Vợ lái tàu SE19 không tin chồng qua đời
- 16:31 25-05-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng 25/5, một ngày sau khi tàu SE19 chở hơn 400 khách từ Hà Nội vào Đà Nẵng gặp nạn, chị Trần Thị Hải Yến (39 tuổi, vợ của lái tàu Nguyễn Thế Hùng) vẫn không tin chồng đã qua đời.
Trong căn phòng nhỏ trên tầng ba ngôi nhà ống cuối ngõ khu tập thể Cao đẳng Đường sắt (Long Biên, Hà Nội), chị Yến và hai con ngồi nép bên góc giường. Trước cửa nhà, năm người họ hàng căng tấm bạt nhỏ, kê vài chiếc ghế. Hàng xóm hay bạn bè đến thăm hỏi, chị phải nhờ mẹ chồng và chú bác tiếp giúp.
Chị Hải Yến suy sụp nhưng vẫn chưa chấp nhận sự thật chồng gặp nạn. Ảnh: Dương Tâm |
Anh Nguyễn Thế Hùng (42 tuổi) là con cả trong gia đình có ba anh em trai, bố từng là giảng viên dạy lái đầu kéo ở Cao đẳng Đường sắt. Theo nghiệp bố, anh Hùng sớm trở thành nhân viên lái tàu, đến nay đã được hơn 20 năm.
Khi mới vào nghề, còn làm phụ tàu, anh gặp gỡ chị Hải Yến - cô gái Nghệ An ra Hà Nội học trường Đường sắt và nên duyên vợ chồng sau hai năm quen biết. Từ đó, ngày ngày anh lái tàu chạy tuyến Hà Nội - Đà Nẵng, chị làm tiếp viên tàu Bắc Nam. Do đặc thù công việc không được gặp nhau nhiều, số lần ít ỏi cả nhà quây quần đều là kỷ niệm đáng quý.
"Anh đi rồi, mẹ con tôi không biết phải làm sao nữa. Lúc còn sống, ngày lễ Tết còn không được ngồi với nhau quá nửa ngày, giờ thì nửa tiếng cũng không được nữa rồi", chị Yến vừa nói vừa khóc nấc thành tiếng.
Chuyến tàu định mệnh và tin dữ lúc nửa đêm
Anh Hùng là lái chính trên chuyến tàu SE19 xuất phát từ ga Hà Nội lúc 20h10, còn chị Yến đi chuyến Hà Nội - Quảng Bình sau đó khoảng 90 phút. Con gái út vừa học hết lớp 3, đang nghỉ hè nên được mẹ cho theo để về nhà ngoại ở Vinh (Nghệ An).
Rạng sáng 24/5, đang làm nhiệm vụ trên tàu, chị Yến được trưởng tàu gọi tới. "Em hãy giữ bình tĩnh nhé", trưởng tàu nói khiến chị Yến cảm thấy có chuyện chẳng lành. Và đến khi nghe tin chuyến tàu của chồng gặp nạn, đầu máy văng khỏi đường ray, chị bàng hoàng.
"Tôi rút vội điện thoại gọi cho chồng, nhưng chỉ có tiếng chuông. Tôi quay sang gọi cho đồng nghiệp trên tàu SE19, hay tin anh Hùng đang kẹt trong đầu máy. Nhưng làm ngành đường sắt bao năm, tôi khó tin vào một tai nạn khiến lái tàu chết ngay tại chỗ", chị Yến kể lại và cho biết đã xin trưởng tàu cho xuống ga Trường Lâm, cách hiện trường khoảng 5 km và bắt taxi thẳng tới chỗ chồng.
Đầu tàu SE19 lộn nhiều vòng trước khi nằm ngang dưới mương nước. Ảnh: Lê Hoàng |
Đến nơi lúc hơn 3h, chị sốc khi thấy mấy tòa tàu lật khỏi đường ray, đầu kéo - nơi chồng chị ngồi lái - bị lật ngang dưới mương nước. Định chạy sang nhưng không được, nghe đồng nghiệp báo anh Hùng khó qua khỏi, chị ngồi sụp xuống, nhìn theo từng hành động của lực lượng cứu hộ để mong sớm nhìn thấy chồng.
Khoảng 7h, thi thể anh Hùng và lái phụ Nguyễn Xuân Đệ được đưa ra. Theo xe cứu thương đến Bệnh viện Đa khoa Tĩnh Gia (Thanh Hóa), chị xót xa khi thấy chồng lấm đầy bùn đất, hai tay cứng đơ trong tư thế cầm vô lăng. Gửi lời chia buồn đến gia đình, bác sĩ thông báo anh Hùng đã ra đi trong tình trạng không nguyên vẹn, cổ gãy, gan phổi đều dập.
"Bố hứa tháng 7 cả nhà đi du lịch Cửa Lò"
Khi biết tin dữ, chị Yến gọi điện nhắn mẹ chồng cùng con trai lớn chuẩn bị lên lớp 12 và hai người họ hàng bắt xe vào Thanh Hóa. Đến nơi lúc 6h30, Huy, con trai anh Hùng không cầm được nước mắt. "Bố hứa tháng 7 cả nhà đi du lịch Cửa Lò, nhưng không kịp nữa rồi. Từ nay em không được đi trên chuyến tàu bố lái nữa", Huy cúi mặt, nói ngắt quãng.
Sáng nay là ngày bế giảng, em không thể đến trường chung vui cùng thầy cô, bạn bè. Thay vào đó, nhóm bạn cùng lớp đã đến nhà Huy và đưa lại giấy khen cùng phần thưởng của trường. Mọi năm, ngày bế giảng là ngày vui của em, còn năm nay, đó lại là ngày đầu tiên em phải rời xa bố.
Đi cùng chuyến tàu với mẹ nhưng Vy, con gái anh Hùng và chị Yến không biết chuyện gì xảy ra. Em được đồng nghiệp của mẹ trông giúp và đưa về Hà Nội ngay trong đêm. Khi biết bố mất, em cứ nhắc bà và mẹ không được đốt hết đồ của bố vì "con phải giữ làm kỷ niệm".
Chị Yến chia sẻ anh Hùng rất yêu và chiều hai con, mua cho chúng nhiều đồ chơi và hay có phần thưởng mỗi khi con được điểm tốt. Là người ít chụp ảnh, nhưng anh luôn ghi lại khoảnh khắc mỗi lần đi chơi với con. Tất cả được lưu trong điện thoại mà chị Yến không thể biết nó đã vỡ vụn trong chiếc đầu máy bị lật hay mãi mãi nằm sâu dưới mảnh ruộng ở vùng đất xứ Thanh nữa.
Chị Yến luôn cầm theo tấm ảnh thẻ của chồng bên mình. Ảnh: Dương Tâm |
Bà Hà Thị Nhinh (66 tuổi), mẹ ruột của anh Hùng, chia sẻ ngày lễ Tết, thậm chí là ngày giỗ bố, anh vẫn phải đi làm. Sau mỗi chuyến đi kéo dài 2-3 ngày, anh chỉ được nghỉ nửa ngày. Còn chị Yến làm tiếp viên trên tàu Bắc Nam thì cứ đi 4-5 ngày mới được nghỉ 2-3 ngày. Vì vậy, cả nhà hiếm khi quây quần đông đủ và vợ chồng anh Hùng ít có thời gian đi chơi với con. Mỗi lần hứa cả nhà đi du lịch là bọn trẻ thích lắm.
Không chỉ lo cho cháu, bà Nhinh còn xót cho người con dâu. Lương hai vợ chồng chỉ được 10 triệu đồng một tháng. Làm trong ngành 20 năm, vợ chồng anh Hùng vẫn phải ở nhờ nhà bố mẹ. Mấy đồ đạc có giá trị như tivi, tủ lạnh được ông bà ngoại chu cấp. "10 triệu đó chỉ đủ nuôi con ăn học. Giờ chồng mất, thu nhập gói gọn trong ba triệu tiền lương của vợ thì vợ con nó biết sống làm sao", bà Nhinh run run nói.
Lễ tang anh Nguyễn Thế Hùng sẽ diễn ra vào sáng 26/5 tại nhà tang lễ Bệnh viện Đức Giang. Cầm tấm ảnh thẻ chụp chồng trong bộ trang phục nhân viên lái tàu, nhiều lúc chị Yến vẫn không tin chồng đã qua đời.
"Từ hôm qua tới giờ, hình ảnh anh Hùng chơi đùa với các con cứ lởn vởn trong đầu tôi. Nhìn góc nào trong phòng cũng thấy anh đang cười nói. Tôi không muốn chấp nhận sự thật anh đã rời xa mẹ con tôi", chị Yến nói.
Vụ tai nạn tàu hỏa diễn ra như thế nào? Đồ họa: Tiến Thành - Lê Hoàng |
Khoảng 0h30 ngày 24/5, tàu SE19 chở 407 hành khách từ Hà Nội vào Đà Nẵng, khi đến xã Trường Lâm (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đã tông vào xe ben chở đá đang băng qua đường ngang. Đầu máy đứt rời khỏi đoàn tàu, lộn nhiều vòng xuống mương nước bên cạnh. 6 toa khác gồm 2 toa chuyên dụng, 4 toa hành khách bật khỏi đường ray. 2 lái tàu tử vong, 9 hành khách và lái xe tải bị thương nặng, đang được cấp cứu ở bệnh viện Thanh Hóa và Nghệ An. Trong đó 3 người bị thương rất nặng được đưa ra Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Hai nhân viên gác chắn đã bị công an Thanh Hóa bắt giam về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360, Bộ luật Hình sự năm 2015. |