Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


UBND Tp Vinh không cố ý làm trái pháp luật

Chúng tôi nhận được đơn tố cáo của một người dân ở TP.Vinh, Nghệ An với nội dung: Trong quá trình đền bù GPMB dự án “Nâng cấp, cải tạo hào thành cổ Vinh”, UBND Tp Vinh đã cố ý làm trái pháp luật, gây thất thoát tài sản của nhà nước”. Tuy nhiên, qua điều tra và thu thập chứng cứ tại các cơ quan chức năng, thì sự thật hoàn toàn khác xa với lá đơn tố cáo này.

Dự án “Nâng cấp, cải tạo Thành cổ Vinh” (Nghệ An) thuộc tiểu dự án phát triển đô thị Vinh do UBND TP Vinh làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn của Ngân hàng Thế Giới (WB) tài trợ. Dự án có tổng diện tích quy hoạch 6,475ha. Ảnh hưởng trực tiếp đến ba phường Cửa Nam, Quang Trung và Đội Cung (TP Vinh). Tổng giá trị dự án là 363 tỷ đồng, trong đó 225 tỷ đồng dành cho GPMB, 138 tỷ đồng dành cho xây lắp. Hiện công tác GPMB chưa hoàn tất.

Đơn tố cáo cho rằng: Ông Nguyễn Hoài An, Chủ tịch UBND thành phố Vinh “đã bao che cho cấp dưới là Phó chủ tịch, Trung tâm phát triển quỹ đất và Phòng Tài nguyên Môi trường Tp Vinh làm trái pháp luật trong việc đền bù, cấp đất tái định cư sai pháp luật của dự án “Cải tạo hào thành cổ Vinh”. Trong đơn, người tố cáo đã liệt kê nhiều trường hợp thu hồi đất bị cho là “Có vấn đề”.

Trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi chỉ đề cập đến thửa đất số 40, tại khối 3, phường Cửa Nam, Tp. Vinh của hộ gia đình bà Phạm Thị Hường. Đây là một trong những trường hợp mà người tố cáo cho rằng: “UBND Tp. Vinh đã cố tình làm trái, khi lập phương án đền bù chỉ được 4,1 tỷ đồng, nhưng khi tiến hành chi trả đền bù, thì lại được nhận số tiền là 5,4 tỷ đồng. Và, tuy chỉ có 3 hộ gia đình con trai sinh sống trên đó, nhưng được giao 4 lô đất tại khu tái định cư”.

Thông tin từ các hồ sơ liên quan đang được lưu trữ tại các cơ quan chức năng thuộc UBND Tp. Vinh mà chúng tôi thu thập được, cho thấy sự việc như sau: Thửa đất số 40 tại khối 3, phường Cửa Nam, Tp. Vinh của hộ bà Phạm Thị Hường có diện tích 439, 4m2, nguồn gốc đất sử dụng trước năm 1980, trên thửa đất có hộ bà Phạm Thị Hường và 3 hộ con sinh sống. Năm 2005, đã được UBND Tp. Vinh cấp sổ đỏ cho ông Nguyễn Thế Lợi - bà Phạm Thị Hường (vợ). Năm 2008, thực hiện dự án cải tạo Cổng Thành cổ, UBND Thành phố đã kiểm kê, lập phương án đền bù cho hộ bà Hường (ông Nguyễn Thế Lợi đã mất). Tuy nhiên, do không có quỹ đất tái định cư nên dự án phải dừng lại cho đến khi thực hiện dự án Cải tạo Hào Thành cổ Vinh, năm 2015.

Theo đó, toàn bộ thửa đất của hộ gia đình bà Phạm Thị Hường bị thu hồi, giải tỏa toàn bộ để thực hiện dự án. Khi UBND Tp. Vinh tiến hành lên phương án sơ bộ đền bù đối với đất và tài sản trên đất với tổng số tiền là 4 tỷ 180 triệu đồng (4.180.000.000), gia đình bà Phạm Thị Hường không chấp nhận. Gia đình bà Hường đã làm đơn khiếu nại vì cho rằng: “Số liệu diện tích đất trong phương án đền bù không đúng với hiện trạng thực tế”.

Sau nhiều lần đối thoại với gia đình bà Phạm Thị Hường không thành công, UBND Tp. Vinh đã lập đoàn kiểm tra giải quyết đơn thư. Qua đo đạc, thì diện tích thực tế của thửa đất nhà bà Phạm Thị Hường là 439,4m2. Tiến hành kiểm tra ranh giới tiếp giáp bốn phía của thửa đất này đều ổn định, không có sự thay đổi hay biến động so với trước. UBND Tp. Vinh đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân khu dân cư, thì được kết luận: “Gia đình bà Phạm Thị Hường sử dụng thửa đất này ổn định, không có tranh chấp từ trước năm 1980”. Như vậy đủ cơ sở để khẳng định: Sự biến động giữa số liệu và diện tích thực tế (439,4m2) của hộ gia đình bà Phạm Thị Hường là do việc đo đạc trước đây bằng thủ công, nên không chính xác.

Việc xác định loại đất trong số 439,4m2 để tính giá trị đền bù cho gia đình bà Phạm Thị Hường đối với thửa đất số 40 tại K3, Cửa Nam, Tp Vinh cũng đã rất căng thẳng. Qua các hồ sơ đo đạc của nhiều thời kỳ khác nhau, UBND Tp. Vinh xác định thửa đất của bà Phạm Thị Hường như sau: 303,5m2 là đất ở sử dụng trước năm 1980, 135,9m2 là đất nông nghiệp. Gia đình bà Hường không đồng ý với phương án xác định loại đất bồi thường như trên, yêu cầu phải công nhận toàn bộ diện tích (439,4m2) là đất ở.

Sau nhiều lần đối thoại, gia đình bà Hường vẫn không đồng ý, UBND Tp. Vinh đã làm Công văn (Số 2612 UBND) gửi Bộ Tài nguyên Môi trường xin ý kiến chỉ đạo về việc bồi thường GPMB khi thu hồi đối với thửa đất của bà Phạm Thị Hường. Ngày 16-5-2017, Tổng cục Quản lý Đất đai - Bộ Tài nguyên Môi trường đã có Công văn số 810/TCQLĐĐ, đồng ý với phương án xác định loại đất của UBND Tp. Vinh là: Tổng diện tích: 439,4 m2 , trong đó 303,5 m2 là đất ở; 135,9 m2 là đất nông nghiệp. Đến lúc này gia đình bà Phạm Thị Hường mới đồng ý, nhận tiền bồi thường là: 5.416.837.000 đồng.

Thời điểm tiến hành thu hồi toàn bộ thửa đất của bà Phạm Thị Hường, trên thửa đất này có 4 hộ gia đình, gồm 3 hộ của ba người con trai và hộ bà Hường. Theo quy định của pháp luật đất đai, thì khi bố trí tái định cư cho gia đình bị thu hồi bằng đất phải bằng với diện tích tương đương, hoặc tốt hơn nơi thu hồi (439,4m2 đất đường Đào Tấn). Chính vì vậy, gia đình bà Phạm Thị Hường được giao 4 lô đất tái định cư có thu tiền (3 hộ các con, 1 hộ của bà Hường). Tuy nhiên, trong quá trình lập phương án, phê duyệt chậm nên bà Hường chết. Xét thấy việc nguyên nhân do Nhà nước thực hiện thu hồi, bồi thường chậm, kéo dài (2008-2015) nên khi lập phương án (2015) bà Hường chết không phải lỗi của công dân. Do đó, việc giao 4 lô đất có thu tiền cho hộ bà Phạm Thị Hường là đúng quy định pháp luật.

Như vậy, nội dung tố cáo “Phương án đền bù được lập cho Hộ gia đình bà Phạm Thị Hường là 4.1 tỷ đồng, nhưng được nhận hơn 5.4 tỷ đồng và việc giao đất tái định cư gây thất thoát tài sản nhà nước” là không có cơ sở. Hơn nữa, thực chất việc giao đất là: Nhà nước bán đất tái định cư cho gia đình không còn chỗ ở sau khi thực hiện thu hồi, giải tỏa. Giá đất tái định cư do UBND tỉnh Nghệ An quy định. Để có 4 lô đất tái định cư, gia đình bà Phạm Thị Hường đã phải khấu trừ 4 tỷ 154 triệu đồng (làm tròn số) trong tổng số tiền được bồi thường. Chứ không phải vừa được nhận tiền đền bù, vừa nhận thêm đất.