Ô tô Tàu đổ về Việt Nam: Đẹp long lanh, chiều lòng khách quê
- 08:04 26-05-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Số liệu từ cơ quan Hải quan cho thấy, tháng 3 và 4 vừa qua, có 59 chiếc ô tô con Trung Quốc được các DN nhập về Việt Nam. Số xe này mang thương hiệu Zotye và Baic, có cả dòng SUV cỡ vừa, cỡ nhỏ và sedan.
Theo một DN chuyên kinh doanh ô tô Trung Quốc, do quy định mới tại Nghị định 116/2017 NĐ-CP, xe Trung Quốc đã bị gián đoạn một thời gian, không thể nhập khẩu về Việt Nam. Song, đến tháng 3 vừa qua, mọi thủ tục đã hoàn tất và xe Trung Quốc tiếp tục được nhập về.
DN này tiết lộ, doanh số bán xe Trung Quốc không nhiều như các thương hiệu khác, nhưng là thị trường ngách, mang lại sự ổn định trong kinh doanh. Một năm họ cũng bán được vài trăm chiếc. Đối tượng mua thường là người tiêu dùng ở các tỉnh lẻ, vùng nông thôn, có thu nhập không cao nhưng có nhu cầu về ô tô. Ngoài ra, một số DN tại các địa phương cũng chọn mua xe Trung Quốc để phục vụ cho công việc hàng ngày.
Một chiếc xe tải bán trên thị trường |
“Biết là xe Trung Quốc thương hiệu không mạnh bằng xe Nhật Bản, Hàn Quốc nên chúng tôi giữ khách bằng cách cung cấp chế độ bảo hành 3 năm hoặc 100.000 km, mua lại xe cũ với giá cao, đáp ứng đủ linh kiện thay thế. Khách hàng mua xe ở xa cửa hàng, khi có vấn đề cần thay thế linh kiện, chúng tôi sẵn sàng cử nhân viên kỹ thuật tới tận nơi. Chính vì vậy, nhiều khách hàng ban đầu rất e ngại, dần dần đã thay đổi”, DN này cho biết.
Tuy nhiên, kinh doanh xe Trung Quốc không hề dễ dàng. Hiện nay, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Trung Quốc về Việt Nam là 70%. Với số lượng nhập chỉ vài chục chiếc một lần nhưng phải thực hiện kiểm tra theo lô, tính ra chi phí cho mỗi đầu xe cao hơn. Trong khi đó, xe nhập khẩu nguyên chiếc từ khu vực ASEAN về Việt Nam đã giảm xuống còn 0%.
Để cạnh tranh, xe nhập từ Trung Quốc phải duy trì giá bán bằng một nửa so với xe của Nhật Bản. Tuy nhiên, thuế suất thuế nhập khẩu cao và số lượng mỗi lô nhập về ít nên DN kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn.
Hơn nữa, trong khi doanh số bán còn thấp mà vẫn phải duy trì việc nhập khẩu linh kiện phụ tùng thay thế để cung cấp cho khách hàng khi cần và đội ngũ kỹ thuật viên, vì vậy chi phí cũng khá tốn kém.
Không những thế, việc thuyết phục khách hàng Việt Nam tin tưởng vào ô tô “made in China” vẫn chưa như mong muốn. Đa số người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng mua một chiếc xe đã qua sử dụng, có thương hiệu Nhật, Mỹ, Hàn,... chứ không muốn mua “xe Tàu” cho dù mới, nhiều công nghệ lại rẻ và đẹp, DN này thừa nhận.
Mặc dù vậy, các DN kinh doanh ô tô Trung Quốc cho biết vẫn quyết tâm không bỏ thị trường Việt Nam. Nếu trước kia, tổng số xe con Trung Quốc tiêu thụ chỉ được vài trăm chiếc mỗi năm, thì nay đang tăng lên, dù không nhiều. Mức độ tăng lên, giúp các DN tin tưởng rằng người tiêu dùng Việt Nam đang dần chấp nhận xe Trung Quốc.
Mới đây, một tập đoàn ô tô của Trung Quốc đã quyết định kinh doanh mảng ô tô du lịch tại Việt Nam, với dòng xe 4 chỗ và 7 chỗ và ra mắt một loạt mẫu xe mới như Joyear S50, Joyear X5, Joyear XV, Joyear X6.
Nếu lắp ráp ô tô tại Việt Nam thuế nhập khẩu sẽ giảm từ 70% hiện nay xuống chỉ còn 15%. Nếu đạt tỷ lệ nội địa hóa 40% sẽ được hưởng thêm nhiều ưu đãi, như vậy có điều kiện để giảm giá cho khách hàng. Đây là điều các DN ô tô Trung Quốc quan tâm để mở thị trường tại Việt Nam.
Đó là chuyện về lâu dài, còn trước mắt, các DN kinh doanh ô tô Trung Quốc cho biết sẽ đưa ra thêm nhiều kế hoạch để tiếp cận khách hàng, như cho mượn xe dùng thử, nhập những phiên bản cao cấp hơn, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam hơn. Cùng với đó là đề nghị công ty mẹ ở Trung Quốc chia sẻ chi phí, để duy trì giá bán cạnh tranh nhằm mở rộng thị phần.
Một số DN cho hay còn hướng tới việc nhập khẩu ô tô điện của Trung Quốc. Nước này đang phát triển ô tô điện và tham vọng trở thành trung tâm lớn sản xuất pin ô tô điện của thế giới.