Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Sẽ mở rộng hình thức khoán xe công

Bộ Tài chính cho biết, việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đã góp phần giảm đáng kể số lượng xe ô tô công; giảm kinh phí sử dụng, chi phí vận hành xe; số lượng nhân viên lái xe giảm góp phần cắt giảm biên chế hành chính...

Tại cuộc họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính diễn ra mới đây, ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết ở nước ta, cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công bắt đầu được quy định từ năm 2007 tại Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg; theo đó, chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô theo cơ chế tự nguyện nên thực tế trong giai đoạn này còn ít chức danh đăng ký áp dụng, một số Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện hoặc đang trong quá trình xây dựng phương án để thực hiện nhưng còn mang tính thăm dò, thí điểm. Giai đoạn này, cơ chế khoán xe công cơ bản chưa được thực hiện, cả nước chỉ có một vài trường hợp đăng ký khoán tự nguyện.

Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg tiếp tục quy định việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô theo phương thức tự nguyện nhưng đã quy định rõ hơn cách xác định mức khoán kinh phí theo hướng dễ thực hiện, đảm bảo phương tiện cho đối tượng nhận khoán; đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương xây dựng phương án khoán xe; nên có khá nhiều Bộ, ngành, địa phương đã và đang từng bước thực hiện phương án khoán kinh phí sử dụng xe ô tô.

 Ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính. Ảnh: Mof

Tại Bộ Tài chính bắt đầu áp dụng khoán kinh phí sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày đối với các chức danh Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc các doanh nghiệp có tiêu chuẩn xe đưa đón từ nhà đến nơi làm việc từ ngày 01/10/2016; tiếp đến mở rộng khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung khi đi công tác (bao gồm cả đi họp) trên địa bàn đóng trụ sở làm việc đối với cán bộ cấp vụ, cục (kể cả các cục thuộc hệ thống ngành dọc ở địa phương) từ ngày 01/05/2017.

Tại TP. Hà Nội áp dụng thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung (từ ngày 20/02/2017) tại 08 cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Thành phố; gồm: 04 Sở (Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Lao động. Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, đơn vị triển khai thí điểm khoán xe ô tô phục vụ công tác chung, tổng chi phí tiết kiệm so với chi phí thực tế sử dụng cùng kỳ là 1.771 triệu đồng, trung bình một xe tiết kiệm 6,7 triệu đồng/xe/tháng.

TP. Hồ Chí Minh áp dụng thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung (từ tháng 5/2018) tại 05 đơn vị của thành phố. Theo tính toán của Thành phố, việc khoán xe công sẽ giúp tiết kiệm ngân sách hơn 100 triệu đồng/tháng, tương đương 1,2 tỷ đồng/năm (cho 05 đơn vị thực hiện thí điểm) nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng đủ số km thực tế sử dụng và nhu cầu.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đã góp phần giảm đáng kể số lượng xe ô tô công; giảm kinh phí sử dụng, chi phí vận hành xe; số lượng nhân viên lái xe giảm góp phần cắt giảm biên chế hành chính; tăng hiệu suất sử dụng xe ô tô công; các công việc, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và các chức danh thực hiện khoán được thực hiện bình thường, không bị ảnh hưởng khi áp dụng khoán; tạo hiệu ứng tích cực từ nhân dân và truyền thông.

Ông Trần Đức Thắng cũng cho biết thêm hiện nay tình trạng sử dụng xe công đi lễ chùa, đi việc riêng gần như không còn. “Kết quả này có được ngoài lý do các cơ quan đơn vị đã có ý thức hơn khi sử dụng tiết kiệm xe công còn do nhờ sự giám sát của báo chí và người dân”, ông Thắng nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của báo giới về việc năm 2017 vẫn chi hơn 1.000 tỷ đồng mua mới xe công, Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết tổng số xe công mua mới trong năm 2017 là 1.081 xe. Trong đó 22 xe phục vụ chức danh từ Thứ trưởng trở lên, là các trường hợp khi đề bạt, bổ nhiệm chưa có xe công tác nên phải trang bị. Xe công tác chung đã mua mới 366 chiếc để phục vụ việc đi lại chung của các cơ quan, đơn vị theo tiêu chuẩn.

Ngoài ra đã mua mới 693 xe ô tô chuyên dùng, bao gồm 66 xe cứu thương, 77 xe cứu hỏa, xe tải 74 cái... Số xe còn lại phục vụ xét xử thi hành án, chở vận động viên đi thi đấu, chở tiền ngân hàng...

Ông Thắng khẳng định, tất cả các trường hợp mua mới xe công đều thông qua xem xét cẩn thận, phải rất cần thiết không có xe thì ảnh hưởng công tác mới được xét duyệt mua, việc mua xe theo đúng tiêu chuẩn định mức, đúng mục đích.

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, ngày 23/5/2017, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ bản dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô (sau khi tiếp thu ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thành viên Chính phủ) để xem xét, ký ban hành.Theo đó sẽ mở rộng hình thức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô; khoán bắt buộc đối với một số chức danh; quy định rõ hơn các nội dung về khoán kinh phí sử dụng xe ô tô như đối tượng, công đoạn, hình thức, mức khoán và đơn giá khoán; đồng thời giao các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn hình thức khoán để phù hợp với điều kiện thực tế của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương.