Phận 'đổi chồng' của cô gái 18 tuổi lấy 3 người là anh em trong một gia đình
- 15:06 28-05-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khadija, 18 tuổi, chỉ lớn hơn một tuổi so với cuộc chiến tranh ở Afghanistan, nhưng cô đã kết hôn tới 3 lần - với 3 anh em trong cùng một gia đình. Một người là quân nổi dậy ở Taliban, bị giết chết trong trận chiến với Thủy quân lục chiến Mỹ. Một người là cảnh sát, thiệt mạng trong trận đấu ở Taliban. Người còn lại là thông dịch viên của Thủy quân lục chiến Mỹ bị loạn quân Taliban săn đuổi và đe dọa sẽ giết chết anh cùng con trai.
Câu chuyện của Khadija và 3 anh em trong cùng một gia đình mà cô kết hôn chính là phong kiến và hậu quả của chiến tranh - thảm họa ở Afghanistan. Đó là những cung bậc cay đắng tại nơi bạo lực nhất trong cuộc chiến Afghanistan - phía nam tỉnh Helmand, thành trì của loạn quân Taliban - nơi nhiều gia đình bị phân rẽ khi đứng trước chính phủ và quân nổi loạn.
Đó cũng là câu chuyện của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đấu tranh để đòi lại quyền quyết định của họ trong cuộc sống của chính mình. Sắc tộc Pashtun coi bổn phận của anh em trong gia đình chính là kết hôn với góa phụ, vợ của người anh hoặc em đã chết. Những góa phụ thường có rất ít lựa chọn hoặc tuân theo hoặc là phải rời bỏ con cái và nhà của họ.
Người chồng đầu tiên của Khadija - Góa phụ năm 10 tuổi
Khadija vốn sinh ra và lớn lên tại một nông trại thuộc vùng Marja, nơi từng là khu vực chứng minh sự thành công nhất của Thủy quân lục chiến Mỹ, nhưng giờ đây chỉ là sự thất bại nhục nhã của chính phủ Afghanistan. Người dân tại đây chủ yếu sống dựa vào cách trồng cây thuốc phiện và họ phải nộp tô thuế cho phiến quân Taliban.
Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, Khadija đã được đính ước với người anh họ của cô là Zia Ul Haq. Cha của hai người là anh em, đều là những người nông dân chân lấm tay bùn sống tại Marja.
Khadija, 18 tuổi. |
Khi mới lên 6 tuổi, Khadija chính thức được gả cho Haq (lúc đó 15 tuổi), mặc dù biết trước cuộc hôn nhân sẽ không trọn vẹn cho đến khi cô 11 tuổi hoặc đến tuổi dậy thì. Hôn nhân trẻ em là bất hợp pháp nhưng vẫn rất phổ biến tại Afghanistan.
Trước khi cuộc hôn nhân chính thức diễn ra, vào năm 2010, lực lượng không quân Mỹ tấn công vào một ngôi nhà ở gần đó, nơi được cho là chỗ ẩn náu của phiến quân Taliban. Cuộc không kích khiến nhiều người dân vô tội thương vong, trong đó có Farida - cô em gái mới 8 tuổi của chồng Khadija.
Marja sau đó trở thành lò lửa chiến tranh của phiến quân Taliban và Thủy quân lục chiến Mỹ cũng có ý định đánh chiếm nó. Trong những ngày loạn lạc đó, dân thường chết như ngả rạ dưới “mưa bom bão đạn” của những cuộc không kích, đẩy sự phẫn nộ của người dân lên đến đỉnh điểm.
Sau vụ tấn công đó, chồng Khadija - anh Haq đã gia nhập phiến quân Taliban. “Họ đã tẩy não anh ấy. Lúc đầu, họ buộc anh ấy phải tham gia nhưng sau đó là dùng lời lẽ dụ dỗ“, em út của Haq - Shamsullah Shamsuddin, 19 tuổi, cho biết.
Thời gian đầu, Haq còn thỉnh thoảng về thăm nhà. Nhưng sau đó mọi việc trở nên khó khăn hơn khi Thủy quân lục chiến tiến vào Marja.
Một năm trôi qua, Khadija không nhận được bất kỳ tin tức gì từ chồng. Cho tới một đêm, quân Taliban đưa thi thể chồng cô được quấn trong một tấm vải liệm tới. Vậy là Khadija trở thành một góa phụ khi chỉ mới 10 tuổi.
Người chồng thứ hai: “Anh ấy là một người chồng tuyệt vời”
Người chồng thứ hai của Khadija là Aminullah, 22 tuổi, một trong số những người em khác của chồng cũ. Aminullah là một cảnh sát, một nghề giúp anh có thu nhập khá trong thời chiến. Việc Khadija kết hôn với Aminullah đều do một tay cha cô an bài và cô không có lựa chọn nào khác.
Dù mới 22 tuổi nhưng Aminullah là thành viên đắc lực của cảnh sát Afghanistan. “Anh ấy có thể xử lý tất cả những vũ khí hạng nặng và quân Taliban sợ anh ta“, Shamsuddin cho biết.
Aminullah (trái) và Hayatullah là em của chồng đầu tiên của Khadija. Cả hai đều là cảnh sát và bị quân Taliban giết hại. |
“Anh ấy nói rằng khi nào anh ấy về nhà, tôi có thể tự gỡ burqa (một loại áo dài của phụ nữ Afghanistan, có phần vải trùm lên đầu và một tấm lưới dày che trước mặt). Anh ấy cũng nói rằng sẽ mang quần áo đẹp cho tôi và chúng tôi sẽ có một cuộc sống tốt đẹp. Anh ấy là một người đàn ông tốt và một người chồng tuyệt vời“, Khadija nói về người chồng thứ 2 của mình.
Khadija nói thêm rằng, người chồng thứ 2 của cô quyết tâm cống hiến cho chính phủ, trái ngược hoàn toàn với người chồng trước. “Anh ấy nói 'Tôi sẽ không bao giờ rời bỏ đất nước này cho tới khi máu trong cơ thể tôi ngừng chảy. Tôi sẽ chiến đấu tới cùng'. Mỗi khi anh ấy đi ra ngoài, tôi luôn ngồi nhìn cánh cửa cho đến khi anh quay lại“, Khadija tâm sự.
Vào năm 2014, Khadija mang thai một đứa con gái với Aminullah nhưng chồng cô sẽ không bao giờ quay trở lại được nữa. Anh bị giết bởi một quả bom nằm trên đường cao tốc. Giẫm đạp lên nỗi đau mất người thân của người khác, loạn quân Taliban lại rất vui mừng, hả hê. Để ăn mừng chiến thắng vì đã trừ khử được Aminullah, chúng đã mổ cừu và phân phát thịt cho các hộ gia đình ở Marja, Shamsuddin cho biết.
“Tôi đã mất anh ấy và tôi nghĩ 'Tại sao chuyện đó lại xảy ra với tôi cơ chứ?'. Nhưng đó là quyết định của Chúa và tôi không thể làm gì khác được“, Khadija ngậm ngùi nói.
Cả gia đình Khadija sau đó đã bỏ chạy khỏi Marja, chuyển tới Lashkar Gah, một thủ phủ của tỉnh để sinh sống. Sau khi rời đi, quân Taliban mò tới và thiêu rụi ngôi nhà cũ của họ.
Một vài tháng sau đó, Khadija hạ sinh một bé gái tên Roqia ở tuổi 14. 4 tháng 10 ngày sau cái chết của Aminullah, Khadija kết hôn với em trai út của gia đình là Shamsuddin vào năm 2015.
Người chồng thứ 3: “Tôi cầu xin Chúa hãy bảo vệ anh ấy”
Nhiều năm trước, có lẽ là khi Shamsuddin 14 tuổi, anh lảng vảng quanh căn cứ địa của Thủy quân lục chiến tại Marja, giúp anh khá thông thạo tiếng Anh. Nhờ vậy, quân đội đã thuê anh làm thông dịch viên với mức tiền lương khá hậu hĩnh - 25 đô la/ngày (gần 600 nghìn/ngày).
Công việc đó kết thúc khi Thủy quân lục chiến Mỹ rời khỏi Afghanistan vào năm 2013. Hiện tại, Shamsuddin chỉ kiếm được 5 USD mỗi ngày từ nghề kéo xe Lashkar Gah. Mặc dù vậy, số tiền ít ỏi ấy chính là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình với ít nhất 6 thành viên.
Gia đình hiện tại của Khadija. |
Mặc dù Gul Juma, mẹ của Shamsuddin còn 3 người con trai khác nữa nhưng hai trong số đó đã chết vì bệnh tật. Một người con trai khác là Hayatullah, 21 tuổi, cũng là một cảnh sát, đã hy sinh dưới nòng súng của quân Taliban, trước khi người chồng thứ 2 của Khadija qua đời vài tháng. Shamsuddin là người con trai duy nhất của bà Juma còn sống sót
Shamsuddin tự hào vì là “một người đàn ông Pashtun điển hình”. Khi cha của Khadija, chú của anh, đề nghị Khadija kết hôn với anh, Shamsuddin đã nhường quyết định này lại cho Khadija. “Tôi không ép cô ấy phải lấy tôi, mặc dù tôi có quyền đó. Tôi cũng muốn lấy một người phụ nữ khác làm vợ nhưng cô ấy là góa phụ của anh trai tôi nên tôi không có quyền lựa chọn nào khác“, Shamsuddin chia sẻ.
Khi nghe Shamsuddin nói vậy, Khadija đã trả lời anh rất lịch sự: “Anh không buộc em phải lấy anh, nhưng theo văn hóa Pashtun, em không có lựa chọn nào khác“. Và rồi Shamsuddin và Khadija nên duyên. Họ có với nhau một đứa con trai tên Sayed Rahman, 1 tuổi.
Loạn quân Taliban có số điện thoại của Shamsuddin nên chúng liên tục gọi cho anh để đe dọa. “Chúng nói rằng chúng sẽ giết tôi và sau đó là giết Sayed Rahman“, Shamsuddin nói.
Chia sẻ về người vợ của mình, Shamsuddin nói: “Vợ tôi rất mạnh mẽ. Rất ít ai có thể sống nổi nếu gặp phải những gì mà cô ấy đã trải qua. Cô ấy không kỳ vọng quá nhiều ở tôi. Về mặt tài chính, tôi không có nhiều thứ để cho cô ấy, tôi chỉ biết thể hiện thông qua lời nói và hành động. Dù tôi nghĩ đàn ông có thể đánh vợ nếu họ không nghe lời nhưng tôi chưa bao giờ động tay động chân với cô ấy. Có thể tôi tôn trọng cô ấy nhiều hơn là yêu vì các anh của tôi“.
Shamsuddin cũng nói rằng việc kết hôn với vợ của người anh đã mất quả là một trách nhiệm đáng buồn. “Khi nhìn thấy cô ấy, tôi lại nhớ tới anh trai của tôi“, Shamsuddin chia sẻ. Không chỉ Shamsuddin, đó cũng là nỗi buồn chung với Khadija.
“Đôi khi, tôi nằm mơ nhưng tôi không thể kể với bất kỳ ai chỉ vì tôi mang thân phận là một người phụ nữ. Tôi muốn học và trở thành một người phụ nữ có học thức để có thể tự đứng vững trên đôi chân của chính mình, nhưng nền văn hóa của chúng tôi lại không cho phép tôi làm điều đó. Bây giờ, nguyện vọng lớn nhất của tôi là người chồng hiện tại của mình sẽ không bị loạn quân Taliban giết hại. Tôi cầu xin Chúa hãy bảo vệ anh ấy“, Khadija nghẹn ngào.
Shamsuddin cũng thẳng thắn giãi bày những ước mơ thầm kín của anh với Khadija. Anh cho biết, trước đây, anh từng thầm thương trộm nhớ một cô gái tên Halima và được bố của anh chấp thuận cho cả hai làm đám cưới. Tuy nhiên, khi Thủy quân lục chiến Mỹ rời đi, anh thất nghiệp, anh trai của anh qua đời. Anh phải kết hôn với Khadija và Halima đã lấy một cảnh sát khác.
“Tôi đã kể về Halima với vợ tôi, bởi chúng tôi có cùng một số phận: Chúng tôi không thể kết hôn với người mà chúng tôi thật lòng yêu thương. Đôi khi chúng tôi xảy ra cãi vã, vợ tôi thường trêu chọc: 'Ồ, vì anh yêu Halima quá nhiều mà'“, Shamsuddin kể.
Người chồng hiện tại và con trai 1 tuổi của Khadija. |
Mặc dù tình yêu của anh dành cho Halima là không thể phủ nhận nhưng Shamsuddin cũng không hoàn toàn không có tình cảm với Khadija. “Cô ấy là một người phụ nữ xinh đẹp và tôi thích cô ấy. Chúng tôi giống như bạn bè hơn, chúng tôi thoải mái nói chuyện, trêu chọc lẫn nhau. Nhưng tình yêu ư? Chúng tôi cũng sẽ rất vui nếu như có ai đó nói rằng tôi yêu cô ấy, nhưng tôi đã rất yêu Halima. Khi nghĩ tới cô ấy, tôi cảm thấy đau nhói ở trong tim“, Shamsuddin vừa nói vừa lấy tay đấm vào ngực mình mình 2 lần.
Đó cũng là cảm giác tương tự của Khadija khi nghĩ tới người chồng thứ 2 của cô, Aminullah. “Tôi chưa hôn người đàn ông nào khác ngoài Aminullah. Bây giờ tôi chỉ hôn con trai của mình. Tôi thường khóc khi ngồi một mình“, Khadija bùi ngùi chia sẻ.
Đầu năm nay, người chồng cảnh sát của Halima đã bị quân Taliban giết chết. Shamsuddin muốn cưới Halima thành vợ hai và Halima cũng khá cởi mở về vấn đề này. “Vấn đề duy nhất tôi gặp phải là tài chính của tôi không đủ để chăm sóc cho cả hai người vợ. Và tất nhiên, tôi cần thảo luận vấn đề này với mẹ và vợ tôi“, Shamsuddin nói.
Chính vì vậy mà Shamsuddin đang có kế hoạch gia nhập lực lượng cảnh sát ở Helmand như những người anh của mình. Công việc này giúp anh kiếm được số tiền lương cao gấp 4-5 lần so với việc kéo xe hiện tại, tuy nhiên tỷ lệ thương vong cũng cao hơn gấp bội.
Mặc dù quyết định này rất quan trọng nhưng Shamsuddin lại không hề chia sẻ và tham khảo ý kiến của vợ và mẹ anh ta. Tuy nhiên, Khadija hoàn toàn biết được ý định của chồng. “Tôi biết anh ấy muốn trở thành cảnh sát nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép điều đó xảy ra. Nếu anh ấy tham gia lực lượng cảnh sát, tôi chắc chắn rằng quân Taliban sẽ giết chết anh chỉ sau 2 hoặc 3 tháng. Sau đó thì sao, chúng tôi biết phải làm gì? Ai sẽ bảo vệ những đứa nhỏ?“, Khadija chia sẻ.
Về ý định chồng mình muốn cưới người trong mộng, Khadija chế giễu: “Anh sẽ không bao giờ cưới được cô ấy. Cô ấy có tới 10 người anh em rể và họ sẽ không bao giờ cho phép cô ấy kết hôn với một người ngoài gia đình. Anh đang mơ mộng hão huyền đấy“.
Vậy đấy, truyền thống không biết có từ bao giờ khiến bao cô gái ở Afganistan không có quyền lựa chọn cuộc sống cho chính mình, phải kết hôn với người anh em trai của người chồng đã mất và quanh quẩn trong nhà, chăm con cái. Trong khi đó, chiến tranh lại cướp đi tính mạng của chồng họ, khiến họ nhanh chóng phải “đổi” chồng.