (trên 50%).
Trong năm tài chính gần nhất, Hùng Vương lỗ 713 tỷ đồng. Lỗ lũy kế trên báo cáo hợp nhất tính đến 30/9/2017 vẫn còn 424 tỷ đồng. Lý do được Hùng Vương đưa ra là do thiếu hụt nguyên liệu cá tra nguyên liệu khiến 11 nhà máy với 15.000 lao động của Hùng Vương hoạt động ở mức độ cầm chừng, giảm 50% công suất, chủ yếu tái chế hàng trong kho để duy trì xuất khẩu.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HVG là một trong những cổ phiếu giảm mạnh nhất và hiện có giá chưa bằng một cốc trà đá.
Cổ phiếu ngành thủy sản nói chung gần đây giảm rất mạnh do các doanh nghiệp trong ngành ngập khó khăn. Rất nhiều cổ phiếu đã giảm xuống dưới mệnh giá như: TS4 (6.400 đồng/cp), ACL (9.400 đồng), AGF (5.000 đồng/cp), ATA (700 đồng/cp), AVF (300 đồng/cp),...
Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) là một trong số ít các doanh nghiệp vượt qua được khó khăn nhưng cũng chứng kiến cổ phiếu giảm mạnh. Khoảng một tháng qua, VHC giảm từ gần 80.000 đồng/cp xuống còn 49.000 đồng/cp như hiện tại.
Đặc biệt, quyết định của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp thuế chống bán phá giá cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế tăng sốc gần 10 lần, khiến cơ hội cá tra Việt sang Mỹ gần như đi vào đường cùng.
Sau nhiều năm thăng trầm, các doanh nghiệp cá tra Việt Nam mới khởi sắc trở lại từ năm 2017. Tuy nhiên, với quyết định của Mỹ, các doanh nghiệp cá tra Việt có thể sẽ lại rơi vào một thời kỳ tăm tối.
TTCK Việt Nam hiện đang trong giai đoạn nhạy cảm, áp lực tái cơ cấu từ các quỹ ngoại với dòng vốn rút ra lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi phiên.
Từ một thị trường tăng nhanh nhất thế giới, chứng khoán Việt Nam trở thành thị thành giảm sâu nhất thế giới cho dù chỉ số P/E chung trên thị trường đã tụt giảm từ mức trên 22 lần về còn khoảng hơn 15 lần như hiện tại. Chỉ số VN-Index cũng đã giảm hơn 20% kể từ đỉnh cao hơn 1.200 điểm ghi nhận hôm 9/4.
Điều đáng lo ngại là khối ngoại rút vốn mạnh trong hơn 2 tháng qua, trong khi khối các NĐT trong nước cũng đã tháo chạy và chưa có dấu hiệu quay lại bắt đáy. Hàng loạt các dự báo kém lạc quan của các tờ báo nước ngoài cũng khiến tinh thần của các NĐT tụt giảm.
Trong một đánh giá gần đây trên Bloomberg, chuyên gia cho rằng, TTCK Việt Nam không có chỗ cho các nhà đầu tư giá trị. Bloomberg cho rằng MSCI có lý do chính đáng để giữ Việt Nam trong danh sách các thị trường cận biên bởi vì sự “mù mờ” của thị trường và mức độ chi phối của một vài công ty lớn. Theo Bloomberg, chỉ 5 công ty đã chiếm tới hơn 40% vốn hóa thị trường.
Mặc dù vậy, với 2 phiên giảm mạnh vừa qua, nhiều CTCK trong nước cho rằng đáy của thị trường không còn xa.
CTCK Rồng Việt (VDS) cho rằng, hoạt động giải chấp có thể sẽ diễn ra thêm 1 phiên nữa. Nhà đầu tư có thể có cơ hội mua được nhiều cổ phiếu cơ bản bị ảnh hưởng bởi hoạt động này ở mức giá tốt hơn nhiều so với thời gian trước đây.
HSC cũng cho rằng, đáy của thị trường thực sự không còn xa. VN-Index có thể sẽ sớm lập đáy và thậm chí còn bật lại một chút.
SHS cho rằng, thị trường sẽ tìm kiếm vùng cân bằng cung cầu trong khoảng giá 900-950 điểm với diễn biến giằng co và rung lắc. Nhà đầu tư dài hạn có thể tìm kiếm những cổ phiếu có triển vọng tích cực đã về những vùng giá hợp lý nhằm tích lũy thêm cho mục tiêu 6 tháng cuối năm.
Kết thúc phiên giao dịch 28/5, VN-index giảm 27,95 điểm xuống 935,95 điểm; HNX-Index giảm 5,25 điểm xuống 109,24 điểm. Upcom-Index giảm 1,2 điểm xuống 51,93 điểm. Thanh khoản đạt 180 triệu cổ phần. Giá trị đạt 4 ngàn tỷ đồng.