Xét xử BS Hoàng Công Lương: Quá nhiều bất ngờ khó lường
- 07:46 28-05-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hôm nay, phiên toà xét xử BS Hoàng Công Lương và 2 bị cáo Bùi Mạnh Quốc, Trần Văn Sơn trong vụ án xảy ra tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình khiến 9 bệnh nhân tử vong bước sang ngày thứ 10. Thời gian xét xử đã dài gấp đôi dự kiến.
Là luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của BV, có mặt tại toà trong suốt 9 ngày qua, LS Nguyễn Danh Huế đánh giá “đây là phiên toà vô cùng đặc biệt”.
Bởi lẽ, vụ án không chỉ nhận được sự quan tâm của giới y khoa trong nước, cộng đồng ngành luật, người Việt sinh sống ở nước ngoài mà người dân cả nước cũng dõi theo.
Theo LS Huế, kết quả phiên toà sẽ có quyết định rất lớn đến bức tranh ngành y tế tương lai cũng như môi trường, không gian làm việc của bác sĩ.
Vụ án có quá nhiều nút thắt
LS Huế cho biết, so với nhiều đại án, như Oceanbank lên tới mấy chục bị cáo, số lượng bị cáo trong phiên toà tại Hoà Bình chỉ có 3. Tuy nhiên bị hại rất nhiều, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng rất đông nên việc thẩm vấn, xét hỏi mất nhiều thời gian.
Luật sư Nguyễn Danh Huế |
Đặc biệt, ngay từ đầu, các cơ quan tố tụng đã xác định sai tư cách của những người tham gia tố tụng hoặc không xác định được tư cách của những người có liên quan. Như trường hợp cựu GĐ BV Trương Quý Dương, ông Hoàng Đình Khiếu, PGĐ BV, nguyên trưởng khoa Hồi sức tích cực, trong biên bản lấy lời khai tại cơ quan điều tra, không thể hiện tham gia tố tụng với tư cách gì.
Chính vì xác định sai tư cách tố tụng của một số nhân vật là mắt xích quan trọng trong vụ án, chỉ xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nên không thể bắt buộc họ đến toà.
“Khi không có mặt, sự thật khách quan của vụ án trở nên bế tắc, những người có mặt tại toà theo uỷ quyền không hiểu hết vấn đề, thời gian xác định sự thật vụ án rất khó khăn, khiến phiên toà kéo dài”, LS Huế đánh giá.
Phân tích sâu hơn các yếu tố pháp lý trong phiên toà, LS Huế cho rằng có “nhiều điều để nói”, nhiều tình tiết hay.
Thứ nhất, quy trình khám chữa bệnh, các văn bản quy phạm y tế còn nhiều lỗ hỗng, quy chế, nội quy BV chưa được hoàn thiện, nên việc xác định lỗi của chủ thể gặp nhiều khó khăn. Vụ án có nhiều nút thắt nhưng hỏi Bộ Y tế cũng không trả lời được.
Thứ hai, các luật sư chỉ ra, quá trình thu thập chứng cứ trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử chưa thực sự khách quan, có bằng chứng cho thấy có mớm cung, thông cung, xuất hiện lời khai sinh đôi.
Thứ ba, quá trình điều tra vụ án cho thấy, những cơ quan tiến hành tố tụng có khuynh hướng buộc tội các bị cáo thay vì áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội.
Ví dụ sinh động nhất, luật sư đưa bằng chứng cho thấy các yêu cầu sửa chữa trang thiết bị được ký bởi nhiều bác sĩ khác nhau, cho thấy vai trò của các bác sĩ tại đơn nguyên thận như nhau nhưng các bằng chứng này không được cơ quan tiến hành tố tụng thu thập.
“Tôi thấy như thế rất khiên cưỡng, đây chính là mấu chốt làm cho tính pháp lý trong vụ án rất sôi động”, LS Huế nhìn nhận.
2 điểm trừ của phiên toà
“Đây là phiên toà có quá nhiều bất ngờ. Bản thân tôi là một luật sư cũng không dự đoán được. Như phiên xử ngày thứ 9 vừa qua, tôi nghĩ có thể xong phần tranh luận nhưng với diễn biến như hiện tại thì phải thêm vài ngày nữa”, LS Huế đánh giá.
Theo LS Huế, sở dĩ có nhiều điều khó dự đoán, một phần vì sự vắng mặt của những người rất quan trọng, phần vì có rất nhiều người che đậy nhiều sự thật khác nhau.
Chủ tọa Nghiêm Hoài Anh điều hành phiên toà |
Đánh giá chung về phiên toà, LS Huế cho rằng chủ tọa Nghiêm Hoài Anh là người có năng lực, điều hành khá tốt, biết hướng đến những vấn đề quan trọng của vụ án, hướng luật sư và tạo không gian cho luật sư trình bày quan điểm pháp lý thoải mái.
Tuy nhiên LS Huế chỉ ra 2 điểm trừ của phiên toà: Thứ nhất, không mời các chuyên gia để làm sáng tỏ vấn đề pháp lý trong vụ án, đề xuất này đã được hàng loạt luật sư kiến nghị từ đầu phiên xử. Thứ hai, thời gian làm việc tương đối ngắn khiến phiên tòa kéo dài.